TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Xin được cảm ơn

Vừa rồi, bắt gặp vần thơ của tác giả Truyện Văn Nhựt, “Linh Chiếu đất trời một vẻ riêng”. Tôi giật mình, không ngờ!

Có lẽ quá quen với dòng sông khi phải sớm chiều bơi lội trong một con nước cũng bến cũng bờ. Dân miền sông nước lại ít khi ngắm nhìn nét rực rỡ của một hoàng hôn trên dòng. Ngược lại, ở những nơi khác, có kẻ lại ngẩn ngơ với cảnh một bến, một chiều, một bóng thuyền…

Đứng núi này trông núi nọ, dường như là căn bệnh truyền đời của con người. Một khách lãng tử Trung Hoa chắc cũng đã cạn tình cạn túi để có được bốn câu thơ đá vàng:

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều,

Vị đáo sanh bình hận bất tiêu.

Đáo đắc hoàn nguyên vô biệt sự,

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều.

Dịch:

Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang,

Khi chưa đến đó luống mơ màng.

Đến rồi cũng vẫn không gì khác,

Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang.

Cái sướng của một nghệ sĩ phong trần là ở bầu rượu túi thơ, đi mây về gió, sáng non chiều nước. Mà cái khổ của một hành nhân lạc độ cũng là đó. Cái đói cái nghèo, cái trăm tư ngàn tưởng bị sóng vùi gió dập. Nhà thơ nào trong một kiếp chơi rong cũng gặt hái ít nhiều sóng gió:

Bể khổ mênh mông sóng ngập trời,

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi.

Thuyền ai xuôi gió ai ngược gió,

Ngẫm lại cùng trong bể khổ thôi.

Ta không phải là thi nhân để mà khóc mà cười với mình với đời. Cũng không phải thương nhân trăm công ngàn việc để đầu óc nặng trĩu quanh năm. Càng không phải buôn tảo bán tần vì nợ, vì con. Là một nhà tu, sao ta vẫn khổ như thường. Khổ vì tu. Mới lạ chứ!

Tôi có nghe nói đến một số bạn đồng tu, giờ này đang hết sức thiếu thốn. Các bạn không có Thầy, không có chùa, không có huynh đệ bên cạnh. Một mình canh cánh lo chuyện áo cơm chỉ vì để được học, được tu. Trong hoàn cảnh như thế, các bạn khổ là phải. Tôi không biết làm sao để được chia xẻ. Nhưng còn chúng tôi thì lại khác nữa. Được chút ít may mắn hơn bạn, có nơi ăn chốn ở ổn định, Thầy bạn đông vầy. Lúc đầu cũng vui. Nhưng dần dần cứ phải vội vã rửa cuốc cất cào cho nhanh để kịp tắm rửa. Vội vã tắm rửa nhanh để kịp ăn cơm. Vội vã ăn cơm nhanh để kịp học bài. Vội vã học bài nhanh để kịp tụng kinh, ngồi thiền. Vội vã, vội vã… Mệt đừ! Đó là chưa kể khi bệnh đau, không đủ sức để vội vã theo đại chúng. Thế là lại buồn. Lại khóc. Lại cảm thấy sao mà cảnh cũ chùa xưa đơn điệu, tẻ nhạt. Lại muốn đi rong. Có chết không?

Có lần tôi đọc quyển Giải Thoát Trong Lòng Tay của Ni sư Trí Hải dịch. Trong đó, bậc Thầy Pabongka Rinpoche có nói như vầy: “Người thiếu pháp, ta có thể giúp đỡ cho họ bằng cách thí pháp. Nhưng kẻ ‘lờn’ pháp thì vô phương cứu chữa. Người tu kỵ nhất để lờn pháp”. Lờn pháp ở đây cũng na ná như lờn thuốc. Một bệnh nhân khi đã lờn thuốc rồi thì mong chi hết bệnh. Cũng như vậy, một tu sĩ khi đã lờn pháp rồi thì sẽ bị xơ hóa tâm ban đầu. Mà lý do bị lờn thuốc là vì có thuốc mà không biết sử dụng thuốc. Lờn pháp cũng thế, có pháp mà không biết dùng pháp. Thật đáng sợ.

Nhìn tới nhìn lui, chúng sanh bình đẳng trên hạnh phúc và khổ đau mà không cần ai phải ban phát. Có bao giờ bạn thử nghiệm lại. Chính những ngõ ngách sâu kín và phức tạp trong tâm hồn mình đã làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú hơn, nhưng cũng có thể nhức nhói hơn. Cái đó tùy mình. Nhưng dù phong phú hay nhức nhói, ta vẫn là ta. Không thể chạy trốn được, cũng chưa thể nhận diện được. Vì vậy ta khổ. Khổ với biết bao dong ruổi, cút bắt bất tận của tâm thức.

Đức Phật được mệnh danh là đấng chí tôn thì lại đơn giản hơn. Chỉ cần tâm bình, thế giới bình. Cho nên Ngài hạnh phúc, thảnh thơi, an lạc. Vì Ngài đích thực đã dừng lại. Trong một lần, để cứu thoát Vô Não khỏi sa vào địa ngục khi anh chàng này cầm đao rượt mẹ, với mục đích lấy cho đủ số 1000 ngón tay dâng cho tà sư ngoại đạo, để đổi lấy một bài pháp thần sầu quỷ khốc. Đức Phật hiện ra chắn lối và đã chuyển được đường đao của kẻ cuồng tín. Anh lập tức đuổi theo Phật. Nhưng chạy nhanh cách gì, anh vẫn không thể đuổi theo kịp. Giận quá, anh hét to:

- Sa-môn Cồ-đàm! Hãy dừng lại.

Đức Phật mỉm cười trước mũi đao chỉ trong gang tấc:

- Ta dừng lại đã lâu rồi. Chỉ có ngươi chưa chịu dừng đó thôi.

Thế thôi. Chỉ cần dừng lại.

Viết đến đây, tôi muốn nói vì sao tôi đã phải giật mình khi một khách lạ vừa ghé đến, đã vui hưởng gió mát trăng thanh, cỏ lạ hoa thơm của vườn chùa. Trong khi, của sẵn trong nhà tôi lại chẳng nhận ra.

Xin được cảm ơn tác giả Truyện Văn Nhựt, không chỉ vì những thiện cảm chân tình mà tác giả đã dành cho Thiền viện chúng tôi, mà chính vì bài thơ của tác giả lại một lần nữa bỏ nhỏ với chúng tôi rằng: “Hãy dừng lại để lắng nghe mạch sống quanh đây chuyển nhựa thì thầm. Nếu không có đủ những nắng Hạ mưa Xuân, đói no sướng khổ, nước mắt nụ cười thì còn gì nữa là máu, là tim, là hơi thở của tôi, của chị, của em, của Linh Chiếu đất trời một cõi riêng.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM