TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Kể chuyện năm xưa.

Viết cho Kỷ yếu 15 năm Linh Chiếu - 1995

Tôi đến Linh Chiếu vào mùa An cư năm 1981. Mười bốn năm trôi qua như giấc mộng, kỷ niệm đong đầy, chua chua ngọt ngọt, ngon tợ ô mai.

Cầm viết viết lại những giấc mộng quả là một chuyện ngô nghê. Thế nhưng, biết đâu chừng, hôm nào đó tự trong chiều sâu của những cơn mộng mị, ta thức dậy và chợt phát hiện ra rằng đâu có cái gì chia cách giữa đôi bờ mộng thực. Thế thì, nhắc lại chút kỷ niệm cho vui, cho mỗi lần hoài nhớ là mỗi lần ta có dịp cảm tạ tri ân.

Hồi đó chùa còn nghèo, chị em có mười mấy đứa, sống với nhau thiệt tình. Thương ra thương, giận ra giận, khóc ra khóc, cười ra cười đàng hoàng. Để rồi cuối cùng lại “thấy nhói buốt tim hồng khi nhìn người thân chia ly ra đi” (nhạc Sư cô Thuần Trí).

Tôi còn nhớ, lúc đó quý Sư cô còn trẻ măng, chưa vào tuổi tứ tuần. Mỗi sáng cũng chít khăn vuông ra đồng với chúng, thương chúng có tiếng. Lần nào đi chợ, Sư cô Phó cũng mua bánh bao chỉ về cho tụi tôi ăn lỡ buổi. Vì thế mỗi khi thấy Sư cô vừa thắng xe đạp là tụi tôi chạy ùa ra đón… cái giỏ. Có hôm hết tiền không có bánh, mấy chị em xách cái giỏ đi vô tiu nghỉu buồn hiu, báo hại Sư cô phải luýnh quýnh chạy vào bếp, moi móc lục lạo thứ khác đền bù cho bầy em.

Lần đó tôi bị bệnh, thèm ăn đậu hũ quá sức. Ai đến thăm, tôi cũng năn nỉ: “cho xin miếng đậu hũ đi”. Trời ơi, lúc đó tương rau không đủ ăn, có đâu tới đậu hũ! Vậy mà nghe tôi nằn nì, Sư cô Thủ Bổn cầm lòng không đậu, phải chạy qua hàng xóm “mượn” đậu hũ về cho tôi ăn. Ăn xong, tôi hết bệnh. Sau này, mỗi lần nhắc đến chiến tích đời tư, mấy chị em nhất định không tha cho tôi cái chuyện ấy. Thiệt là “xin miếng đậu hũ mà thành thiên thu”.

Có lẽ nhờ thế biết bao cơ cực, gian khổ, lao lung, chúng tôi cũng đều có thể vượt qua. Đầu đội trời, chân đạp đất, bận đồ tắc kè (áo vá vải bông đủ màu) không biết mắc cỡ là gì. Chị em cùng nhau xông bờ lướt bụi, vào ruộng ra rẫy miễn sao có cơm ăn áo mặc, tu được là đủ rồi. Tu trong bận rộn không chưa oai, chúng tôi tu luôn trong hồi hộp cho xứng danh. Một trong những kỷ niệm khó quên nhất của tôi vẫn là cái lần ấy…

Số là tôi với Bổn cùng làm rẫy. Ban rẫy có hai người, Bổn trưởng tôi phó. Vì vậy việc gì khó thì Bổn làm tôi nghỉ, việc gì dễ thì tôi nghỉ Bổn làm, chuyện này ai cũng biết. Hôm đó, tôi kéo nước, Bổn gánh tưới, thình lình dây đứt, thùng nước rơi xuống giếng (ngày xưa chỉ có giếng cần vọt, chớ không có giếng quay hay giếng đóng như bây giờ). Thế là đổ nợ, phải xuống giếng lấy thùng lên. Và dĩ nhiên chuyện xuống giếng là chuyện của Bổn, chớ không phải chuyện của tôi. Nhưng rắc rối là hôm đó Bổn bệnh, không thể xuống giếng được. Dòm tới dòm lui, không thấy ai ngoài tôi, Bổn bấm bụng hỏi:

- Chiếu xuống giếng được hông?

