HỘI THỨ BẢY
Vậy mới hay;
Phép Bụt trọng thay;
Rèn mới cốc hay.
Vô minh hết bồ-đề thêm sáng;
Phiền não rồi đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thốt dễ
cho thấy dấu;
Học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút
biết nơi.
Cùng căn bản, rủa trần duyên, mựa để
mấy hào ly đương mặt;
Ngã thắng chàng, viên tri kiến, chớ cho
còn họa trữ cong tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng
tà ngày trước;
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tánh
thức thuở nay.
Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học
đạo;
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn
chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho
thân cận;
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu
đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương
hoa cúng xem còn nên thảo;
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc
thờ cũng chửa hết ngay.
Chú thích:
- Xem phỏng: Xem thấu.
- Sá thiền: Con đường thiền.
- Dấu: Thích thú.
- Không khôn: Không khó.
- Rủa: Rửa sạch.
- Mựa: Chớ.
- Chàng: Cây cờ.
- Cong: Trong.
- Mến đức Cồ: Mến đức Cồ-đàm.
- Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc
thờ cũng chửa hết ngay: Miệng nói tin mà tâm không thực hành nên cứ phạm
lỗi, như thế dù có đem vàng ngọc thờ phụng cũng không thể hết lỗi.
GIẢNG:
Trong hội này có năm điểm cần phải hiểu
rõ.
Điểm thứ nhất nói Phật pháp có công năng
rất to lớn, đó là quét sạch vô minh; một khi vô minh hết thì Bồ-đề sáng,
phiền não sạch thì đạo đức sâu. Khi trí tuệ thắp sáng quét sạch hết vô
minh thì phiền não tăm tối không còn chỗ đứng nữa. Muốn được vạây chúng ta
phải tu. Dù Phật pháp có công năng như thế nhưng nếu không tu thì chúng ta
cũng không sử dụng được công năng ấy. Công năng ấy là gì? Đó là Định Tuệ.
Tu thiền định thì trí tuệ đầy đủ. Thiền định vững thì con người bất động,
trí tuệ tròn đầy, không gì có thể làm mờ mịt, lay chuyển chúng ta được.
Người tu theo đạo Phật dù là tu pháp nào
cũng phải đầy đủ thiền định và trí tuệ. Ví dụ người tu niệm Phạât mà không
định tâm, không dừng được những lăng xăng loạn tưởng thì niệm Phật không
đắc lực. Niệm Phật không đắc lực thì không phát huy được trí tuệ, làm sao
có thể khế hợp được với giác tâm của Phật? Không khế hợp mà nói đến lúc
lâm chung được Phật, Bồ-tát đến đón mình về thế giới an vui, điều này
không có gì chứng thực được hết.
Nếu trong mọi
sinh hoạt chúng ta định tĩnh thì bất động đối với tất cả, từ đó trí tuệ
bản hữu được phát huy mạnh mẽ, tròn đủ, sáng suốt. Người đầy đủ định tuệ
là người giác ngộ, không bị các pháp kéo lôi, không vướng mắc cái gì hết,
tự tại giải thoát. Thành ra nói giải thoát là nói đến định tuệ, nói giác
ngộ hay thành Phật cũng là nói định tuệ đầy đủ, không thể thiếu hai môn
này. Được một môn cũng chưa hoàn bị mà phải hai thứ tròn đầy, mới thực sự
giác ngộ, giải thoát, thành Phật.
Phật pháp có
thể trị được những căn bệnh phiền não thâm căn cố đế của chúng ta, nhưng
nếu chỉ học hiểu Phật pháp mà không áp dụng tu tập vào trong đời sống để
đối trị những phiền não thì Phật pháp cũng không có tác dụng gì đối với
chúng ta, không thể hóa giải, buông bỏ được phiền não. Nhờ Phật pháp,
chúng ta tu tập đúng đắn nên trí tuệ khai mở mới giải thoát, an vui, chấm
dứt mọi khổ đau. Như thế quan trọng là ở sự tu. Sau khi học hiểu chúng ta
phải hành. Ngược lại, chỉ hiểu rồi nói cho thiên hạ nghe hoặc viết sách
thành pho thành quyển mà mình không tu gì hết là tự dối mình dối người.
Hiểu và hành phải tương xứng nhau chúng ta mới hưởng được giá trị thiết
thực của Phật pháp.
Cho nên những
vị tu hành đắc lực có thần dụng phi thường. Như tại chùa Đậu ở nước ta có
hai vị Tổ để lại nhục thân là thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường,
tính tới bây giờ là trên 300 năm. Chỉ có thiền sư Vũ Khắc Minh vào năm
nước lụt, nhục thân Ngài bị ngập tới cổ nên hư hao chút ít thôi. Đó là cái
gì? Là thần lực phi thường từ một cái tâm tự tại giải thoát. Thường thường
khi người chết vừa nín thở thì thân nhân nhanh chóng chuẩn bị quan tài để
gói kỹ cái xác ấy vì sợ nó thối rữa ra, nhiễm trùng và hôi hám không ai
chịu nổi. Quàn lại dăm ba ngày cho người thân thăm viếng rồi đem chôn hoặc
đem đốt. Ai cũng vậy hết chứ không có thân nào đặc biệt hơn. Thế nhưng
Thiền sư tu hành đã đắc đạo thì lại khác. Điều này đủ minh chứng cho chúng
ta thấy đạo lực phi thường của các ngài.
Con đường
chúng ta đi là con đường như thế. Vì vậy người tu hành trước nhất đối với
cảnh duyên không bị vướng mắc, mọi thứ chung quanh như địa vị, tài sản…
đều là những thứ phải bỏ hết, trong lòng cũng sạch sẽ mới tiến đến chỗ
sáng tâm, hết phiền não, được giác ngộ giải thoát. Hễ còn mê thì không có
giác, còn ham tiền tài vật chất, địa vị, sắc đẹp thì không thể nào tự tại
giải thoát được. Cho nên người tu là phải buông bỏ. Tất cả những cù cặn
tham sân phiền não, tật đố, danh vọng đều bỏ hết. Bỏ một cách tự tại, dứt
khoát, không ngoái đầu nhìn lại.
Bây giờ quý vị
vào cổng Thiền viện Thường Chiếu rồi, tuy chưa triệt để như người xưa
nhưng ta cố gắng học theo gương hạnh của các ngài, bỏ bớt những lo lắng
của gia đình xuống, đừng nghĩ nhớ tới nữa. Bởi có nghĩ nhớ tới, quý vị
cũng không thể làm gì được, chỉ càng thêm vô ích, mất hết thì giờ mà không
giải quyết được việc cho mình cũng như cho người thân. Vô thiền viện rồi
thì dù ở ngoài các vị có bạc muôn bạc vạn gì, tới cửa này đều để lại hết.
Vì đem vô đây không có chỗ chứa, để tầm bậy mất hết, thêm buồn khổ thôi.
Đừng đem chi hết là tốt.
Phật dạy người
xuất gia “cát ái từ sở thân”, nghĩa là cắt bỏ những sợi dây tình cảm luyến
ái của gia đình từ thuở nào, từ bỏ tất cả những sự thân thương đó làm kẻ
không nhà, không tài sản, chuyên tâm tu hành. Quý huynh đệ vào thiền viện
phải tập như vậy. Cho nên người tu luôn sống một mình. Ai nấy đều tu được
và tu đúng cũng đều thành Phật. Tuy nhiên mỗi người đều có phước duyên
riêng, nếu chúng ta cố gắng tháo gỡ, gột bỏ tập nghiệp của mình cho gọn
gàng lại thì sẽ dễ tu, dễ an lạc giải thoát.
Ví dụ người tu
trong thiền viện tuyệt đối không hút thuốc, các vị còn đứng ngoài cửa thì
còn hút thuốc nhưng đã bước vào thiền viện, cạo bỏ râu tóc rồi thì nhất
định phải bỏ hút thuốc. Bỏ không được cũng phải bỏ, bằng mọi cách phải bỏ
thôi, có thế mới hợp với đời sống của người tu được. Tất cả những thứ khác
cũng vậy. Bởi vì chúng ta tập trung vào một hướng, một lý tưởng tu hành
thì phải buông bỏ các thứ tạp nhạp ở thế gian. Huynh đệ đừng nghĩ tu thành
Phật mình sẽ có hào quang hoặc biết bay biết ẩn gì gì, trước mắt trong
cuộc sống này, chúng ta tự tại giải thoát không bị nghiệp kéo lôi là Phật
hiện tiền.
Bây giờ các vị
không giữ tiền riêng, sống trong tập thể theo sự phân công của quý thầy,
tới giờ ăn thì ăn, tới giờ ngủ thì ngủ, tới giờ làm công tác thì làm công
tác, tới giờ tu thì tu, khỏi băn khoăn lo lắng giữ gìn tiền tài sự sản chi
hết. Huynh đệ chưa dẹp được túi tiền của mình, đi đâu cũng phải xách theo,
nằm đâu cũng phải kè kè đó, để vô tủ phải coi chìa khóa có chắc không. Bất
an. Rõ ràng như thế. Bây giờ dẹp được, tháo gỡ được một món là giải thoát
được một món. Cho nên nói giới của Phật là Biệt giải thoát tức giữ được
một giới là giải thoát được một phần. Đặc biệt như thế!
Có vài vị tịnh
nhân hồi trước không quen ăn sáng. Bây giờ vào Thiền viện công quả tập tu,
tới giờ ăn sáng quý vị thưa: - Con không thể ăn sáng được Thầy ơi! Bởi hồi
ở nhà sớm mai uống cà phê đi làm, khoảng chừng nửa buổi mới ăn. Nhưng ở
thiền viện đâu có chuyện đó, sáng phải đi ăn. Tập thể mà, đánh bảng phải
đi ăn, không ăn thì hành đường dẹp hết, lát đâu xuống lục được. Không chứa
tiền riêng cũng không vô bếp lục được, chắn chắn tới giữa buổi sẽ đói
bụng. Cho nên sáng phải đi ăn sáng. Tập riết thành quen. Đầu tiên ăn ít
thôi, người ta gọi ăn sáng là điểm tâm tức lót dạ, ăn để đừng có cồn cào
bụng lúc đi làm. Khi quen rồi ăn cũng được lắm. Cái gì cũng vậy, tập thì
quen.
Điều đáng tán
dương là có một số huynh đệ đã thức dậy trước ba giờ khuya một cách dũng
mãnh. Hồi trước ở nhà, nhiều vị không thức dậy nổi, vì giờ đó ngủ ngon
lắm, phải không? Nhưng khi vào thiền viện quý vị đã dậy nổi. Tôi thấy bước
chân của quý vị vững vàng lắm, chưa có ai đi băng xiên băng nai như người
say rượu. Vô chánh điện, cách đứng lạy Phật của quý vị trang nghiêm, dứt
khoát, mạnh mẽ, hùng dũng. Đó là điều đáng mừng! Tập buông bỏ những thứ
thô động trước, sau khi tâm đã yên rồi thì quý vị ngồi thiền bao nhiêu
cũng được. Đến lúc nào cũng thiền được, thì khỏi nói “Tới giờ lên điện
Phật ngồi thiền” nữa, ở đâu chúng ta cũng có thể tu được hết. Tuy nhiên,
giai đoạn này phải lên chánh điện ngồi thiền đều đặn mới được.
Một ông vua,
một ông hoàng mà còn bỏ được thói quen thụ hưởng những dục lạc thế gian,
tu hành thành Phật thành Tổ. Chúng ta là dân đen có gì đâu mà bỏ không
được. Cho nên anh em ráng lên, phấn đấu lên là được. Nên nhớ tu là sửa, là
bỏ đi những gì không cần thiết, phát huy cái trí tuệ tỉnh táo sáng suốt
của mình, phá tan bóng tối vô minh. Sáng đến thì tối đi, tối đến thì sáng
đi. Chúng ta cũng áp dụng chiêu thức đó, để ánh sáng trí tuệ hiện hữu tức
là đẩy lui bóng tối. Người nói với ta một lời thân thương ta cũng sáng,
người chửi ta những lời nặng nề ta cũng sáng. Tóm lại, đối với cuộc sống
hằng ngày, dù đầy đủ phương tiện hay thiếu thốn mọi thứ ta vẫn luôn luôn
sáng. Được thế, nhất định ngày giác ngộ giải thoát đến với mình không xa.
Điểm thứ hai
là, xem thấu suốt được cốt tủy của kinh, mới thấy lời Phật dạy rất thích
thú; học theo cơ Tổ, con đường thiền mới sáng rực. Ở đây nói chúng ta học
kinh, học lời Phật dạy phải học cho tận tường. Rồi tham thiền, áp dụng
thiền cũng phải thấu đáo, tới nơi tới chốn. Kinh Phật thì nhiều lắm! Bốn
mươi chín năm Thế Tôn thuyết pháp từ thôn quê cho tới thành thị, nơi nào
đủ duyên là Phật thuyết pháp. Những lời giảng dạy đó được ghi lại cho đời
sau, cho chúng ta nương theo tu hành. Phật nói pháp là tùy căn cơ chúng
sanh, tùy bệnh cho thuốc. Vì thế chúng ta học hết các pháp để tự lựa chọn
xem pháp nào thích hợp với mình, ứng dụng tu tập cho có kết quả tốt. Bất
cứ kinh điển nào, miễn hợp với căn cơ của mình thì tu cũng được giác ngộ
hết, chứ không phải đợi tới kinh điển lớn mới giác ngộ. Nhiều người đọc
những bài kinh ngắn thôi cũng giác ngộ. Làm sao ba nghiệp thanh tịnh là
giác ngộ giải thoát.
Ba nghiệp là
gì? Tham, sân, si. Đừng để tham hoành hành, đừng để sân nóng hổi, đừng để
si mê u tối che mất tánh sáng suốt hiện tiền thì giác ngộ, thành Phật.
Huynh đệ mới vào chùa học các bản kinh ngắn trước, như kinh Bát Đại Nhân
Giác, kinh Thập Thiện, kinh Tứ Thập Nhị Chương… từ từ tiến lên các kinh
lớn hơn. Nhưng xin nhớ cho một điều, lời nào của Phật nếu ta áp dụng đúng
cũng được giác ngộ giải thoát.
Tổ nhắc người
nghiên cứu kinh điển thì phải nghiên cứu tới nơi tới chốn, rồi tu. Người
tham thiền học đạo cũng phải tích cực, không thể nói pháp môn thiền là tối
thượng, trực chỉ, là pháp môn thẳng tắt rồi ngồi đó nói, không thực hành
công phu, rốt cuộc không đi tới đâu hết. Chúng ta đủ duyên được học kinh
Phật thì phải học cho thấu đáo, tham cứu tới nơi tới chốn. Đủ duyên học
thiền thì nỗ lực, tích cực áp dụng cho được cốt tủy thiền vào mạch sống
thực. Đó là lời răn nhắc của Tổ.
Điểm thứ ba
là, lửa giác ngộ một phen thắp lên thì đốt tiêu hết rừng tà kiến thuở
trước; kiếm trí tuệ một phen vung lên thì chém tan không còn chút tình
thức hôm nay. Cái làm cho chúng ta điêu đứng là tình và thức. Tình là cái
đắm luyến, thức là cái phân biẹât lăng xăng. Nếu chúng ta không định tỉnh
thì luôn bị tình thức quấy rầy. Ngồi lại ta mới nghiệm thấy nó lăng xăng
không khi nào yên. Chuyện trước chuyện sau, chuyện mình chuyện người,
chuyện quá khứ vị lai, chuyện nhà chuyện nước, chuyện của ai đâu không
dính dáng gì tới mình mà cũng cứ lăng xăng. Ngộ thật! Rõ ràng chúng ta
không làm chủ được, cứ lệ thuộc vào cái bên ngoài. Đó là trở ngại lớn lao
đối với người tu thiền. Để đối trị với thứ chướng duyên này, Hòa thượng
Viện trưởng dạy chúng ta phải biết cái lăng xăng đó không thật. Đó là gốc
để trị vọng tưởng.
Chúng ta trị
bệnh mà không biết gốc nó ở đâu thì khó mà trị được. Giống như bắt ăn
trộm, muốn bắt được mình phải biết nó ở đâu, sào huyệt nào, nó giỏi cái
gì, bao nhiêu đứa… mới có thể vào thẳng sào huyệt bắt nó chứ. Bắt trộm mà
mình không biết nó ở đâu, bao nhiêu đứa, kiếm cung nó làm sao, thì vào đó
nạp mạng cho nó chứ bắt bớ gì? Việc tu cũng vậy, mình trị phiền não, trị
cái lăng xăng điên đảo thì trước hết phải biết nó là gì? Phật dạy nó không
thật, đó là bóng dáng của tiền trần, là vọng tưởng điên đảo. Những mấu
chốt này chúng ta phải nắm vững. Chứ đi bắt giặc mà không biết mặt giặc,
tới nơi thấy thích dám mình ở đó luôn lắm à nghen!
Bây giờ trước
nhất chúng ta trị những bất an bất ổn trong lòng, như những tơ tưởng vướng
mắc. Nhiều thứ lắm, những cảm nhận, tưởng tượng, suy gẫm, phân tích, biện
biệt… Ta ngồi đây, nhìn thấy cây bút thì cảm nhận nó tốt hay xấu, hiệu gì,
hãng nào chế tạo… Vọng tưởng nhiều vô kể, nó kéo dài và cuốn sạch thời
gian của việc tu hành. Cho nên người tu hành mà không biết dấy niệm của
mình là vọng tưởng thì sẽ nuôi vọng tưởng từ đời này sang đời khác, không
dừng được. Chỉ khi chúng ta biết nó là vọng tưởng thì mới buông bỏ. Người
tu thiền phải nhớ làm chủ được các dấy niệm, đừng theo vọng tưởng.
Những dấy niệm
là gì? Ví dụ như tôi đang ngồi tại giảng đường này, nhưng để tâm nhớ nghĩ
nhà khách ngoài kia. Nếu tôi không dừng được thì tuy vẫn nói chuyện với
quý vị nhưng tâm vọng tưởng nó sẽ lén lút chạy qua nhà khách soát xét bên
đó. Thành ra tôi bị phân hai phân ba nên phiền não. Hoặc chúng ta đang
ngồi đây mà nghe cái “đùng” bên lò tương, thì đội quân trong tâm lén lút
chạy qua chỗ tiếng nổ, coi chuyện gì? Chụm lửa bị nổ hay bánh xe nổ? Dấy
niệm vọng tưởng là như vậy. Cho nên người tu thiền phải cắt đứt vọng
tưởng. “Cắt đứt” là một cách nói, đúng ra là không chạy theo nó thì ta
bình yên.
Các thiền sư
thường đem hình ảnh con chó và sư tử so sánh với mình. Con chó nghe động
thì nó sủa hoảng lên, còn sư tử thì khác. Sư tử nghe động, nhắm ngay chỗ
phát ra tiếng động nó chụp. Cho nên một mẩu thịt thẩy lên, con chó nó chụp
miếng thịt, còn sư tử chụp người thẩy thịt. Chúng ta chạy theo vọng tưởng
giống như con chó chụp miếng thịt. Mình bị vọng tưởng kéo, chạy theo vọng
tưởng nên vướng mắc vọng tưởng. Ngay đó nếu biết tiếng động không thật, bỏ
đi, khỏi chạy đâu hết tức yên.
Chúng ta sống
đây, các giác quan luôn luôn va chạm với trần cảnh, bây giờ làm sao biết
các cảnh duyên đó không thật, để nó đừng dính các cảnh duyên. Đó là một
cách thắng lại, cách giữ được sự bình yên. Người tu thiền phải trị được
vọng tưởng bằng cách biết những dấy niệm là không thật, đừng chạy theo nó.
Tới tột cùng chỗ căn bản là phải sạch hết những phiền não trần duyên,
không còn để một chút gì hết.
Điểm thứ tư
là, muốn thắng cây cờ ngã mạn, được tròn đầy tri kiến thì chẳng nên để một
chút họa trong tay; tất cả những bệnh duyên, những tăm tối ù lỳ trong ta
đều dẹp sạch hết. Lửa giác ngộ thắp lên thì đốt tiêu hết rừng tà kiến thuở
trước. Kiếm trí tuệ một phen vung lên thì chém tan không còn chút tình
thức hôm nay. Cái tình thức nó làm cho mình điên đảo, lăng xăng, không
bình yên. Bây giờ biết tu rồi thì buông bỏ nó. Buông bỏ một cách nhẹ
nhàng, buông bỏ mà không có thương tiếc gì hết.
Hồi xưa khi
chúng tôi mới vào trong thiền viện, Hòa thượng dạy tất cả thân nhân tới
thiền viện thăm, chúng tôi chỉ được tiếp có mười lăm phút thôi. Thầy Tri
khách mời mình xuống phòng khách gặp người thân, thầy đặt cái đồng hồ
trước mặt mình để biết giờ giấc. Sau mười lăm phút đó thì đứng dậy. Hòa
thượng nhắc: “Một khi đứng dậy rồi thì con đi lên và đi thẳng. Không ngó
lại, không đứng nhìn người thân của mình xuống núi. Không nói câu gì có vẻ
quyến luyến không nỡ cắt đứt với người thân của mình!” Một khi đứng dậy là
đi thẳng, không ngó lại. Cho nên chúng tôi “phải đành lòng mà cắt đứt”.
Đây không phải
là bài kinh, không phải là cái gì trọng đại lớn lao, nhưng thực sự đó là
một pháp giúp cho chúng ta yên tâm tu hành. Chứ mình còn trông ngóng, còn
đợi chờ, còn vướng mắc thì trong lòng tơi bời ngổn ngang trăm mối, làm sao
thiền định được. Vì vậy đối với chúng tôi đây là bài kinh khỏi cần học ở
đâu, nhưng áp dụng đượïc thì quả thực yên ổn. Đó là nói về tình thức làm
trở ngại việc tu hành của chúng ta, vì thế huynh đệ phải ý thức rõ mà dứt
khoát với mình, để đường tu không bị lui sụt, không bị mất thời gian vô
ích.
Điểm thứ năm:
Vì đền nghĩa sanh thành, cảm đức từ bi của Phật mà giữ giới ăn chay. Thờ
thầy học đạo thân chẳng màng bao đắng cay. Việc tu hành cốt trọn một bề
đạo đức chớ chẳng phải nói suông ngoài miệng mà trong tâm thường sanh lỗi.
Ở đây nói việc
ăn chay giữ giới là vì hiếu đạo, ân nghĩa sanh thành của cha mẹ và cảm
trọng từ bi giáo hóa của Phật Tổ. Việc tu hành cốt trọn một bề đạo đức,
chẳng phải nói suông ngoài miệng mà trong tâm thường có lỗi. Chúng ta hiểu
rồi phải áp dụng tu, nói mà không áp dụng là nói suông. Nói suông thường
có lỗi nhiều lắm, nên người tu và nhất là tu thiền rất kỵ bệnh nói suông.
Nói nhiều thì lỗi nhiều. Huynh đệ nên nhớ như vậy đó.
Người tu thiền
có mấy điểm cần lưu ý: thứ nhất là Ngộ đạo, thứ hai là Kiến tánh, thứ ba
là Hằng nhớ tánh giác, thứ tư là Trị được những tập khí của mình. Ngộ đạo
đây là nói những cơ duyên gặp đạo. Chữ Ngộ đây tức là gặp gỡ, gặp được
Phật pháp. Kế nữa là gì? Phải làm sao có sự gắn bó từ cơ duyên gặp được
Phật pháp, chứ không phải nói suông. Kế nữa là phải hằng sống với tánh
giác, tức là sống được với bản lai diện mục của mình. Và cuối cùng trị
được những tập khí, những thói quen khiến chúng ta trôi lăn trong sanh tử
trong nhiều đời.
Người tu hành
phải đến nơi mới nhận ra được giá trị tuyệt vời của đạo. An lạc giải thoát
trong ta, thành tựu tâm nguyện tu hành của ta. Chính ta được an lạc thực
sự, trần lao phiền não không làm gì được ta. Người hiểu đạo không chuộng
nói suông mà phải có sự thực hành đến nơi đến chốn. Có thế mới hưởng được
giá trị thiết thực của đạo. Bởi vì an lạc giải thoát trong ta, thành tựu
tâm nguyện tu hành của ta là phận sự của mỗi người. Chính ta là chủ nhân
ông thực hiện những điều đó, không thể ỷ lại hay trông chờ vào đấng nào
khác có thể ban bố cho mình sự an vui. Chúng ta phải xông pha bước vào chỗ
thực dụng ấy mới thực sự bình yên.
Lời nói của Tổ
xuất phát từ sự dấn thân. Ngài từ bỏ ngai vàng, vào rừng núi tu hành khổ
hạnh và thành tựu đạo quả. Điều này là một sự thực, chớ không phải nói
suông. Cho nên những gì Ngài dạy lại chúng ta đều mang tính hiện thực, đều
từ kinh nghiệm trải thân trong công phu mà ra. Chúng ta ngày hôm nay, với
nền văn minh tiến bộ đạt tới mức “tốc độ”, những tiện nghi vật chất không
thiếu thứ gì trên đời, cho nên rất khó tu. Chúng ta phải sử dụng như thế
nào để đừng bị chúng ràng buộc, sử dụng để nó có thể hỗ trợ cho ta thành
tựu công phu dễ dàng. Từ việc ăn mặc, ngủ nghỉ, tất cả các thứ tiện nghi
không quá nhiều cũng không quá thiếu, giữ hài hòa, vừa đủ, đừng mất sự
thăng bằng là dễ tu nhất.
Người thế gian
bữa nào vui quá, bạn bè nhiều, thức ăn nhiều, họ ăn uống nói chuyện cho
tới mười một mười hai giờ khuya. Tới lúc nghe nhọc nhằn quá mới giải tán,
chừng đó hai con mắt thao láo, nằm xuống ngủ không được. Sáng ra cái tim
nó đập sầm sập rồi nói đau tim. Tại vì mất thăng bằng chứ không có gì hết.
Điều hòa trở lại thì hết. Cho nên chương trình của người tu không bao giờ
như thế. Chiều sáu giờ hô trống, gióng chuông cảnh tỉnh lên, sau đó tụng
kinh Bát-nhã. Sau thời kinh Bát-nhã là chuẩn bị tọa thiền. Tới chín giờ xả
thiền, huynh đệ nào có học thì học khoảng nửa giờ, trễ lắm là mười giờ
phải nghỉ. Tới trước ba giờ thức dậy tỉnh táo, sau đó lạy Phật, ngồi thiền
cho tới năm giờ sáng xả thiền. Quý vị xuống làm việc vệ sinh, ăn tiểu
thực, rồi bắt đầu công tác theo sự phân công của quý thầy. Nguyên tắc là
như vậy. Tất cả thiền sinh đều giữ nếp sinh hoạt đều đặn như thế, sức khỏe
được ổn định thì thân ít sanh bệnh hoạn, tâm không phiền não.
Các huynh đệ
nhớ, nếp sống thiền môn hài hòa đều đặn như thế là pháp để giữ thân và tâm
thường được an lạc. Chúng ta hạ thủ công phu mà mất thăng bằng cũng dễ dẫn
đến gẫy đổ công phu. Phật dạy sống bình thường là đạo. Chữ bình thường ở
đây nghĩa là không bất thường. Người tu mà bất thường làm sao giáo hóa ai
được? Cho nên tu hành phải có nề nếp. Đó là môn quy của Thiền viện. Mong
rằng với tinh thần tu hành như thế, các huynh đệ lớn ở thiền viện lâu năm,
nắm vững cương phong đường lối tu hành rồi, sau này đi đâu cũng giữ được
nếp sống trang nghiêm ấy, mới xứng đáng là thiền tăng, tự lợi lợi tha,
không cô phụ chính mình mà cũng không cô phụ công ơn sư trưởng. |