NGUỒN THIỀN GIẢNG GIẢI

H.T THÍCH THANH TỪ

PHÁN ĐỊNH KINH GIÁO TỔNG HỢP (tt)

- HỎI: Nếu vậy cớ sao có các Luận sư Thanh Biện, Hộ Pháp v.v.. phá lẫn nhau?

- ÐÁP: Ðó là làm thành cho nhau, không phải phá nhau. - Sao vậy? - Vì kẻ hậu học sau này căn cơ đần độn... chấp "Không" và "Hữu". Thanh Biện... phá tướng định hữu, khiến thấu triệt đến cứu cánh chơn không mới có thể thành tựu diệu hữu duyên khởi kia. Hộ Pháp... phá chấp thiên không đoạn diệt, ý còn lại diệu hữu; diệu hữu còn mới thành tựu chơn không vô tánh kia. Về căn thì hai bên phá nhau, về ý tức làm thành cho nhau.

Thanh Biện và Hộ Pháp là hai luận sư người Nam Ấn.

Ngài Thanh Biện tuyên dương giáo nghĩa của ngài Long Thọ, nói Không để phá chấp Có của kẻ hậu học. Ngài Hộ Pháp kế thừa tư tưởng A Lại Da duyên khởi của Vô Trước và Thế Thân, vì phá chấp thiên không đoạn diệt nên nói diệu hữu. Trên văn tự thấy như hai ngài phá nhau vì bên nói Có bên nói Không. Song, các ngài chỉ có một bản ý là hiển bày lý chơn không diệu hữu, nên nói làm thành cho nhau.

- Bởi vì diệu hữu chơn không có hai nghĩa: một là "Nghĩa trái hẳn nhau", nghĩa là hại đoạt nhau cùng tột, hai là "Nghĩa rất thuận nhau", nghĩa là thầm hợp một tướng toàn thể nhiếp thâu.

Chơn không diệu hữu có hai nghĩa:

a.- Trái hẳn nhau, hại đoạt nhau cùng tột. Nhìn cái đồng hồ, Không tông nói đồng hồ này không. Tướng tông nói đồng hồ này có. Căn cứ trên văn tự thì Có, Không là trái nhau và hại đoạt nhau cùng tột vì bên nói không, bên nói có.

b.- Rất thuận nhau. Không tông nói không là thầm ý nói nhơn duyên hợp, tánh nó không. Tướng tông nói có là do nhân duyên hợp nên giả có. Thuận nhau ở chỗ nhơn duyên hợp.

- Nếu không đoạt nhau cùng tột thì không sao toàn thể nhiếp thâu. Cho nên có trái tột mới có thuận tột. Ngài Long Thọ, Vô Trước... đến môn thuận tột nên làm thành cho nhau. Ngài Thanh Biện, Hộ Pháp.... y cứ môn trái tột nên phá lẫn nhau. Trái và thuận tự tại thành phá mà không phá, tức là đối với các pháp đều hòa hội vậy.

Ðoạn này ngài lập lại ý các đoạn trước để cho rõ nghĩa phá mà không phá của Không tông và Tướng tông.

- Than ôi! Phương này kẻ hậu học của hai tông (Không tông và Hữu tông) và người học kinh luận chỉ hại nhau, bài xích nhau chẳng khác cừu thù, đến khi nào mới chứng vô sanh pháp nhẫn? Người tu thiền đốn tiệm cũng như thế, cố gắng xem thông suốt chớ bị thiên cuộc.

Ngài quở người thời bấy giờ ở Trung Hoa mắc phải bịnh cố chấp. Các Luận sư ở Ấn Ðộ nói tuy trái nhau, nhưng bản ý làm thành cho nhau. Còn ở Trung Hoa môn đồ của hai tông và người học kinh luận kể cả người tu thiền đốn, tiệm bài xích nhau chẳng khác cừu thù, ngài khuyên người tu nên cố gắng học cho thông suốt, đừng để thiên cuộc trong tình chấp riêng tư.

- HỎI: Ở Ấn Ðộ các vị tiên hiền phá nhau đã làm thành cho nhau, đâu thể phương này bài xích nhau làm thành thù hiềm?

- ÐÁP: Như người uống nước lạnh nóng tự biết, mỗi người xét lại tâm mình, mỗi người xét lại ý niệm của mình, để thuốc ngừa bịnh không phải vì người mạnh, lập pháp phòng kẻ gian không phải vì người hiền.

Người hỏi:

- Ở Ấn độ các vị Luận sư phá nhau là làm thành cho nhau, thì ở Trung Hoa bài xích cũng có thể làm thành cho nhau, tại sao ngài nói là cừu thù?

Ngài đáp rất khéo:

- Mỗi bên hãy tự xét lại ý niệm của mình, trên văn tự bài xích nhau mà trong thâm thâm có hiềm thù nhau hay không thì tụ biết, như người uống nước nóng lạnh tự biết. Lời nói của ngài là thuốc ngừa bịnh, là pháp luật ngăn kẻ gian, nếu có bịnh hiềm thù thì bỏ, nếu có tà ý bài xích thì dừng.

3.- Giáo hiển bày chơn tâm tức tánh: Giáo này nói tất cả chúng sanh đều có chơn tâm không tịch, từ vô thủy đến nay tự tánh thanh tịnh, tinh lanh, không mờ, rõ ràng thường biết, đến tột mé vị lai vẫn thường còn không diệt, gọi là Phật tánh, cũng gọi là Như Lai tàng, cũng gọi là Tâm địa.

Ba điểm trọng yếu của giáo lý A Hàm là : Vô thường, khổ, vô ngã, còn gọi là Tam pháp ấn. Trong đó đức Phật dạy chúng sanh mang thân này là khổ, vì thân tâm, ngoại cảnh đều vô thường, vô ngã v.v... (đoạn trước đã giải thích kỹ). Ðoạn này lại nói tất cả chúng sanh đều có chơn tâm không tịch, từ vô thủy đến nay tánh tự thanh tịnh, tinh lanh không mờ, rõ ràng thường biết, đến tột mé vị lai vẫn thường còn không diệt. Nói vậy có rơi vào lỗi chấp thường của ngoại đạo và có mâu thuẫn với giáo lý A Hàm hay không? Ngoại đạo chấp thường là chấp tâm suy tính phân biệt của chúng ta là linh hồn thường nhất bất biến, hiện giờ làm người, đời sau cũng làm người không thay đổi, còn gọi là thần ngã. Ðức Phật cho đó là cái thấy một bên (biên kiến), nó là một trong mười món kiết sử trói buộc chúng sanh. Tâm tư suy tính ấy, theo đức Phật thì là một dòng sanh diệt chớ không phải thường còn, khi nghĩ thiện, lúc nghĩ ác, khi buồn, lúc vui v.v... Ðể phá chấp thường của ngoại đạo và chấp ngã của phàm phu, nên kinh A Hàm đức Phật nói rất nhiều về lý vô thường, khổ, vô ngã. Nhưng không phải Phật nói chúng sanh không có cái chơn tâm bất sanh bất diệt. Ðức Phật đã có nói, có chỉ, tuy nhiên nói rất ít, hoặc ngầm ý và không đặt tên nên khó nhận ra. Sau này Phật giáo Ðại thừa triển khai chỗ đó triệt để và đặt nhiều tên để chỉ cho "Cái không sanh không diệt" ấy. Vì nếu chúng sanh không có tâm bất sanh bất diệt thì lấy gì để thành Phật, thành A La Hán? Chẳng lẽ tu phá hết sanh diệt rồi chẳng còn gì nữa sao? Như vậy tu làm gì, vô lý quá!

Trong kinh Phật Thuyết Như Vầy, có đoạn: "Có cái không sanh, không diệt, không hiện hữu, không tác thành...", đức Phật không đặt tên. Sau này những bộ kinh Ðại thừa ra đời mới đặt tên. Kinh Lăng Nghiên gọi là chơn tâm, kinh Niết bàn gọi là Phật tánh v.v... Ðức Phật nói chúng ta có cái "Chơn tâm không tịch" không phải căn cứ trên cái biết suy tính phân biệt, mà căn cứ trên cái biết không có hình tướng lặng lẽ. Tâm là cái biết, chơn là chơn thật, không là không hình tướng, tịch là lặng lẽ. Tâm suy tính phân biệt luôn luôn dấy động, mà dấy động là có pháp trần nên có hình tướng. Còn chơn tâm thì lặng lẽ mà thường biết rõ ràng. Ví dụ chúng ta ngồi thiền hay ngồi chơi, tai vẫn nghe tiếng, mắt vẫn thấy cảnh mà tâm không dấy niệm chạy theo tiếng theo cảnh và phân biệt tốt xấu, ấy là lặng lẽ mà thường biết.

Một hôm, ngài Huệ Khả trình sở ngộ với Tổ Ðạt Ma:

-         Tâm con bặt hết muôn duyên.

Tổ bảo:

-         Coi chừng rơi vào không.

Ngài thưa:

-         Chẳng rơi không mà rõ ràng thường biết (Liễu liễu thường tri).

Tổ ấn khả:

- Ðó là chỗ hộ niệm của chư Phật.

Trong kinh cũng thường nói: "Ðức Phật trong bốn oai nghi, hoặc thuyết giảng, hoặc ở chổ đông người đều ở trong đại định". Chỗ này chúng ta có tu rồi mới biết, bây giờ chỉ hiểu trên kiến giải, chớ chưa thật biết.

- Từ vô thủy bị vọng tưởng che lấp không tự chứng được, đắm mê sanh tử, đức Phật thương xót mới hiện ra đời, vì nói pháp sanh tử... tất cả đều "Không", chỉ bày tâm này hoàn toàn đồng với chư Phật.

Tất cả chúng sanh đều có chơn tâm, nhưng từ vô thủy bị vọng tưởng che lấp nên tự mình không nhận ra, do đó bị chìm đắm trong sanh tử. Ðức Phật thương xót, nên mục đích duy nhất của ngài là chỉ cho chúng sanh nhận ra ra bản tâm thanh tịnh của mình đồng với tâm Phật. Kinh Pháp Hoa nói: "Ðức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến".

- Kinh Hoa Nghiêm phẩm Xuất Hiện nói: "Không có chúng sanh nào chẳng có đầy đủ trí huệ Như Lai, đều do vọng tưởng chấp trước nên không chứng được. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất thiết trí, Tự nhiên trí, Vô ngại trí liền được hiện tiền".

Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: "Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ trí huệ Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên không nhận ra, nếu lìa vọng tưởng thì Nhất thiết trí, Tự nhiên trí, vô ngại trí hiển bày".

Như vậy, chúng ta muốn có tất cả trí như Phật, chỉ cần lìa vọng tưởng là được, không khó. Tuy nhiên, không khó mà khó, khó ở chỗ chúng ta hay quên rồi cũng bị vọng tưởng lôi đi.

- Như có quyển kinh lớn bằng tam thiên đại thiên thế giới, biên chép đầy đủ tất cả việc trong thế giới tam thiên đại thiên, quyển kinh này tuy lượng bằng thế giới Ðại thiên mà nằm gọn trong một hạt bụi nhỏ; như một hạt bụi nhỏ, tất cả hạt bụi nhỏ cũng như thế. Khi ấy có một người trí huệ sáng suốt được thiên nhãn thanh tịnh đầy đủ, thấy quyển kinh này nằm gọn trong hạt bụi nhỏ, vì muốn làm lợi ích cho chúng sanh, bèn lập phương tiện đập hạt bụi nhỏ kia, hiện bày quyển kinh lớn này, khiến các chúng sanh khắp được lợi ích.

Ðoạn này đưa ra một thí dụ, trong kinh thường gọi là :"Phá vi trần xuất kinh quyển" (Ðập hạt bụi ra quyển kinh). Quyển kinh dụ cho chơn tâm không tịch, tất cả chúng sanh đều có nhưng không nhận ra, hạt bụi dụ cho thân năm uẩn, người có trí huệ sáng suốt dụ cho đức Phật, chỉ cho phương pháp đập hạt bụi để lấy quyển kinh là đức Phật dạy cho chúng ta phương pháp tu để phá hết vọng tưởng chấp trước, thì chơn tâm hiện bày, lợi mình lợi người vô cùng.

- Trí huệ Như Lai cũng thế, không lường không ngại, khắp hay lợi ích cho tất cả chúng sanh, nằm gọn trong thân chúng sanh, các phàm phu vọng tưởng chấp trước không biết, không giác, không được lợi ích. Khi ấy Như Lai dùng trí nhãn thanh tịnh không chướng ngại xem khắp tất cả chúng sanh trong pháp giới, nói thế này: "Lạ thay! Lạ thay! Các chúng sanh đều có đầy đủ trí huệ Như Lai mà ngu si mê lầm không biết không thấy, ta phải dạy đạo Thánh khiến họ hằng xa lìa vọng tưởng chấp trước, chính nơi thân họ thấy trí huệ rộng lớn Như Lai cùng Phật không khác. Liền dạy chúng sanh kia tu tập đạo Thánh, khiến lìa vọng tưởng, chứng kiến được trí huệ vô lượng như Lai, làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh".

Trí huệ Như Lai sẵn có nơi mỗi chúng sanh nhưng vì ngu si mê lầm nên không biết không thấy, do đó mất đi sự lợi ích. Sau khi đức Phật thành đạo, với trí nhãn thanh tịnh thấy tất cả chúng sanh đều có trí tuệ rộng lớn, đều có tánh giác như ngài, nhưng vì vọng tưởng chấp trước che đậy nên không nhận ra. Ngài thương xót lập bày phương tiện dạy cho chúng sanh tu tập theo Thánh đạo, xa lìa vọng tưởng để tánh giác hiển bày. Tất cả pháp tu của Phật dạy nhắm vào mục đích duy nhất đó. Khi tánh giác hiển bày thì đối với Thanh văn gọi là chứng quả A La Hán; chư Phật và Bồ tát thì gọi là trở về bản giác. Tánh giác sẵn có nơi mỗi chúng sanh, vì chúng sanh quên lãng nên Phật dùng phương tiện cho nhớ và trở về với nó. Khi nhận ra nơi mình có tánh giác gọi là Thỉ giác, khi sống trọn vẹn với nó thì Thỉ giác hợp với bản giác gọi là chứng ngộ.

- HỎI: Ở trên nói "Tánh tự rõ ràng thường biết", đâu cần chư Phật chỉ bày?

- ÐÁP: Ðây nói "Biết" không phải chứng biết, ý nói chơn tánh không đồng với hư không cây đá nên "Biết".

Khi nghe trong kinh nói nơi mỗi chúng sanh đều có chơn tâm không tịch, nhiều người hiểu lầm, cho nó lặng lẽ rỗng không như hư không là sai. Tôi giải thích cho quý vị nhận ra chỗ này: Khi tâm chúng ta không khởi vọng tưởng chừng mười giây, hai mươi giây, lúc đó chúng ta vẫn có cái Biết, nhưng vì thời gian không vọng tưởng quá ngắn, vọng tưởng lại tiếp tục dấy khởi, nên chúng ta không nhận ra Cái rõ ràng thường biết. Nếu thời gian không vọng tưởng chừng mười phút, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, các cơ quan đều hoạt động thì cái rõ ràng thường biết hiển lộ nơi mình. Cái rõ ràng thường biết không bám vào sáu trần nên không tướng mạo, ví nó như hư không nhưng không đồng với hư không, vì hư không bất động, tánh giác linh động. Thiền tông chủ trương phải nhận ra cái rõ ràng thường biết, y nơi đó tiến tu cho đến khi triệt ngộ mới không bị lầm lạc, cách tu này gọi là Xứng tánh khởi tu.

- Không phải như thức duyên cảnh phân biệt, không phải như trí soi thấu thể, chính là một tánh chơn như tự nhiên thường biết.

Ðây nhận định cái biết nào là thức, cái biết nào là trí, cái biết nào là chơn tâm.

Nhìn cái bàn chúng ta liền khởi niệm phân biệt: cái bàn này đóng khéo quá, kiểu bàn này rất đẹp thuộc gỗ quý v.v... đó là cái biết của thức. Cũng nhìn cái bàn chúng ta dùng trí Bát nhã soi thấu thể của nó tự tánh là không, do nhiều duyên hợp lại thành cái bàn. Ðó là cái biết của trí. Cái biết của trí cao hơn cái biết của thức, là dụng của chơn tâm, gần với chơn tâm hơn thức, tuy cũng phân biệt nhưng phân biệt đúng lẽ thật. Chúng ta tu là vận dụng trí để phá cái biết theo tình chấp của thức, nhưng khi thức hết rồi thì trí cũng quên luôn, lúc đó chơn tâm hiển bày. Kinh thường dụ chơn tâm như mặt gương trong sạch, ở ngoài có hình tướng gì thì trong mặt gương có hình ảnh đó. Như ở ngoài có đồng hồ thì trong mặt gương hiện bóng đồng hồ, ở ngoài có cái chuông thì mặt gương hiện bóng cái chuông. Cái biết của chơn tâm cũng vậy, tai vẫn nghe tiếng, mắt vẫn thấy sắc, lưỡi vẫn nếm vị... mà tâm an nhiên tự tại, không dính mắc, không khởi niệm phân biệt.

Vào một đêm ba mươi Tết, ngài Hư Vân bảo chúng làm một tiệc trà cuối năm, gọi là Phổ trà. Nhân đó ngài dạy:

- Khi uống trà, người biết trà ngon dỡ là phàm phu, nếu không biết mùi vị trà thì đồng như cây đá. Vậy các ông nên uống trà như thế nào?

- Uống trà.

Ngay chừng ấy thôi, uống trà chỉ biết uống trà.

Ngài Triệu Châu nghe danh ngài Ðại Ðồng ở núi Ðầu Tử bèn đến thăm. Ðến nơi, ngài Ðại Ðồng đi vắng, ngài đến trước am ngồi chờ. Ngài Ðại Ðồng trở về trên tay cầm một bình dầu, ngài Triệu Châu hỏi:

-         Nghe danh Ðầu Tử đã lâu, đến đây chỉ thấy ông già bán dầu.

Ngài Ðại Ðồng đáp:

-         Ngài chỉ thấy ông già bán dầu là không biết Ðầu Tử.

Ngài Triệu Châu hỏi:

-         Thế nào là Ðầu Tử?

Ngài Ðại Ðồng đưa bình dầu lên:

- Dầu, dầu.

Qua hai câu chuyện trên đủ để quý vị nhận ra rồi. Nếu không thì thời gian sau quý vị sẽ biết.

- Bồ Tát Mã Minh nói: "Chơn như là tự thể chơn thật hiểu biết". Kinh Hoa Nghiêm phẩm Hồi hướng cũng nói: "Chơn như soi sáng làm tánh".

Trong Ðại thừa Khởi Tín, ngài Mã Minh nói : "Tự thể chơn như là chơn thật hiểu biết". Chơn là chơn thật, Như là cái biết như như không sanh không diệt. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Chơn như là cái biết sáng suốt, lấy cái sáng suốt đó làm tánh".

- Lại y cứ phẩm Vấn Minh nói: "Biết cùng trí khác, trí cuộc nơi thánh không thông nơi phàm, biết tức phàm thánh đồng có thông nơi lý trí.

Cái biết của trí hạn cuộc nơi hàng Thánh giả, không có ở nơi phàm phu. Nếu dùng trí hằng thấy thân tâm là vô thường, khổ, vô ngã đó là trí năng của hàng Thanh văn. Nếu thấy thân ngũ uẩn đều không, các pháp như huyễn hóa (ngã, pháp không) là cái trí của hàng Bồ tát. Phàm phu sống theo tình thức phân biệt nên không có thánh trí. Chỉ Thánh mới có trí nên gọi là thánh trí, dùng trí phá được thức nên gọi là thánh. Chơn tâm bao trùm cả phàm thánh, nơi phàm cũng có tánh biết, nơi thánh cũng có tánh biết. Ðức Phật nói: "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành" là căn cứ trên tánh giác của Phật và chúng sanh đồng có.

- Cho nên Bồ tát Giác Thử..., chín vị hỏi Văn Thù Sư Lợi rằng: "Thế nào cảnh giới trí của Phật (Trí chứng ngộ)? Thế nào cảnh giới trí biết của Phật (Chơn tâm sẵn có)?". Văn Thù đáp: "Trí của chư Phật tự tại trong tam giới không ngăn ngại (Ðáp trí). Không phải thức hay phân biệt được, cũng không phải cảnh giới của tâm, bản tánh nó thanh tịnh, chỉ bày các chúng sanh (Ðáp biết).

Trí của Phật soi thấu trong tam giới không gì ngăn ngại. Chơn tâm không phải phân biệt cũng không phải là tâm suy tư đầy vọng tưởng, là bản tánh thanh tịnh sẵn có nơi mỗi người.

- Luận Bảo Tạng chép: "Biết có thì có hoại, biết không thì không hoại; cái biết thật biết thì có không đều không chấp". Như thế là chỉ bày tâm linh tri tức là chơn tánh cùng Phật không khác. Thế là hiển bày "Giáo chơn tâm tức tánh vậy".

Biết có tức là chấp theo có, cho sự vật là thật có. Nhưng tất cả sự vật là vô thường, nên cái biết ấy cũng vô thường hoại diệt. Biết không là chấp vào không ngơ. Biết theo hai bên có không là biết sanh diệt. Biết thật biết là cái biết của chơn tâm, không kẹt hai bên có và không. Ðó là tâm linh tri, hay gọi là chơn tánh, chúng sanh cùng Phật đồng có. Ngài đã tóm gọn ý nghĩa của giáo thứ ba "Hiển bày chơn tâm tức tánh".

- Kinh Hoa Nghiêm, Mật Nghiêm, Viên Giác, Phật Ðảnh, Thắng Man, Như Lai Tạng, Pháp Hoa, Niết Bàn... hai mươi bốn bộ. Luận Bảo Tánh, Phật Tánh, Khởi Tín, Thập Ðịa, Pháp Giới, Niết Bàn, mười lăm bộ. Tuy đốn hoặc tiệm không đồng, căn cứ pháp thể hiển bày đều thuộc giáo này. Hoàn toàn đồng với tông thứ ba "Chỉ bày tâm tánh" của thiền môn.

Hơn bốn mươi bộ kinh thuộc hệ Ðại thừa và mươi lăm bộ Luận, tuy giáo nghĩa đốn tiệm không đồng, nhưng đều căn cứ vào pháp thể để hiển bày lý Chơn tâm tức tánh. Giáo thứ ba hiển bày chơn tâm tức tánh hoàn toàn phù hợp với tông thứ ba Chỉ bày tâm tánh (tức tâm tức Phật) của thiền tông.

- Bồ Tát Mã Minh nêu "Tâm" là cội nguồn. Văn Thù chọn "Biết" là chơn thể, tại sao nhóm phá tướng chỉ nhận tịch diệt mà không chấp nhận "Chơn tri"; các nhà nói tướng chấp phàm khác thánh mà không nhận "Tức Phật"? Nay tóm tắt kinh Phật phán định, chính vì những người này. Chư Tổ ở Ấn Ðộ truyền tâm gồm kinh luận không phân hai, bởi do phương này mê tâm chấp văn cho danh là thể, nên Tổ Ðạt Ma khéo léo bỏ văn truyền tâm, nêu tên của nó, thầm chỉ thể của nó, dụ dùng ngồi xoay mặt vào vách, khiến dứt các duyên.

Bồ tát Mã Minh nói "Tâm" là nguồn sanh ra muôn pháp. Ngài Văn Thù cho "Biết" là thể chơn thật. Tại sao nhóm phá tướng (những vị nghiêng về lý Bát nhã) chỉ chấp nhận chơn không tịch diệt mà không nhận chơn tri (biết chơn thật)? Các nhà nói tướng (những vị nghiêng về giáo nghĩa A Hàm) thì cho rằng phàm thánh khác nhau, không chấp nhận lý "Tức tâm tức Phật"? Do đó, ngài Khuê Phong tóm tắt kinh Phật chia làm ba giáo, phán định lý của mỗi giáo rõ ràng để phá kiến giải lệch lạc của ngườisau.

Xưa, chư Tổ ở Ấn Ðộ khi truyền Thiền luôn luôn dạy cả kinh luận. Khi ngài Bồ Ðề Ðạt Ma sang Trung Hoa thấy người tu Phật ở đây quên mất bản tâm, chạy tìm trên văn tự nên kẹt trên tên gọi (tâm) mà quên mất thể của tâm. Nên Tổ Ðạt Ma mới tuyên bố: "Bất lập văn tự, chỉ thẳng tâm người", đó là ngài khéo léo bỏ văn tự truyền tâm. Về phần thực hành, ngài lặng lẽ ngồi xoay mặt vào vách chín năm, chủ yếu cho người nhận ra rằng phải buông hết các duyên bên ngoài, quay lại nhiếp phục vọng tưởng bên trong, không chạy theo văn tự suông, đó là yếu tố chính để người tu thiền chứng ngộ.

- HỎI: khi các duyên dứt có phải đoạn diệt chăng?

- ÐÁP: Tuy dứt các niệm, không phải đoạn diệt.

- HỎI: Lấy cái gì chứng nghiệm biết không đoạn diệt?

- ÐÁP: Rõ ràng tự biết, nói không thể đến.

Ðây là những thắc mắc của đa số người tu. Tu thiền là buông vọng tưởng, không cho tâm chạy theo sáu trần. Giả sử hành giả thực hành một thời gian lâu, trong bốn oai nghi tâm thanh tịnh bặt hết vọng niệm, lúc đó hốt hoảng sợ mất mình? - Tuy bặt hết vọng niệm mà tai hành giả vẫn nghe tiếng, mắt vẫn thấy sắc v.v... Nếu không có mình thì ai nghe, ai thấy?

Hỏi lấy cái gì để chứng nghiệm? Chỉ trả lời "Rõ ràng thường biết", đến chỗ ấy mỗi người tự biết, không thể nói ra được, cũng như người uống nước nóng lạnh tự biết.

- Sư Ðạt Ma ấn chứng rằng: "Chỉ đây là tự tánh thanh tịnh, tâm chớ nghi ngờ". Nếu đáp không khế hội cũng ngăn được các lỗi. Lại bảo: "Quán sát rốt ráo", không vì người trước nói chữ "Biết" (tri), chỉ đợi tự ngộ mới nghiệm thật, là thân chứng được thể kia, nhiên hậu ấn chứng khiến dứt hết nghi hoặc, cho nên nói: "Thầm truyền tâm ấn". Nói thầm đó duy thầm chữ "Biết" (tri) chẳng phải tất cả chẳng nói. Sáu đời truyền nhau đều như vậy.

Ðể cho người sau đủ niềm tin, ngài dẫn chứng lời Tổ Ðạt Ma ấn chứng cho Tổ Huệ Khả: "Chỉ đây (cái rõ ràng thường biết) là tự tánh thanh tịnh, tâm chớ nghi ngờ". Ðáp "Rõ ràng tự biết" nếu người không khế hội thì thôi, không giải thích để ngăn các lỗi hiễu lầm. Ví dụ: nói tu đến trạng thái đó vui lắm, người nghe tưởng vui như đi xem hát; hoặc nói vắng vẻ lắm, họ tưởng như ở chỗ núi non hoang vu. Còn đáp "Rõ ràng tự biết", tức là tới trạng thái đó mỗi người tự biết lấy, ai chưa tới thì không biết, cứ tiếp tục tu. Nhà thiền chủ trương, thà để người không biết, còn hơn cho người đó hiểu sai rồi chấp. Như người đứng bên ngoài một ngôi nhà đóng kín cửa, không biết bên trong nhà. Dù có nghe người diễn tả nhiều vật bên trong cũng không biết đúng như thật vật trong nhà. Khi nào người ấy bước vào được trong nhà thì tự biết tất cả.

Chỗ này chẳng những các Tổ không nói, mà đức Phật cũng luôn luôn từ chối không bao giờ ngài giảng về Niết bàn. Khi Phật còn tại thế, bị nhiều kẻ ngoại đạo võ đoán rằng: Ðức Phật nói Niết bàn nhưng chắc ngài cũng không biết Niết bàn là gì, cho nên hỏi ngài không trả lời. Vì nếu có nói ra chúng ta cũng không biết, vì chúng ta chưa chứng được trạng thái đó thì làm sao biết.

Ví dụ học sinh lớp hai, đem toán hình học không gian giảng cho nó nghe, dù giáo sư có cố gắng giảng, nó cũng không hiểu, vì trình độ của nó chỉ biết một cộng một là hai, nó không hiểu tới không gian. Giáo sư chỉ nên khuyên nó học từ từ, lên Trung học sẽ hiểu được và giải được toán này.

Kinh Tu Nhàn Ðề thuộc hệ A Hàm, có kể chuyện:

Có một người ngoại đạo tên Tu Nhàn Ðề, bài bác đức Phật chủ trương xa lìa ngũ dục. Sau khi được Phật dùng đạo lý giáo hóa, ông tỉnh ngộ và nghe đức Phật nói bài kệ:

            Không bịnh lợi bậc nhất,

            Niết bàn vui bậc nhất.

Tu Nhàn Ðề hỏi:

- Thế nào là Niết bàn vui bậc nhất?

Ðức Phật không trả lời chỉ đưa ra một thí dụ:

Như người mù mắt từ thuở bé, nghe người khác diễn tả những màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng... cũng không thể hình dung được. Có người thương xót chỉ cho người ấy một món thuốc trị lành mắc. Khi sáng mắt, người ấy thấy rõ ràng các màu sắc không cần ai diễn tả. Cũng vậy, Phật nói ông chưa sáng con mắt huệ, dù ta có vì ông nói, chỉ nhọc nhằn mà ông cũng không được lợi ích. Ta sẽ chỉ ông phương thuốc làm sáng mắt huệ của ông.

1.- Gần gủi thiện trí thức.

2.- Nghe pháp lành.

3.- Nghe rồi suy nghĩ.

4.- Suy nghĩ rồi tu chứng.

Tu chứng rồi chính ông sẽ biết rõ thế nào là cái vui đệ nhất của Niết Bàn.

Ngài Khuê Phong bảo hành giả phải quán sát rốt ráo, đừng vội nghe người trước nói lý cứu cánh (chữ Biết) rồi sanh nghi, hãy tự ngộ, khi trình sở ngộ vị thầy nghiệm lại sẽ ấn chứng (như trường hợp ngài Huệ Khả), gọi là Thầm truyền tâm ấn. Từ sư Bồ Ðề Ðạt Ma cho đến Lục Tổ Huệ Năng đều truyền tâm bằng cách ấy.

- Ðến thời Hà Trạch (Thần Hội) tông khác đua nhau truyền bá, muốn cầu thầm khế hội không gặp cơ duyên, lại cũng suy nghĩ lời ký "Huyền ty" (chỉ tơ treo) của Tổ Ðạt Ma, e sợ tông chỉ diệt mất, ngài bèn nói rõ "Một chữ Biết (Tri) là cửa các thứ nhiệm mầu" (Tri chi nhứt tự chung diệu chi môn).

Ðến đời ngài Thần Hội, thấy các tông phái đua nhau truyền bá thiền, người muốn cầu khế hội lại không gặp cơ duyên. Ngài nhớ lại lời huyền ký của Tổ Ðạt Ma: "Pháp của ta sau sáu đời mạng như chỉ tơ treo". Ngài sợ tông chỉ của Tổ diệt mất nên ngài nói thẳng "Một chữ Biết là cửa các thứ nhiệm mầu". Cái biết của chơn tâm là cửa của các thứ nhiệm mầu. Nên trong giáo thứ ba nói nếu ai chứng ngộ chơn tâm thì có đầy đủ diệu dụng như chư Phật.

- Mặc dù học giả ngộ có cạn sâu, chỉ cốt giữ tông giáo không dứt, cũng là vận số đại pháp ở nước này (Trung Hoa) đã đến. Một số Tăng tục được nghe khắp nên cảm ứng như thế. Về mật truyền thì những người khác không biết, nên lấy cà sa này làm tin. Còn hiển truyền thì kẻ học dễ biện biệt, chỉ dùng lời nói để trừ nghi, huống đã hiện bày lời nói đầy đủ có thể dẫn kinh luận... làm chứng

Ở Trung Hoa dưới thời ngài Thần Hội, thiền của Lục Tổ rất thạnh hành tại Hà Trạch. Mặc dầu ngài Thần Hội chỉ thẳng những người ngộ có cạn sâu, tuy nhiên vẫn giữ được không đoạn dứt. Có hai lối truyền thiền là Mật truyền và Hiển truyền. Mật truyền là trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng, chỉ một thầy một trò biết, lấy y bát làm tín vật. Hiển truyền là đem kinh luận ra giảng dạy. Ở Chơn Không dạy tu thiền, tôi đem kinh luận ra giảng cho quý vị biết thế nào vọng, thế nào là chơn, không theo vọng và hằng sống với cái chơn, y đó tu cho đến khi triệt ngộ. Hiển truyền là lấy kinh luận đối chiếu lại sự chứng ngộ của hành giả xem có phù hợp với lời dạy của Phật Tổ không.

- HỎI: Ngộ tâm rồi phải tu như thế nào? Lại ý "Giáo nói tướng" ban đầu khiến tọa thiền chăng?

- ÐÁP: Ðây có hai ý. Nếu người hôn trần nặng nề không thể sách phát, trạo cử lăng xăng không thể đè dẹp, tham sân mãnh liệt gặp cảnh khó khăn, thì dùng các thứ phương tiện trong giáo trước tùy bịnh điều phục. Nếu người phiền não mỏng yếu, huệ giải sáng bén, nên y tông bổn giáo tu nhất hạnh tam muội.

Ý câu hỏi là:

- Ngộ rồi tức nhận ra nơi mình có chơn tâm không tịch, có nên y giáo nói tướng tọa thiền chăng.

Ngài đáp có hai ý:

- Nếu người còn bịnh hôn trầm nặng nề, trạo cử lăng xăng, khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng thì nổi sân dữ dội, gặp danh lợi thì lòng tham khởi lên không dừng được, thì phải tọa thiền từ từ điều phục tâm.

- Nếu người phiền não mỏng ít, biết tham sân là xấu liền dẹp được. Hoặc ngồi thiển tâm dễ yên không bị hôn trầm và tán loạn làm khổ, thì y theo tông và giáo thứ ba tu nhất hạnh tam muội, còn gọi là Như Lai Thanh Tịnh thiền.

Quý vị tự xét mình thuộc hạng người nào để chọn pháp tu hợp với căn cơ của mình, giống như bịnh nhân chọn thuốc uống, nếu thuốc đúng thì bịnh mau lành.

- Luận Khởi Tín nói: "Người tu Chỉ, nên ở chỗ vắng vẻ, thân ngồi ngay thẳng, ý chơn chánh không nương hơi thở, hình sắc cho đến chỉ có tâm, không cảnh giới ngoài".

Luận Ðại thừa Khởi Tín dạy: nếu tu Chỉ trước hết phải nhờ cảnh vắng vẻ, thân ngồi ngay thẳng, ý chơn chánh (không vọng niệm), không nương hơi thở và hình sắc. Có nhiều người tu nương nơi hình sắc để trụ tâm như trụ tâm ở rốn, ở chót mũi, ở giữa hai chân mày v.v... hoặc vẽ một vòng tròn ở trước mặt, nhìn vào đó để trụ tâm. Tu như vậy gọi là tu hệ duyên (theo duyên kềm tâm ở một chỗ). Ðây dạy tu Chỉ mà không cho mượn phươnng tiện kềm tâm, chỉ cần ý không vọng niệm và khi vọng niệm lặng xuống chỉ còn một tâm linh tri.

- Kinh Kim Cang Tam Muội nói: "Thiền tức là động, không động thì không thiền, ấy là thiền vô sanh".

Thông thường thiền là phải định, ở đây nói: "Thiền tức là động, không động thì không thiền" có mâu thuẫn không? Vọng tưởng dấy lên chúng ta dùng trí nhìn nó, nó liền lặng xuống, ấy là tu thiền. Vọng tưởng là động, dùng trí quán cũng động. Như vậy tu thiền là dùng động để ngăn động. Ðó là ý nghĩa thông thường. Theo kinh Kim Cang, trong khi thân hoạt động đi, đứng, gánh nước, hái củi v.v... tâm vẫn lặng lẽ ấy là tịnh trong động, gọi là Thiền vô sanh. Tại sao? Vì ngồi thì tâm dễ định, hoạt động thì vọng tưởng dễ khởi nên còn sanh diệt. Thân hoạt động mà tâm lặng lẽ, khi thân ngồi yên tâm càng an tĩnh hơn, tâm không khởi không diệt nên gọi là vô sanh. Thiền trong bốn oai nghi gọi là Như Lai Thanh Tịnh thiền hay Tự Tánh Thanh Tịnh thiền. Hễ còn vọng niệm là còn sanh tử. Vậy ai muốn biết mình còn hay hết luân hồi, chỉ cần nhìn lại xem mình còn vọng niệm hay hết là tự biết, không cần thọ ký hay điểm đạo.

- Kinh Pháp Cú nói: "Nếu học các tam muội (chánh định) mà động thì không phải tọa thiền, tâm trôi theo cảnh giới làm sao gọi là định?"

Ðây nói ngược lại: "Ðộng thì không phải tọa thiền". Kinh Pháp Cú rút từ hệ A Hàm nên nói thiền định là phải tọa thiền, cột tâm tại một chỗ không cho duyên theo cảnh ngoài. Mượn phương tiện để cột tâm như sổ tức quán, bất tịnh quán, nhơn duyên quán v.v...

- Kinh Tịnh Danh nói: "Không khởi diệt định, hiện các oai nghi, không ở trong tam giới hiện thân ý, ấy là an tọa".

Diệt định là diệt thọ tưởng định, định của những vị chứng A La Hán. Các ngài nhập diệt định thì ngồi yên, không biết gì bên ngoài, không còn hơi thở, chỉ còn hơi ấm. Muốn làm gì thì phải xuất định, xuất định rồi mới hiện các oai nghi, đi, đứng... Kinh Tịnh Danh nói: "Không xuất định mà hiện các oai nghi", vì các kinh Ðại thừa nói đến định là chỉ cái định khi thân hoạt động. Hành giả tu định này vẫn đi, đứng, làm việc mà tâm không vọng tưởng. Ðịnh này khó tu hơn định trước, nhưng nếu tu được thì không mất lợi ích cho chúng sanh.

"Không ở trong tam giới hiện thân ý, ấy là an tọa". Khi hành giả chứng được định trong bốn oai nghi thì thể nhập pháp thân trùm khắp tam giới, nên tuy ở trong tam giới mà không kẹt trong tam giới, tùy duyên độ chúng sanh mà hiện có thân, ý để giáo hóa, nên nói tự tại ra vào tam giới ấy là an tọa. Không phải ngồi mới gọi là an tọa. An tọa ở đây có nghĩa là luôn luôn sống với pháp thân thanh tịnh.

- Phật đã ấn khả, căn cứ nơi đó dùng để đáp. Ba cõi như hoa đốm trong hư không, bốn loài chúng sanh như giấc mộng, y nơi thể mà tu hành, tu mà không tu; còn không trụ nơi Phật, nơi tâm thì cái gì luận thượng giới, hạ giới?

Ðức Phật đã ấn khả như vậy, căn cứ nơi đó đáp để giải nghi cho người. Ðối với hàng phàm phu mê muội, chấp mình có thật, cảnh có thật, thời gian có thật nên thấy cuộc sống này thật. Dưới con mắt tuệ của Phật và Bồ Tát, thấy ba cõi như hoa đốm trong hư không, bốn loài chúng sanh như giấc mộng. Từ sáng đến tối, chúng ta ôn lại sinh hoạt trong ngày giống như giấc mộng. Sự việc xảy ra buổi sáng, chiều tìm lại không còn. Ngày nay tìm chuyện xảy ra hôm qua cũng không được. Rồi một ngày, một tháng, một năm trôi qua nhanh như chớp mắt. Mới ngày nào tóc xanh giờ đây đầu đã bạc. Những gì qua rồi không tìm lại được. Cuộc sống của con người và muôn loài biến đổi từng sát na. Nếu chúng ta tỉnh giác và biết rõ cuộc sống tạm bợ giả dối như vậy thì không còn tham lam dành dựt từng miếng ăn, từng tấc đất làm khổ lẫn nhau.

Chúng ta biết thân, cảnh là vô thường biến đổi và cũng biết ngay nơi thân sanh diệt có cái bất sanh bất diệt, y nơi thể tánh đó mà tu hành, tu nhưng không tu. Vì sao? Vì từ lâu chúng ta quên chơn tâm sống với vọng tưởng, bây giờ Phật Tổ chỉ dạy, chúng ta không theo vọng tưởng, sống với chơn tâm nên nói tu không tu. Các ngài không cho trụ nơi Phật, nơi tâm vì Phật là giả danh, tâm cũng giả danh, không kẹt vào giả danh thì lấy gì luận bàn thượng giới, hạ giới.

- Nhưng trong giáo này dùng một chơn tâm tánh đối với các pháp nhiễm tịnh hoàn toàn lọc ra, thu vào.

Hoàn toàn lọc ra: như trước đã nói, điều khắn chặt nơi thể, chỉ thẳng linh tri tức là tâm tánh, ngoài ra đều hư vọng. Cho nên nói: Không phải thức hay phân biệt, không phải cảnh của tâm (vọng tâm)... cho đến không phải tánh, không phải tướng, không phải Phật, không phải chúng sanh, lìa tứ cú tuyệt bách phi.

Ở trước có nói đến hai lối Lọc ra và Thu vào của thiền sư Thạch Ðầu và Mã Tổ. Ðoạn này ngài giải thích thêm: Giáo thứ ba căn cứ trên một đoạn chơn tâm tánh mà lọc ra và thu vào.

Hoàn toàn lọc ra: thấy các pháp đều hư vọng chỉ có một tâm linh tri, sống với tâm linh tri ấy không chạy theo hư vọng.

- Hoàn toàn thu vào: Các pháp nhiễm tịnh đâu không phải là tâm, tâm mê nên vọng khởi hoặc nghiệp, cho đến tứ sanh, lục đạo, cõi nước tạp uế; tâm ngộ nên từ thể khởi dụng, tứ đẳng (tứ vô lượng tâm), lục độ, cho đến tứ biện tài, thập lực, thân đẹp đẽ, nước thanh tịnh chỗ nào chẳng hiện. Ðã là tâm này hiện khởi các pháp, các pháp hoàn toàn là chơn tâm.

Hoàn toàn thu vào: thấy tất cả pháp sai biệt đều từ chơn tâm hiện ra. Quên chơn tâm duyên theo vọng niệm, tạo nghiệp nên đọa vào bốn loài (Noãn, thai, thấp, hóa sanh) và đi trong sáu đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Thiên, nhơn, A Tu La). Xoay lại sống với chơn tâm thì khởi ra diệu dụng như Tứ vô lượng tâm, Lục độ vạn hạnh v.v... Ví dụ hai ly nước, một ly nước đường, một ly nước muối. Tuy vị có khác, một mặn một ngọt nhưng thể của nó vẫn là nước.

Từ chơn tâm khởi ra các pháp sai biệt, nên các pháp cũng không rời chơn tâm mà có.

- Như người nằm mộng thấy cảnh vật, cảnh vật đều do người. Như vàng làm các vật dụng, mỗi vật đều là vàng, Như gương hiện bóng, mỗi bóng đều là gương.

Ví dụ người nằm mộng, tất cả cảnh vật có trong mộng đều do mộng mà có. Như vàng làm ra các thứ vòng, xuyến... khác nhau như đều là một chất vàng.

- Kinh Hoa Nghiêm nói: "Biết tất cả pháp là tự tánh của tâm thì thành tựu huệ thân, không do nơi khác mà ngộ".

Nếu người biết tất cả pháp từ chơn tâm hiện, hằng sống với chơn tâm, không chạy theo hư vọng của sáu trần, ấy là ngộ được pháp thân, không do cái khác mà ngộ.

- Luận Khởi Tín nói: "Tam giới giả dối do tâm tạo ra, lìa tâm không có cảnh giới, sáu trần cho đến tất cả phân biệt tức là phân biệt tự tâm, tâm không thấy tâm, không tướng có thể được, nên tất cả pháp như bóng trong gương".

Luận Khởi Tín nói: ba cõi giả dối, do tâm hiện ra. Sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp cũng do tâm có, cho đến tất cả niệm phân biệt cũng khởi từ tâm, chẳng lẽ đem tâm trừ tâm? Ðem tâm thấy tâm? Tâm không có tướng để thấy, nên tất cả pháp đều như bóng trong gương không thật. Nếu người nào thấy được như vậy là đã có tỉnh, là người trí.

- Kinh Lăng Già nói: "Tịch diệt gọi là nhất tâm, nhất tâm gọi là Như Lai Tạng, hay biến khởi tạo tác tất cả cõi và chúng sanh, tạo thiện ác, thọ khổ lạc cũng nhơn đồng, nên biết tất cả đều là tâm".

Cũng nhơn đồng là từ chơn tâm tạo thiện, tạo ác, rồi thọ khổ thọ vui... Như trên mặt biển có trăm ngàn lượn sóng lớn nhỏ khác nhau, trên hình tướng tuy có sai biệt nhưng đều đồng một thể là nước.

Tóm lại, ngài Khuê Phong dẫn chứng kinh luận để cho thấy chủ yếu của lối tu Thu vào là thấy tất cả pháp sai biệt đều từ chơn tâm hiện ra, để không còn chạy theo cái sai biệt hư vọng, hằng sống với chơn tâm.

- Trong môn hoàn toàn lọc ra nhiếp thuộc "Giáo phá tướng" thứ hai. Môn hoàn toàn thu vào nhiếp thuộc "Giáo nói tướng" thứ nhất ở trước. Ðứng trước nhìn lại đây, đây ắt khác trước, đem đây nhiếp trước, trước ắt toàn đồng với đây; sâu ắt gồm cạn, cạn không đến sâu, sâu là chỉ ra thể chơn tâm, rồi ở trong đó lọc tất cả, thu tất cả. Như thế thu lọc tự tại, tánh tướng không ngại, mới có thể đối tất cả pháp đều không có chỗ trụ, duy đây gọi là liễu nghĩa.

Môn hoàn toàn lọc ra giống Giáo phá tướng ở chỗ nhìn tất cả tướng sai biệt đều là hư vọng. Môn hoàn toàn thu vào giống Giáo nói tướng ở chỗ nói tướng sai biệt của các pháp và từ chỗ sai biệt chỉ ra thể chung của sự sai biệt ấy là chơn tâm. Do đó, nói có cạn có sâu. Sâu là chỉ cho chúng ta nhận ra thể chơn tâm, rồi mới khỏi tu lọc ra hoặc thu vào.

Thiền tông cũng chủ trương hành giả trước phải nhận ra nơi mình có thể bất sanh bất diệt rồi mới khởi tu lọc ra hay thu vào. Vì tất cả pháp đều hư dối từ chơn tâm hiện ra, không cố định nên không dính mắc. Ấy gọi là Liễu nghĩa thượng thừa.

- Ba giáo trên nhiếp hết các kinh một đời Phật nói và các luận chư Bồ Tát tạo ra. Tìm kỹ pháp nghĩa lại thấy có "ba nghĩa" khác nhau mà chỉ "một pháp" không sai biệt. Ðến trong ba nghĩa thì giáo thứ nhất, thứ hai là "Không", "Hữu" tương đối; giáo thứ ba và thứ nhất là "Tánh", "Tướng" tương đối, đều rõ ràng dễ thấy. Duy giáo thứ hai và thứ ba là "Phá tướng" cùng "Hiển tánh" tương đối thì giảng sư và thiền sư cùng lầm, đều gọi một tông, một giáo, một đồng cho là "Phá tướng" tức là "Chơn tánh".

Ba giáo nói trên, ngài Khuê Phong tóm gọn ý nghĩa các kinh Phật nói và các luận chư Bồ tát làm ra. Công phu nghiên cứu giáo điển của ngài rất sâu rộng. Nhờ đó người sau nếu không đọc hết được Tam Tạng thì cũng nắm được cương yếu giáo lý trong Tam Tạng. Theo ngài phân tích thì có ba nghĩa khác nhau, chỉ có một pháp không khác. Sau đây ngài nêu lên ba cặp tương đối:

1.- Giáo I Không, giáo II Hữu tương đối.

2.- Giáo III Tánh, giáo I Tướng tương đối.

3.- Giáo II Phá tướng, Giáo III Hiển tánh tương đối.

Hai cặp đối đãi một và hai dễ thấy vì Không, Hửu, Tánh, Tướng rõ ràng. Chỉ có cặp thứ ba Phá Tướng và Hiển Tánh thì giảng sư và thiền sư đều lầm cho rằng nó cùng một tông, một giáo vì phá tướng tức là chơn tánh.

]

     
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM