TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Tiếng hải triều âm

Tôi không ở phố biển nhưng rất gần với biển. Vì thầy tôi ở núi. Núi nằm cạnh biển.

Ngày xưa, con đường dẫn lên Chân Không đối với tôi quen lắm. Mùi đá núi hăng hắc sau một ngày nhuộm nắng hây hây mùi biển. Có hôm về thăm thầy, Sư phụ dẫn lên mút trên cao nhìn xuống biển. Một non, một nước, một trời riêng. Tôi rất thích.

Thật ra, đã bao lần ngắm biển nhưng chưa một lần tôi rõ thấu. Biển nào là biển một cành lao của tổ Bồ-đề-đạt-ma về Tây. Biển nào là biển ba đại tạng kinh của Bồ-tát Long Thọ. Biển nào là biển nhét vào lỗ chân lông của các bậc tác gia. Và, biển nào là biển của ái hà thiên xích lãng, khổ hải vạn trùng ba… Ngắm biển như tôi thì quả thật là bối rối đó. Bởi vì biển có nói gì đâu?

Phật bảo chúng sanh khổ là tại nghĩ ngợi nhiều quá đi, rồi đổ thừa cho người ta làm khổ mình. Thì đó, biển vẫn vô tư mà có biết bao nhiêu tên gọi, bao nhiêu nỗi niềm. Biển nhớ. Biển buồn. Biển thì thầm… Biển cũng chẳng thèm minh oan làm chi. Đâu có cần.

Hôm đi Chân Nguyên, thầy dạo trên biển thưởng gió. Sóng vỗ rì rào, áo thiền tăng phất phới. Tôi cứ theo sau thầy, chụp lấy những dấu chân trên cát đùa với sóng biển. Đùa quên thôi. Không ngờ, thầy xoay lại hỏi:

- Con có nghe gì không?

Tôi thưa:

- Dạ không.

Thầy cười. Tôi cũng chẳng biết thầy cười cái gì. Lát sau, thầy khẽ nói:

- Có tiếng hải triều âm.

Từ đó đến nay có trên mười năm. Tiếng hải triều âm xa xưa cứ văng vẳng trong lòng tôi. Có lẽ vì thế mà tôi lại đến với phố biển chăng? Để từ giảng đường của Từ Quang tự này, mỗi sáng thứ bảy tôi được cùng đại chúng, lắng nghe lại tiếng hải triều âm từ năm xưa vọng về.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM