TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Thanh Mai sơn với Thiền sư Pháp Loa

Rời Côn Sơn, xe chạy theo những con đường quê đất đỏ đến Thanh Mai sơn thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng.

Không đẹp và trầm mình giữa rừng thông cúc nở tiết trùng dương như Côn Sơn, không màu sắc chơi vơi gợi sắc màu như “Đường đi lên” của Trúc Thiên, không chập chùng mây nổi theo nhịp bước của người lên kẻ xuống như Hương Sơn, Yên Tử Sơn… Thanh Mai sơn trầm mặc khiêm cung, bình lặng sơn sơ. Một màu núi. Một màu không. Có lẽ vì thế, Thanh Mai sơn đã được Thiền sư Pháp Loa chọn làm nơi yên nghỉ sau cùng.

Thiền sư Pháp Loa với phát tích kỳ đặc của Ngài cũng đủ để cho ta thấy Thiền sư là một bậc pháp khí hiếm có. Và đã là tăng sĩ Việt Nam, thiết tưởng chúng ta không thể không biết sơ lược đôi nét về Ngài.

Sư sinh năm 1284. Trước khi sinh, thân mẫu Sư nằm mộng thấy có người trao cho thanh thần kiếm. Từ đó bà biết mình có thai. Nhưng vì quá chán ngán với tám lần sinh trước toàn là con gái, nên lần này bà cố tình uống thuốc phá thai. Phá tới bốn lần mà thai nhi vẫn chẳng sợ. Bà đành chịu. Đến khi sinh ra Sư, hay tin là trai, bà vui mừng khôn tả và vì thế nên Ngài có tên là Đồng Kiên Cương.

Càng lớn, Sư càng đỉnh ngộ khác người. Miệng không nói lời ác, ăn không thích thịt cá. Năm 21 tuổi, Sư gặp Điều Ngự Giác Hoàng liền xin xuất gia. Điều Ngự trông thấy bằng lòng nói:

- Kẻ này có đạo nhãn, sau ắt làm pháp khí, vui vẻ tự đến đây.

Sư hầu hạ bên cạnh Điều Ngự, ra vào đều thưa hỏi, lâu ngày có chỗ tỉnh. Một hôm, Sư trình kệ bị Điều Ngự chê. Sư thưa thỉnh mấy phen, Điều Ngự dạy phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, bỗng thấy bông đèn tàn rụng, Sư chợt đại ngộ. Sư đem chỗ ngộ trình lên Điều Ngự và được ấn chứng. Từ đây, Sư thệ nguyện tu theo mười hai hạnh Đầu-đà. Sau khi thọ đại giới, thấy chỗ tu học của Sư đã thành đạt, Điều Ngự ban cho Sư hiệu Pháp Loa.

Phật giáo đời Trần bắt đầu mở ra một thời kỳ phát triển rộng khắp kể từ khi Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử có được cánh tay hỗ trợ đắc lực của Sư. Có thể nói, ngoài việc nối nắm tông phong, lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử do Điều Ngự ủy thác, Ngài còn hoàn thành xuất sắc các công tác Phật sự quan trọng khác như tạo tự, độ tăng, thuyết giảng và đáng kể nhất là in ấn bộ Đại Tạng kinh Việt Nam đầu tiên, nhưng rất tiếc đến nay đã không còn. Ngài quả thật là một tấm gương sáng cho tăng sĩ Việt Nam, suốt một đời hành đạo và hóa đạo không biết mệt mỏi.

Càng đi lên, Thanh Mai sơn càng u tịch sâu kín. Để bất ngờ, qua một ghềnh suối vắng, bật lên tòa cổ tháp rêu phong với hai chữ “Viên Thông” hiển hiện như chính công hạnh tròn đầy của Tổ sư. Ngài để nhục thân lại Thanh Mai sơn như một sự gắn bó chung thủy với núi rừng của một sơn tăng thoát tục, dù bao năm gót chân có dẫm mòn lối vào cung vàng điện ngọc hay qua lại dọc ngang trong cát bụi phù du.

Tôi nhớ tuổi của Tổ sư tịch nhưng tôi không dám nhắc đến. Bởi vì tuổi thọ của một Thiền sư thật ngắn ngủi mà cũng thật vô tận trong giới hạn của một trần gian này. Bài thơ từ biệt chúng của Ngài đã nói lên được tất cả điều đó:

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,

Na biên phong nguyệt cánh man khoan.

Dịch:

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng.

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,

Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

Trong các nỗi khổ của nhân sinh, có lẽ nỗi khổ lớn nhất là nỗi khổ tử biệt. Nhưng bài thơ của Thiền sư tuyệt nhiên không có nỗi đau thương, không có lời nuối tiếc mà ngược lại toát lên phong thái ung dung, thanh thản của một thiền tăng trở về quê xưa. Nẻo thiên sơn vạn thủy, cảnh bát cơm ngàn nhà… vạn sự giai không. Ngài trả giấc mộng lại cho muôn duyên để đi về “Bên kia trăng gió rộng thênh thang”. Nhẹ nhàng, thanh thản đến vô cùng.

Chiều quá. Tôi theo Thầy xuống núi. Cả một tòa Thanh Mai sừng sững giữa trời. Cỏ cây cũng bàng bạc trong sắc sắc không không, như nói như cười, như có như không.

Sư có nói

một chiều

ghé Thanh Mai.

Tăng bào

chúng duyên

Thần tăng gởi lại.

Vạn cổ

thiên nhai

Sư đi về…

Thôi nhé! Thanh Mai.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM