CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
Đây là bài phú do Sơ Tổ Trúc Lâm tức vua
Trần Nhân Tông sáng tác bằng chữ Nôm. Khi Ngài còn là một cư sĩ, ở ngai
vua mà đã liễu ngộ lẽ thật của đạo, mới cảm khái nên bài phú này. Trước
khi đi vào bài phú, chúng ta cũng nên sơ lược đôi nét về Sơ Tổ Trúc Lâm.
Vua Trần Nhân
Tông (1258 - 1308), 21 tuổi lên ngôi Hoàng đế (1279). Lúc làm vua, ông vẫn
đến chùa Tư Phước trong đại nội học đạo. Năm 1293 Ngài nhường ngôi cho con
là Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Trong một ngày, phân nửa thời gian
Ngài dạy con trông coi việc nước, phân nửa thời gian còn lại nghiên cứu
nội điển.
Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), Ngài xuất gia,
lên núi Yên Tử tu hạnh đầu đà, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngộ đạo nơi
Tuệ Trung Thượng Sĩ, lấy câu “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha
đắc” của Tuệ Trung dạy làm phương châm tu hành của Thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử. Năm Hưng Long thứ 15, Ngài truyền y bát cho Pháp Loa. Năm này Pháp Loa
được 24 tuổi (1307).
Năm Hưng Long
thứ 16, ngày 01-11 Mậu Thân (1308), Ngài an nhiên thị tịch, thọ 51 tuổi.
Pháp Loa theo di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng, thu được xá lợi năm màu để
vào bình tôn thờ nơi Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên núi Yên Tử, để
hiệu là Huệ Quang Kim Tháp, dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm
Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.
Hòa thượng dạy chư tăng trong Thiền viện
phải học thuộc bài phú này. Học thuộc không chưa đủ mà còn phải hiểu và
hành cho tới nơi tới chốn nữa. Do đó hôm nay chúng ta cùng học lại từng
hội và tìm hiểu ý nghĩa cho thật cặn kẽ những gì Sơ Tổ Trúc Lâm đã chỉ dạy
trong ấy, để cùng nhau nỗ lực công phu, hầu đạt được kết quả tốt đẹp trong
việc tu tập của mình.
Vì đây là văn chữ Nôm xưa, nên sau mỗi
hội, nếu thấy cần thiết chúng tôi sẽ có phần chú để giải thích những chữ
Nôm xưa ra Việt ngữ ngày nay cho quý vị tiện việc tham khảo. |