TIN MÌNH ĐỂ TU
Người tu nếu
không có niềm tin thì việc tu khó đi đến nơi đến chốn. Niềm tin này phải
là chánh tín, tin ở chính mình, chứ không phải tin một cách mù quáng hay
vì bị bắt buộc phải tin.
Đức Phật đã
từng nói: “Như Lai không bắt ai phải tin mình cả. Hãy nghe những gì Như
Lai nói, suy gẫm, thực hành thấy có lợi ích thiết thực rồi hãy tin và đến
với Như Lai”. Rõ ràng đức Phật không bắt buộc ai tin Ngài và đến với Ngài
cả. Nhiều người tin một cách nông cạn, cứ tin càn tin bướng mà không cần
suy xét điều mình tin có đúng hay không?
Đạo Phật dạy
lý nhân duyên quả báo. Tất cả những gì chúng ta có ngày hôm nay đều từ
nhân duyên hoặc đời trước hoặc trong đời này. Không có quả nào mà không từ
nhân ra. Cũng vậy, việc tu học của chúng ta cũng không thể do một ai ban
cho. Mình tạo nhân lành thì được phúc quả tốt đẹp, muốn chấm dứt mầm khổ
đau thì đừng tạo nhân đau khổ. Tu sửa những việc xấu, siêng làm những việc
lành, phúc quả tốt đẹp có được từ công phu tu tập, sẽ đem đến cho chúng ta
niềm tin, sự hiểu biết và lòng nhiệt thành.
Khi có được
niềm tin từ chính công phu của mình rồi, chúng ta mới nỗ lực tiến tu. Càng
tu càng chiêm nghiệm giáo pháp thì niềm tin lại càng vững chắc. Vì vậy nếu
việc tu học lãng xao, không có kết quả thiết thực thì cũng sẽ không có
niềm tin. Trong kinh nói: “Lòng tin là mẹ của các công đức”. Niềm tin chắc
thật một khi đã đủ thì không gì có thể làm cho nó khuất lấp hay bị mất
được. Cho nên người con Phật chúng ta phải xây dựng, bồi dưỡng thật vững
chắc niềm tin đối với đạo. Tin bằng trí tuệ, ta đến với đạo bằng trí tuệ
bằng sự hiểu biết. Chưa hiểu mà đến, niềm tin ấy gọi là mê tín.
Một niềm tin
không được xây dựng bằng trí tuệ, thông qua cái ngã mà có sự cảm thông,
tin kính thì niềm tin ấy dễ bị lung lay lắm. Người thế gian đối với gia
đình, bạn bè, mọi người chung quanh, một khi đã bị mất niềm tin rồi thì
cuộc sống cũng mất phương hướng. Họ rơi vào tình trạng bất đắc chí, sống
không có lý tưởng, mất điểm tựa. Trong đạo Phật không chấp nhận con người
sống trong tình trạng như thế. Vì vậy chúng ta phải xây dựng niềm tin của
mình thật vững. Niềm tin đó là tin vào chánh pháp, tin ở khả năng có thể
thành Phật của chính mình.
Phật dạy tất
cả các pháp đều vô thường. Qua học hỏi hiểu biết, qua kinh nghiệm cuộc
sống, chúng ta thấy rõ điều đó nên tin chắc như vậy. Quan trọng là do kinh
nghiệm bản thân, chúng ta thấy quả thực lời Phật nói đúng nên ta tin, vì
chính mình cũng thấy cũng nhận như vậy. Đó gọi là niềm tin chắc thật. Khi
đã có sự khẳng định như vậy rồi thì dù trời lay đất chuyển, ta vẫn cứ tin.
Người tu nếu không có niềm tin đối với chánh pháp, rất dễ dàng bỏ đạo. Vào
chùa nghe quí thầy nói đạo lý thì tin, nhưng lát nữa ra ngoài nghe ai nói
cái gì lạ lạ, liền bỏ cái trước chạy theo cái sau. Người đi tới hai ba
bước, thụt lùi hai ba bước thì chừng nào mà đến nơi. Đường đạo dài lắm chứ
không phải ngắn đâu. Vì vậy Hòa thượng thường nhắc nhở chúng ta, phải phát
tâm trường viễn kiên cố mới đi đến nơi đến chốn được.
Lòng tin giống
như vọng gác ở một gốc thành. Thường thường thành vua hay những cơ quan
quan trọng, người ta xây khung thành rào lại, rồi đặt những vọng gác ở gốc
thành. Vọng gác phải được giữ gìn cẩn mật, kiên cố mới canh chừng kẻ gian
xâm phạm vào bên trong được. Nếu vọng gác không đảm bảo, thì những phần tử
xấu bên ngoài xâm nhập vào trong phá rối tất cả. Cũng thế, người không
vững niềm tin, gặp việc gì cũng chao đảo, không giữ được lập trường nên
mất phương hướng và kết quả là dẫn đến sự thất bại.
Trở về việc tu
học của chúng ta, nếu muốn làm những việc công đức thì phải tuân theo sự
chỉ dạy của Phật, của thầy tổ. Ví dụ như Phật tử tại gia thì quy y Tam
Bảo, thọ trì năm giới. Nhờ theo đúng như vậy ta có được kết quả lợi lạc
nên cuộc sống an ổn vui vẻ. Từ đó mà công đức và niềm tin phát sanh. Ta đã
quyết tâm thực hành như vậy, cứ từng bước bước mà đi. Dù cho chung quanh
có chướng ngại, ta vẫn cứ đi, đảm bảo sẽ tới nơi.
Nói đến đạo
Phật là nói đến tu tâm, tức là mình tu trong lòng mình, không ai ngăn cản
được. Tại mình vọng động, tu không được nên than phiền người này trách cứ
người kia, thành ra việc tu tập bị ngăn ngại, chứ có ai nhảy vào lòng mình
cản đâu. Nhiều người tu mấy chục năm mà không biết gì hết. Nghe nói tu tâm
thì “Ờ, tu tâm”, nghe nói dưỡng tánh thì dưỡng tánh, nghe nói tu thiền
cũng tu thiền, ai rủ đi núi đi non cũng cứ đi. Thật ra chẳng biết chi nên
chẳng tới đâu hết.
Chúng ta không
thể tu hành như vậy được, phải sửa lại. Từng bước từng bước theo dõi quán
sát việc tu học của mình trong ba nghiệp. Ý nghĩ gì, thân làm gì, miệng
nói gì? Điều ta nghĩ, ta làm, ta nói đó có đúng với chánh pháp hay không,
đúng thì tiếp tục làm, không đúng thì bỏ ngay. Phải thực tập từng bước như
vậy mới gọi là tu chứ. Giống như ở đây, Hòa thượng đưa Tăng Ni vào trong
một cái khuôn, đùm bọc dạy dỗ nhắc nhở, hướng dẫn từng bước một từ chặng
đầu cho đến chặng cuối. Mấy chú phải tu như vậy như vậy. Ví dụ người mới
ngồi thiền, Hòa thượng dạy ngồi nửa tiếng thôi, rồi tăng dần từ nửa tiếng
lên bốn mươi lăm phút, một giờ, một giờ rưởi, hai giờ. Dìu dẫn từng bước
như vậy mới đảm bảo.
Người có quá
trình tu tập theo một nền tảng như vậy, chắc chắn sẽ khó bị lung lay bởi
những cám dỗ khác. Giả dụ như việc thực tập tọa thiền của mình đã trải qua
một quá trình từ lạ đến quen, bây giờ có người tới nói “Tôi ngồi thiền một
tiếng đồng hồ có thể bay lên hư không hay biết quá khứ vị lai…” Ta vẫn
bình thản, không có gì chao đảo. Vì mình đã trải qua những giai đoạn đó
rồi, đã được sự hướng dẫn cặn kẽ của Thầy tổ và đang trong vòng thể nghiệm
đây. Nghe thì nghe nhưng không ai làm ảnh hưởng đến việc tu học hằng ngày
của ta được. Đó là niềm tin đã vững. Niềm tin này xuất phát từ công phu tu
tập mà ra.
Trong nhà
thiền, các Thiền sư thường dạy tâm bình thường là đạo. Hỏi đạo là gì? Tâm
bình thường. Sinh hoạt đạo lý hằng ngày như thế nào? Đừng để tâm vọng
động. Sống trong cái bình thường trong cái hiện tại, trong sự vận hành
liên tục của các pháp mà không bị đắm trước, sáng suốt tỉnh táo, đó là
sống đạo. Người sống được như vậy là người có niềm tin vững chắc. Chúng ta
cứ tưởng đạo là cái gì ở trên trời trên mây, chỉ có các ông Thánh mới làm
nổi, còn mình vô phần. Do đó ta tự đánh mất cái quý giá nhất của mình. Đạo
thật ra ở sát một bên ta, nhưng vì nó quá gần nên mình không thấy, không
nhận ra. Như tôi ngồi đây có thể nhìn xa tận ngoài vườn tới mấy chục mét,
nhưng cái lỗ mũi trước mắt tôi lại không thấy. Bởi vì nó gần quá, thường
quá nên mình đâu có quan tâm.
Phật nói cũng
thế, tánh Phật nằm sẵn trong mỗi chúng ta mà mình lại không nhận ra, cứ
chạy ngược chạy xuôi, lên non lên núi, tìm thầy tìm tổ ban cho. Đã sai lầm
như vậy thì biết đến bao giờ mới nhận được. Cho nên người tu phải tỉnh
táo, xoay lại mình đừng phóng ra ngoài nữa, thì mới không mất mình. Nhà
thiền nói phản quan tự kỷ, nghĩa là xoay lại xem xét lấy mình. Tu là làm
những việc rất bình thường nhưng trong tinh thần tỉnh táo sáng suốt, chứ
không mê lầm cố chấp. Bởi thế có khi tôi nói tu rất dễ. Vì ta vẫn làm việc
bình thường thôi, chỉ đừng chạy theo các duyên là đủ. Vậy mà mấy ai làm
được? Bởi vì mình khinh thường cái hiện hữu gần kề cho nên không quan tâm
đến nó, thành ra cuối cùng mất đi.
Ví dụ theo
thời khóa, buổi sáng mình ngồi thiền, ăn cơm, làm việc, nghỉ trưa. Chiều
học hoặc ngồi thiền, tụng kinh, ngồi thiền rồi nghỉ tối. Rất là bình
thường, không khó khăn gì. Nhưng nếu ta không vững niềm tin thì tới giờ
tụng kinh mình bận việc, có khách, tới giờ ngồi thiền thấy đau lưng mệt
mỏi, thay vì ngồi thiền mình lại nằm thiền. Tới giờ ăn, nói ăn không nổi.
Thế là mình làm xáo trộn đi cái bình thường. Cho nên người giữ vững, đều
đặn những chuyện bình thường, tới giờ ăn cứ ăn, tới giờ nghỉ cứ nghỉ, đó
là người biết hành đạo và gần với đạo. Thế thì đâu có khó khăn gì, phải
không? Tại mình bất thường nên mới thấy khó khăn. Vì vậy Tổ Tăng Xán nói:
“Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”, nghĩa là chỗ tột cùng của đạo không
khó, chỉ ngại vì người hay chọn lựa mà thôi.
Những việc cơ
bản bắt đầu từ thời bé thơ, mình bước đi chập chững, mẹ mình cũng chỉ
hướng dẫn thôi chứ đâu có đi thế mình được, rủi ro có vấp ngã thì mình
cũng tự đứng dậy. Đó là chuyện bình thường. Cũng thế, việc tu hành đừng
trông mong có một thần lực nào luôn bên cạnh, chờ mình té là đỡ. Đừng mong
như vậy, mà bằng trí tuệ, bằng đôi tay đôi chân của mình, ta tự đứng dậy.
Chỉ có cách đó là bảo đảm nhất.
Trong kinh
Phật dạy: “Lòng tin là gốc đạo, là mẹ của các công đức, làm tăng trưởng
tất cả các pháp lành, diệt trừ tất cả các nghi hoặc, thị hiện mở bày đạo
vô thượng”. Lòng tin là gốc của đạo, là mẹ của tất cả các công đức, như
tôi đã nói, làm việc gì mà không vững niềm tin thì chẳng tới đâu hết. Như
Phật tử đi chùa nghe pháp, thờ Phật, ăn chay mấy năm rồi nhưng không hiểu
biết chính xác gì về đạo. Hôm nào đó nghe người ta nói ăn chay coi chừng
bị ung thư, liền hoảng sợ bỏ cuộc. Mình quyết định bỏ cuộc chớp nhoáng như
vậy là đã mất mấy năm công phu rồi. Đó là do niềm tin đã bị lung lay. Thế
gian vô thường, ta công phu chưa được bao nhiêu mà đã bỏ cuộc thì tu hành
không biết đến bao giờ mới xong. Thời giờ qua rồi, không trở lại, việc tu
tập nếu không có lòng tin vững chắc thì công đức làm sao có được? Nên kinh
nói: “Lòng tin là gốc của đạo, là mẹ của tất cả các công đức”, mất lòng
tin là mất tất cả.
Pháp của Phật
dạy tuy nhiều, nhưng chỉ cần nắm vững một pháp thôi cũng đủ cho chúng ta
tu rồi. Như Thiền sư Pháp Thường ở núi Đại Mai chỉ tin một câu “Tức tâm
tức Phật” của Mã Tổ thôi, mà Ngài hoàn thành đại sự, giác ngộ giải thoát
ngay trong hiện đời. Nếu quyết tâm mà làm thì đảm bảo hiện tại không có
gì lay chuyển ta nổi. Ví dụ như ta đang tu thiền, nhưng nghe nói tu thiền
điên, ta vẫn bình thường. Tại sao mình bình thường? Vì chính mình đang tu
thiền đây nhưng có điên đâu. Người tu chân chánh giữ được mức bình thường
là người có niềm tin kiên cố, không gì lay chuyển nổi. Vui không quá vui,
buồn không quá buồn, ăn không quá no, ngủ không quá nhiều, không nói
nhiều, nghĩ nhiều, đi nhiều. Nói nhiều thì tản thần, đi nhiều thì mỏi
chân, nghĩ nhiều thì loạn động.
Thường phản
quan tự kỷ, soi xét lại mình. Cách tu này, đối với Phật giáo Việt Nam nhất
là thời Trần rất được thịnh hành. Phản quan tự kỷ, tức là nhìn lại mình,
không bị động, không chạy ra bên ngoài. Xoay lại mình để làm gì? Để thấy
cái dở thì giảm lại, bỏ đi. Như bớt nói một chút, bớt dính dáng việc chung
quanh một chút, mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng ngay. Nói tóm lại là tự soi lại
mình để làm chủ ba nghiệp, đừng phạm lỗi lầm. Như vậy thì không gây tạo
nhân khổ, chắc chắc không chuốc quả khổ, rốt ráo được an vui.
Đức Phật từng
nói trong kinh Pháp Cú “Tự chiến thắng mình là chiến công hiển hách nhất”.
Chiến thắng trăm ngàn quân địch chưa phải là chiến công vĩ đại, mà người
tự chiến thắng mình mới là người có chiến công hiển hách. Tự chiến thắng
mình là chiến thắng cái gì? Chiến thắng những tập khí xấu của mình, những
thứ quá đà, phiền não lôi thôi. Nhiệt tình quá cũng đâm ra phiền não, lo
lắng quá cũng sanh phiền não. Cái gì vừa phải thì bình thản, muốn thế phải
biết chỗ nên dừng. Đó là người biết điều quân ra trận, khi nào tiến khi
nào thoái, mỗi mỗi đều nhịp nhàng, hợp thời hợp lúc, gọi là không sa đà
thái quá.
Niềm tin tăng
trưởng thì tất cả pháp lành sanh, diệt trừ mọi nghi hoặc. Kinh nói “Lòng
tin kiên cố, lìa cấu tâm, trừ sạch kiêu mạn, sanh cung kính. Tin là kho
báu pháp bậc nhất”. Nghĩa là người nào có lòng tin kiên cố thì tất cả
phiền não dứt sạch, sanh tâm cung kính Tam Bảo. Vì thế tin là kho báu bậc
nhất. Chủ trương của đạo Phật là tỉnh sáng, không lầm lẫn và bị kéo lôi
bởi những hiện tượng chung quanh. Thành ra người vững niềm tin sẽ giảm
thiểu những phiền bực rối rắm, những bất an trong lòng.
Phiền não
không phải từ đâu đến, mà từ trong lòng chúng ta dấy khởi. Vì vậy nói tu
tâm là mình nhìn thấy rõ ràng sắp xếp ổn định. Nói điều gì gây sự bất ổn
cho mình cho người thì ta không nói. Làm điều gì gây ảnh hưởng không tốt
cho mình cho người thì ta không làm. Lòng mình cứ bị việc này việc kia xáo
trộn thì làm sao trong sáng. Thành ra những gì không đáng, không quan
trọng, không phải việc chính yếu của sự tu hành thì gác qua một bên, để
tâm định tỉnh trong sáng, thì phiền não mới không có chỗ cắm dùi được.
Người phát tâm
tu hành, trước nhất phải có niềm tin kiên cố. Niềm tin đó từ sự hiểu biết,
thể nghiệm đạo lý mà ra, sau đó mới phát tâm tu hành. Tu hành để làm gì?
Để thành Phật, để hết khổ được vui. Phật tử nào vô chùa lạy Phật nguyện
con tu hành cho phát tài phát lộc là trái với tinh thần đạo lý rồi đó.
Phát tâm tu ở đây là phát tâm thành Phật, phát tâm giác ngộ giải thoát.
Phát tâm này khó lắm, vì chấp nhận mất tất cả mới nhận lại được ông Phật
của chính mình. Khi đã phát tâm lại phải kiên cố trường viễn, chứ không
thể dễ duôi được.
Quí vị thấy
Tăng Ni vừa phát tâm xuất gia là tóc tai rụng hết rồi. Nhát dao đầu tiên
thầy Bổn sư để lên đầu với lời nhắc nhủ rằng tóc này là ô nhiễm, là pháp
thế gian, là phiền não cấu trược. Tự con không cạo được, bây giờ thầy vì
con mà cạo bỏ cho. Điều đó nói lên ý nghĩa một khi ta đã phát tâm tu thì
tất cả những quan hệ thế thường từ gia đình cho đến bạn bè ngang đó cắt
hết, không như hồi xưa nữa.
Đến giai đoạn
thứ hai, phát tâm cắt đứt tất cả những ân ái ở thế gian. Giai đoạn này bắt
đầu khó rồi đó. Sợi dây luyến ái gia đình là một thứ tình cảm rất khó bứt
rời. Như người ta nói mẹ sanh ra con là cắt núm ruột của mình, đau xót
lắm. Tình cảm này buộc trói mình từ kiếp nào tới bây giờ, không dễ gì
trong giây phút mà có thể cắt đứt được. Đã không cắt được thì cứ buộc ràng
quấn quít nhau đời đời kiếp kiếp, cho nên Phật nói chúng sanh trầm luân
trong sanh tử là vậy. Muốn thành Phật mà còn đem theo những sợi dây ân ái
kiểu này thì luộm thuộm quá, làm rối tung cõi Phật vốn thanh tịnh thì
không được đâu. Cho nên xuất gia rồi mà còn dính nhiều quá, chắc Phật phải
cắm tóc lại cho mình thôi.
Người xưa
thông minh lạ thường. Khi mình quỳ xuống cầu xin phủi tóc, các Ngài đã nói
đây là việc làm của các ông, tôi vì các ông mà cạo bỏ râu tóc cho, chứ
không cưỡng ép. Các ông tự làm thì sau này đừng than, đừng nói tốt nói xấu
nghe! Đó là các Ngài răn đe chúng ta hãy giữ vững tâm dũng mãnh ban đầu.
Hồi mới tu thì thấy như dứt khoát lắm, được thời gian sau nay đau mai yếu,
kiếm chuyện về thăm gia đình. Cứ thế dần dần thối Bồ-đề tâm, thôi thì “tu
đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”. Vậy là xong một đời.
Chúng ta có nhiều lý lẽ ma mỵ lắm, vì vậy con đường Phật đạo không khó mà
trở thành khó.
Đến giai đoạn
kế tiếp, người tu là hàng Thích tử của Như Lai nên phải cắt đứt tất cả
những quan hệ trong tam giới, gọi là xuất thế tục gia. Giai đoạn này khó
hơn nữa, làm hoài làm mãi, đời này làm chưa rồi, đời sau làm tiếp, làm mãi
cho tới chừng nào rồi mới thôi. Nghĩa là bao giờ ta hoàn toàn làm chủ được
mình, không còn kẹt trong bất cứ pháp nào, dù là thế gian hay xuất thế
gian. Khó thì khó nhưng chúng ta làm được, chứ không phải không làm được.
Làm như thế nào? Làm bằng con mắt trí tuệ.
Con mắt trí
tuệ là sao? Ví dụ nghe nói người đó đẹp, bây giờ ta không nhìn bằng mắt
thường mà nhìn bằng con mắt trí tuệ. Thấy thân người đó được hình thành từ
nhiều nhân tố, bên ngoài da phủ mịn màng nhưng bên trong máu huyết tanh
hôi, chưa kể đến đờm dãi xú uế thường tiết ra các cơ quan bài tiết. Tìm
thử xem cái đẹp từ đâu ra. Càng tìm càng thấy gớm, thì làm sao say đắm
thân thể ấy được. Thân người như vậy, thân ta cũng chẳng khác, thế thì
chấp nó thật là mình, quý trọng nó ở chỗ nào. Thế là nhờ con mắt trí tuệ,
ta thấy rõ bản chất duyên hợp, không thật, bất tịnh của thân mà lìa được
luyến ái. Như vậy tu đâu có quá khó!
Rồi bằng con
mắt trí tuệ, ta thấy cuộc đời là vô thường, sớm còn tối mất. Mạng người
ngắn ngủi, nếu không nỗ lực tiến tu, một mai quỷ vô thường đến đòi mạng,
làm sao trở tay cho kịp. Đường trước tối tăm, nghiệp thức mênh mang, chừng
đó hận chẳng sớm lo liệu thì đã muộn rồi. Cho nên người có trí tuệ là
người có cái nhìn thấu đáo, biết lo xa, chuẩn bị cho mình nơi đi chốn đến
an ổn, không hoảng sợ bất an khi sống cũng như lúc chết. Cho nên nếu khéo
biết, thì việc tu có thể thực hiện được tốt đẹp, bằng không biết thì tự
mình đưa mình đến nẻo khổ thôi.
Tu là sửa. Sửa
cái gì? Ví dụ hồi xưa mình thương nhiều quá, bây giờ sửa lại, thương vừa
vừa thôi. Hồi đó mình mê thích cái gì là theo chết cái đó, bây giờ sửa lại
thích vừa vừa thôi. Hồi xưa mình ghét cái gì sống để dạ chết mang theo,
bây giờ sửa lại ghét một chút thôi. Hồi xưa mình thích nhà cao cửa rộng,
ăn sang mặc đẹp, bây giờ sửa lại ở đâu cũng được, ăn sao cũng ngon, càng
giản dị càng tốt. Tu tập lần lần như vậy, chắc chắn không sớm thì muộn
chúng ta cũng sẽ đến được bờ Niết-bàn giải thoát, không còn chìm đắm trong
biển khổ sanh tử nữa.
Sở dĩ chúng ta
khổ là vì không buông bỏ được, mà cứ gom góp thêm vào. Ăn một bữa để dành
trăm bữa. Gần chết mà của cải tài sản chưa sắp đặt xong thì chết không
yên. Phút lâm chung mà tâm vọng động dấy lên thì nó kéo đi liền, trong lúc
hốt hoảng, thần thức tối tăm, chui vào da lừa bụng ngựa khổ càng thêm khổ.
Trong kinh có kể câu chuyện thế này.
Một hôm Phật
đi khất thực, ngang nhà một vị cư sĩ rất giàu có. Chủ nhà ta đi vắng, con
chó trong nhà thấy Phật sủa dữ. Đức Phật mới nói: “Ngươi do lòng tham
không buông được, mang thân lông lá, nằm giữ của như vậy mà chưa tỉnh, còn
làm dữ nữa”. Con chó nghe rồi buồn xo, nằm co lại không ăn uống gì cả. Ông
chủ đi về thấy con chó cưng của mình buồn xo, hỏi ra mới biết đức Phật là
nguyên nhân làm cho nó bỏ ăn bỏ uống. Ông tức quá, liền đi tìm Phật. Gặp
Thế Tôn, ông liền lớn tiếng hỏi:
- Sa môn Cù
Đàm! Con chó của tôi giữ nhà tốt như vậy, bây giờ ông làm sao nó buồn đến
bỏ ăn, tôi bắt đền ông đó.
Đức Thế Tôn để
cho ông nói hết, rồi từ tốn giải thích:
- Con chó ấy
là mẹ của ông đó. Ngày trước mẹ ông sắp qua đời, còn của cải để trong cái
hũ chôn dưới gầm giường, chưa kịp dặn ông. Vì tâm luyến tiếc, một là
thương ông, hai là thương của nên bây giờ phải đọa làm thân chó nằm giữ
của cho ông. Ông chẳng biết mẹ mình khổ sở tới bực nào, lại còn lớn tiếng
với Như Lai! Nếu không tin, ông về đào dưới gầm giường lên sẽ thấy rõ.
Nghe đến đây,
ông hoảng quá chạy ngay về nhà, theo lời đức Phật nói, ông đào dưới gầm
giường quả thật thấy những hũ vàng vẫn còn nằm đó. Chừng ấy, ông mới đến
khóc lóc năn nỉ đức Thế Tôn dạy cho cách cứu mẹ. Đức Phật dạy ông những gì
lâu nay buộc thì bây giờ mở ra. Con chó đã được Phật khai thị, nó hiểu ra
rồi nên đã thoát kiếp súc sanh. Ông về chôn cất tử tế rồi phát tâm cúng
dường, bố thí hồi hướng công đức ấy cho mẹ. Đồng thời cũng mở rộng lòng
ra, đừng tham luyến tài sản thế gian nữa, làm lành lánh dữ. Như vậy mới
mong sau này không khổ. Từ đó ông Trưởng giả trở thành người Phật tử tín
tâm kiên cố và hộ pháp rất đắc lực.
Nhân quả rõ
ràng như thế, dấy tâm động niệm không tốt thì sẽ bị buộc ràng trong ba
cõi. Cho nên Hòa thượng thường nhắc nhở chúng ta phải ráng tu, phải tin
hiểu Phật pháp một cách đúng đắn, rồi từng bước áp dụng vào đời sống tu
tập của mình. Áp dụng được, có công phu rồi sẽ được lợi lạc thiết thực,
điều này không nghi. Nói tin hiểu, nói phát tâm, là giai đoạn chuẩn bị,
bây giờ chúng ta phải bắt tay vào làm. Muốn hành đạo cho có kết quả phải
làm sao? Trong kinh dạy:
“Đạo không
hình tướng, biết suông vô ích, cần phải thủ chí tu hành, ví như người lau
gương sạch bụi, gương sáng thì liền thấy bóng mình. Người hành đạo mà dứt
dục, chứng không, đạo chân thật hiện bày trước mắt”. Đó là những lời dạy
hết sức giản dị, mà cũng hết sức thiết yếu. Nói đến hành đạo, Phật ví dụ
như lau gương. Gương để lâu rồi, bên ngoài bụi bám dầy đặc nên gương bị
mờ, bây giờ nói lau gương, thật ra là lau bụi. Người biết hành đạo là
người biết lau bụi, tức hằng ngày hằng giờ hằng phút giây lau cho sạch tất
cả những bụi bặm phiền não bám trên gương tâm. Lau sạch bụi rồi thì gương
tự sáng, không thêm gì hết. Thật ra, gương vẫn sáng từ hồi nào đến giờ,
nhưng vì bụi bám nên ta không thấy ánh sáng phát ra bên ngoài. Bây giờ lau
cho hết bụi thì gương sáng ngay.
Hành đạo cũng
vậy, sở dĩ chúng ta niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền là vì giặc phiền não
quấy nhiễu loạn động quá. Muốn nó yên thì phải mượn phương tiện để cột tâm
lăng xăng lộn xộn lại, đừng cho nó phóng chạy ra ngoài nữa. Khi các thứ
vọng tưởng đã yên rồi, cái chân thật bên trong tự hiện, đâu phải từ đâu
đem đến. Tuy nhiên, nếu ta không tẩy rửa phiền não, không để chúng lóng
lặng xuống, thì không thể nhận ra mặt mũi thật của mình được.
Chúng ta tu,
phát tâm hành đạo thì đừng vướng mắc gì hết. Như đầm nước trong hiện bóng
con nhạn bay qua, Nhạn bay thì cứ bay, nó không có ý lưu bóng trong đầm
nước. Đầm nước trong hiện bóng nhạn thì cứ hiện, cũng không có tâm giữ
bóng chi hết. Như vậy cả đầm và nhạn đều vô tâm. Chúng ta cũng vậy, trong
đời sống có vô vàn việc phải làm. Phật Tổ cho phép mình làm nhưng đừng
dính mắc với nó. Làm sao lòng mình yên ổn như đầm nước trong, mọi việc đến
rồi đi, không lưu lại dấu vết gì. Cố gắng trong hiện tại ta là bầu trời
trong, là đầm nước trong, như vậy mình là người có trí tuệ.
Chúng ta tu là
sống trở lại phút ban đầu bình thường giản dị khi cha mẹ mới sanh, không
tính toan bận bịu trong lòng. Cho nên trong nhà thiền thường nói đến “hạnh
anh nhi” là vậy. Đừng đắm trước, đừng vướng mắc, đừng bảo thủ, đừng có cái
của mình. Từ chỗ bình thường mà nhìn thấy mọi vật thì chân trời kiến đế mở
ra, ta thấy đạo. Đạo lý không ở ngoài những cái thông thường này. Thấy như
thế, nói như thế, làm như thế, ăn như thế, nghĩ như thế, đi đứng tiếp xúc
ngoại giao tất cả đều như thế.
Sở dĩ mình lẩm
cẩm, lẩn thẩn là vì cứ tụng đi tụng lại những hình ảnh bên ngoài. Người tu
phải cởi mở, buông hết, không để vướng mắc bất cứ thứ gì. Đó là cách hành
đạo hay nhất. Đi biết mình đi, ăn biết mình ăn, thân này có rồi biết sẽ
hoại, biết rõ như vậy, không đắm trước, không vướng mắc, không ỷ lại. Biết
như vậy là biết đúng chân lý. Điều này không phải ai cho mình, mà tự mình
gầy dựng, tự mình tu tập, tự mình vững niềm tin, tự mình phát tâm và hành
đạo.
Cuối cùng tôi
mượn lời Phật dạy để kết thúc bài giảng hôm nay: “Đệ tử ta, dù ở xa ta
ngàn dặm, tâm nghĩ đến giới của ta mà tu thì được đắc đạo. Trái lại dù kẻ
ở bên cạnh ta mà tâm tà cũng chẳng bao giờ đắc đạo”. Dẫn câu này cho tất
cả chúng ta ý thức rằng, dù bây giờ mình cách Phật quá xa, nhưng nếu thực
hành đúng lời Phật dạy thì cũng như gần Phật. Chúng ta vững niềm tin hành
đạo thì nhất định sẽ đạt đạo. Đó mới gọi là người biết ơn và báo ơn chư
Phật.
Chúc toàn thể
quý vị đầy đủ niềm tin vững tiến trên con đường Phật đạo. |