Nhìn cái giếng không cạn không sâu đủ để cho dân học trò như tôi rợn người khi nghĩ tới chuyện phải lặn xuống đó, gặp lúc mùa mưa nước nhiều nữa chứ. Tôi ngập ngừng hỏi lại:

- Nước sâu hông?

- Hông. Tới ngực hà, cao lắm là tới lỗ mũi thôi. Chết chóc gì mà sợ.

- Tui hổng biết lội đó nha Bổn.

- Xì! Cạo đầu còn dám, xá gì chuyện xuống giếng. Vậy mà nói “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ” (kia trượng phu, ta đây cũng trượng phu) cái nỗi gì?

Bổn xuất chiêu quá đẹp, tôi trúng tên liền, bèn quyết định cái rụp: “Thôi được, chuyện nhỏ”. Thế là cây cần vọt được Bổn thả xuống chờ đợi. Lần đầu tiên trong đời, phiêu lưu ký bất đắc dĩ kiểu này, tôi chỉ còn nước nhắm mắt, nín thở, bóp bụng… cầu Phật trời gia hộ. Hai, ba! Tôi đu một cái vào cây cần vọt rồi tuột xuống từ từ, trong tâm dứt bặt vọng tưởng, vô ký, hôn trầm.

Vừa để đôi chân vào hai cái lỗ ở thành giếng thì “bựt” một cái, cây cần vọt gãy ngang, tôi chỉ kịp “á” lên một tiếng rồi bặt vô âm tín. Phần sợ, phần hết hồn, loi ngoi trong nước lâu hết sức tôi mới ngóc đầu dậy được. May quá nước chỉ mới tới cần cổ. Tôi nghe cái bụng óc ách, tim đập ình ình, tưởng đâu trên kia chắc Bổn cũng xính vính lo lắng cho mình, ai dè dòm lên tôi thấy Bổn cười như điên. Tức khí, không thèm cầu cứu, tôi vẫy tay chào luôn: “Cho tui kính lời thăm Thầy và toàn thể đại chúng nghe Bổn”.

Đến bây giờ nhớ lại, thật là có những con đường chân rong qua nửa bận mà nhớ suốt bình sinh. Nhưng kể từ đó, tôi không còn sợ bất cứ việc gì cả, dù lặn xuống giếng hay leo lên nóc nhà. A! Chuyện lên nóc nhà, lại cũng là chuyện lịch sử.

Ai đời con gái mà lại vắt vẻo trên mấy cây đòn tay, dưới này lại toàn là thanh niên thợ thầy. Nói thiệt, lần đầu ông già bắt leo lên lợp nhà, tôi run thì ít mà mắc cỡ thì nhiều. Nhưng riết rồi quen, chúng tôi đâm nghiền. Mái lá nào của Linh Chiếu, mấy chị em cũng xúm nhau leo lên vừa lợp vừa đua, đến quí thầy Thường Chiếu cũng phải chào thua.

Không dừng lại ở cái chuyện lợp nhà. Lần đó, nổi máu nghệ sĩ, tôi rủ Nguyên qua Thầy xin tiền cất một cái chòi thượng, vừa để giữ rẫy, vừa để… ngắm cho thỏa chí bình sinh. Ký giấy phép xong, một tuần sau Thầy giật mình khi hay tin mười hai giờ trưa, đám con gái của mình bất kể sống chết, đòng đưa trên hai cây thang tre được nối nhau bằng sức người, để gác cây đòn dong và lợp mái nhà thượng cao vút.

Nửa tháng trôi qua, cái chòi cất xong. Mái tranh duyên dáng xuôi xuôi quớt quớt, phập phều trong gió. Tôi lo sợ không dám thỉnh Thầy thượng sàn, nhưng vẫn treo sẵn chiếc võng trên đó cho phải đạo và ngỡ rằng Thầy sẽ quên đi nếu mình không nhắc. Ngờ đâu hôm ấy, mấy chị em đang lui cui kê tấm dalle dưới chân sàn để ngồi chơi thì thấy Thầy dẫn phái đoàn nữ nghệ sĩ nổi danh Bạch Tuyết nhắm thẳng cái chòi tiến lên. Đoàn người bước tới đâu cái sàn nhún tới đó. Chiếc võng kẽo kẹt của Thầy đong đưa làm cho bốn cây cột tre chèo tới chèo lui như thuyền ra khơi. Nhưng Thầy vẫn vui vẻ nhìn khách rồi long trọng tuyên bố:

- Hôm nay Thầy khánh thành cái chòi tranh do tự tay mấy cô ở đây cất lấy. Xấu đẹp gì không biết, nhưng Thầy thích của báu trong nhà. Cái chòi này cũng hơi có nét nghệ sĩ nên Thầy dẫn tụi con đến thăm. Vậy con có gì hay hãy đem ra biểu diễn góp vui.

Cô Bạch Tuyết liền cất cao giọng:

- Chiếc thân tứ đại khói, sinh hoạt thế gian mây, thành công khối nước đá, thất bại chùm bọt tan… chung cuộc cơn gió thoảng, viên mãn bầu trời trong.

          (Thơ: HT. Thanh Từ - Nhạc: Bạch Tuyết)

Thầy gật đầu hoan hỷ. Ngoài kia đám rẫy xanh um, cái chòi hiện lên rung rinh trong gió nhưng vẫn nằm đó như một phép lạ. Chơi một chút khách được dẫn đi. Bọn tôi thở phào nhẹ nhõm.

Ba bữa sau trở ra, mái tranh nghiêng một góc 60o. Tôi kinh hãi trong khi Tường tỉnh bơ:

- Ha! Có gì đâu. Quăng dây kẽm gai lên, cột vào đòn dong xiết chặt, ghì xuống, quấn vô sắt ấp chiến lược, đóng xuống đất. Trời gầm cũng hổng ngã.

Kế hoặch được duyệt và thực thi ngay. Quả thật cái chòi thượng đến nay vẫn còn, còn trong lòng mỗi đứa ngày xưa. Nhưng cái xác của nó đã rạp xuống ngay sau đó không lâu.

Công việc mần ăn đã lạ mà chuyện tu hành còn lạ lùng hơn nữa. Để gạn lọc thân tâm, thiểu dục tri túc, phong trào phát nguyện nhịn ăn hoặc ngày ăn một bữa bắt đầu xuất hiện. Trong số đó có chị Tường tôi. Buổi trưa sau khi chán chê ê chề một bụng, sư phát nguyện không ăn chiều. Xế hôm sau trị nhật năn nỉ đại chúng độ dùm bún ế, khởi đại bi tâm, sư vớt luôn ba tô và phát nguyện lại: Cần thì ăn, không cần thì thôi.

Linh Chiếu có thông lệ, phong trào nào cũng chỉ được ba bữa. Thiệt vậy, sau khi thấy các tôn giả hành kỳ hạnh (hành cái hạnh kỳ cục) sắp lết, Sư cô Trụ trì khẩn trương ban hành đạo luật mới:

- Cấm đại chúng không được nhịn ăn trị bệnh hay ngày ăn một bữa. Yêu cầu mấy huynh đệ sống bình thường, ai sao mình vậy, đừng làm gì khác hơn.

Thế là xong một chiến dịch.

Nghe nói chúng ham tu nhưng cực khổ quá, không có thì giờ hạ thủ công phu, Thầy liền cho dựng lên mấy cái thất lá để thử sức thử lòng. Lần đầu được vào thất, chắc nổi chí xung thiên, cũng sư Tường ba giờ khuya xách bồ đoàn tọa cụ ra giữa trời ngồi lim dim chờ giờ sao Mai mọc. Được mấy bữa, sao chưa kịp mọc, sư đã nằm dẹp tuần lễ. Lý do cảm nhập lý.

Nối tiếp truyền thống vô quái ngại của đám lớn chúng tôi, mấy đứa Linh sau này cũng chẳng thua gì. Hôm nọ đang dùng tiểu thực sáng, bỗng chúng tôi nghe Sư cô Trụ trì triệu Linh Trúc lên Quả đường:

- Con à con, Thầy nghe nói con ngồi thiền trên chảng ba cây đào, phải không con?

- Dạ…

- Thôi! Cho Thầy xin đi con. Thà làm một chúng sanh lành lặn còn hơn làm một ông Phật cà thọt, khổ lắm con ơi. Kệ, hổng thẳng tu, chậm mà chắc nghe con, làm ơn vô Thiền đường ngồi dùm Thầy. Thầy hồi hộp quá, tóc bạc hết rồi nè con.

Đó là điểm qua vài thành tích lẻ tẻ cá thể không nhằm gì, chuyện tập thể mới đáng lưu tâm.

Tối hôm đó, phái đoàn Phật tử Châu Đốc lên Thiền viện nhằm giờ tọa thiền. Sau một vòng nhiễu quanh Tăng bảo cung kính, bà Năm khều bà Ba nói nhỏ:

- Chị Ba à, ở đây mấy cô “lên” cũng giống Cậu dưới mình quá tay. Chà! Coi kìa.

- Xuỵt! Đừng nói bậy tội chết. Mấy cô đang đuổi ma đó.

- Chèng đéc ơi, vậy ha! Đuổi ma gì a chị Ba?

- Ma ngủ!

Nhưng mới đây, trong ngôi Thiền đường chánh hiệu, toàn thể dân Linh Chiếu, em chị chú cháu chia thành bốn hàng ngồi thẳng tắp, im re. Không biết thấy dáng dấp mặt mũi chúng tôi khôi ngô tuấn tú cỡ nào mà vừa xả thiền ra, Sư cô Thủ Bổn liền xuất khẩu thành thơ:

Ngôi thiền đường trang nghiêm rực rỡ,

Đại chúng ngồi tư thế lặng yên,

Như quên đi tất cả ưu phiền,

Chỉ sống lại “bản lai diện mục”.

Sư cô vừa dứt lời, một tràng pháo tay vang lừng. Tôi không biết địa chỉ của bà Năm ở đâu để tin cho bà rõ, mấy cô trên này hết “lên” rồi nghen!

Linh Chiếu chư thiền đức hành trạng còn dài, xin dành lại cho người sau kể tiếp…

Nơi đây,

Tôi chỉ tạm mượn đôi tháng ngày với cuộc sống và những con người đã qua, để nói lên cái còn lại hôm nay. Không thanh thoát diệu kỳ như Trúc Lâm, không đường bệ uy nghi như Thường Chiếu, không tài hoa lỗi lạc như Viên Chiếu, không tươi mát son trẻ như Huệ Chiếu - Phổ Chiếu; Linh Chiếu chỉ là một cô gái quê miền Nam bộ rụt rè bước vào tuổi xuân thì, chân chất hiền lành với một chút duyên ngầm vậy thôi. Thế nhưng, tôi luôn trân quí những đường nét hôm nay của Linh Chiếu như trân quí sự hiện diện của một cụm rêu xanh bên cội tùng trăm trượng, âm thầm lặng lẽ, nhưng hiển hiện tròn đầy với vẻ đẹp kín đáo khiêm cung.

Còn con người nơi đây thì… tôi e ngại ngôn năng. Xin mời bạn cứ đến, đến rồi sẽ biết.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM