LUẬN PHẬT THỪA TÔNG YẾU

H.T THÍCH NHẬT QUANG

CHƯƠNG II: QUAN NIỆM TƯ LỢI VÀ LỢI THA CỦA PHẬT PHÁP

Trong tiết thứ 5, chương trước đã nói nhân cách thành tựu viên mãn, thì biết tự lợi của Phật pháp. Ứng hóa chúng sanh vô biên, thì biết lợi tha của Phật pháp. Lợi của Phật pháp nói đây, không như cái lợi bằng đối đãi, so sánh của thế gian, bởi nói lợi tha tức là chân chánh lợi tha, tự lợi tức là chân chánh tự lợi.

Lợi là đại danh từ chỉ hiệu quả do một thứ phương pháp, hành vi có thể đạt đến một thứ "Lìa hẳn khổ não, thành tựu an lạc".

Tất cả pháp trong thế gian không thể rốt ráo lìa khổ, được rốt ráo an vui. Chỉ có Phật pháp mới có thể rốt ráo dứt khổ, được an vui rốt ráo. Nên biết, chỉ trong Phật pháp mới có thể chân chánh tự lợi, lợi tha. Ngoài ra các pháp khác lìa khổ mà đều chẳng phải rốt ráo. Nếu so sánh lìa khổ được vui mà chẳng phải rốt ráo thì sự an vui trong thế đối đãi nhau, chẳng được cái lợi chân chánh.

Thử quan sát thế gian và các pháp bên ngoài qua biểu đồ sau đây.

Xét trong biểu đồ này, những điều thế gian cho là lợi, đã gồm hết không sót một vật, chỗ trọng yếu của nó là không ngoài danh lợi và cung kính. Nhưng đối trong Phật pháp những thứ này đều là pháp hư dối không thực, y cứ thức mà khởi. Thử đơn cử một vài ví dụ không thực, để trình bày cho vấn đề được sáng tỏ hơn.

Như, tài của có thể cho là lợi. Tài lớn nhất chẳng gì bằng. Xét cho cùng lẽ thực, thì tài không luận lớn nhỏ, đều thuộc sở hữu bản ngã của sáu thức trước. Nó có rồi sẽ hết, và không phải cứu cánh. Ngoài ra, đều có thể tỷ lệ theo điều vừa trình bày trên mà nhận hiểu.

Đây giải thích trạch diệt, tu trị và thành tựu của Phật pháp đối với thế gian pháp.

Chỗ y cứ của Phật pháp và Thế pháp

            Thế pháp…………..Phật pháp

            Năm thức trước……Thành sở tác trí

            Ý thức………………Diệu quan sát trí

            Thức mạt na………...Bình đẳng tánh trí

            Tàng thức……………Đại viên cảnh trí

Nhìn biểu đồ trước, ta thấy thế pháp y cứ  thức mà khởi, đến biểu đồ này thì rõ Phật pháp giới nhất chơn như. Tám thức đã chuyển, thì vọng pháp y cứ thức mà khởi tự trở về trạch diệt. Vọng pháp đã diệt, là cứu cánh dứt khổ, chứng pháp giới nhất chơn như mà thành tựu bốn trí mới là cứu cánh an vui.

Trông vào đây có thể biết Phật pháp lìa khổ được vui đều ở cứu cánh, nên nói lợi là cái chân chánh. Từ nghĩa này chương này có năm tiết sau.

TIẾT 1: Chỉ Phật pháp mới có tự lợi chân chánh.

Người thế tục nói tự  lợi, chẳng qua là cái lợi cho bản thân họ, lợi của gia đình họ, hoặc lợi của quốc gia họ... Tất cả đều không ngoài Ngã và cái sở hữu của bản ngã. Kẻ mê không ngộ, nên sớm tối chăm chăm, trải qua bao nguy nan, xông pha vào chỗ vạn tử mà không từ, mong đạt được cái lợi không thực và mỏng manh kia. Thực là họ đã lầm lẫn từ căn bản, bởi họ không biết cái tự mình đó ở chỗ nào? Thử đem vật chất tinh thần mỗi phương diện mà tìm, không thể có cái gì là tự mình. Thời gian trước, thời gian sau và ngay trong sát na hiện tại, tìm khắp cũng không thể được cái gì gọi là mình. Do đây, xa thì quan sát vũ trụ, gần thì quan sát trong thân tâm chính mình, đều không thể có được cái mình. Cái "mình" đó đã không có thì sớm tối bo bo lo tìm lợi, thử hỏi cái lợi đó ai được? Nếu như thế mà có thể gọi là tự lợi, thì có thể gọi là bất lợi cũng được vậy. Cho nên, chỉ có Phật pháp mới có chân thật tự lợi. Cái chân thật tự lợi này, lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp, không sanh, không diệt, tự tánh chân thật tự tại. Ai đã phát minh được cái tự tánh chân thật này, thì người đó có thể lìa hết các sự khổ trong đời, hưởng được nguồn vui cứu cánh của Phật pháp. Đấy là tự lợi chân chánh và cũng chỉ trong Phật pháp mới có cái tự lợi chân chánh mà thôi.

TIẾT 2: Phật pháp thuần lấy lợi tha để thành tựu tự lợi.

Người phát tâm Bồ tát quyết dùng tâm đại từ bi hộ niệm chúng sanh, dùng sức đại phương tiện cứu khắp chúng sanh, khiến chúng sanh hết khổ được an vui, mong được thành tựu công đức vô lượng vô biên, rồi sau mới chứng quả Vô thượng bồ đề.

Kinh Lăng Nghiêm nói: "Bồ tát phát tâm là tự mình chưa được độ mà trước muốn độ người khác."Đây là dùng lợi tha để thành tựu tự lợi, nên gọi “Phật pháp thuần lấy lợi tha để thành tựu tự lợi”. Như ở trong kinh Duy Ma Cật đã trình bày về pháp môn này.

Tiết 3: Phật pháp vì lợi tha, nên trước cầu tự  lợi.

Khắp cứu tất cả chúng sanh, nguyện lực tuy lớn, chỉ có niệm thực thi không dễ. Duy Phật pháp mới có thể đầy đủ đại năng thực thi này. Vì cầu năng lực thực thi này, nên trước cần tìm cái lợi tự mình được giải thoát. Nên nói:

Phật pháp vì lợi tha, nên trước cần tìm tự mình được lợi. Như các kinh thuyết minh về vãng sanh tịnh độ tức là pháp môn này.

Tiết 4: Tự lợi và lợi tha của Phật pháp không phân trước sau.

Như trên đã nói lợi tha tức là tự lợi, tự lợi cũng chính là lợi tha. Thế nên, biết tự lợi và lợi tha trong Phật pháp không phân trước sau. Đại thừa Phật pháp đại để đều như thế.

TIẾT 5: Chỉ Phật pháp mới có lợi tha chân chánh.

Tha là đối với Ngã mà nói. Ngoài thân ta, thế gian và tất cả chúng sanh đều có thể dùng chữ Tha để chỉ khái quát. Nhưng Ngã cùng với Tha đều là hữu tình, cùng là những phần tử trong thế gian, cùng là mê vọng bất giác, cùng là trầm luân khổ ải, cùng là hư ngụy, cùng là vô thường, mà tất cả danh lợi cung kính trong đời lại cùng là hư huyễn, lấy đó tự lợi đã không có hiệu quả, lấy đó lợi tha cũng không hiệu quả. Chỉ có Phật pháp mới có tự lợi chân chánh. Suy đây mà biết, tự lợi này do lợi tha mà có. Cho nên cũng chỉ Phật pháp mới có lợi tha chân chánh.

*

     
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM