TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Cánh thư xa

… “ Chị còn nhớ cái lần em mò ra chùa thăm chị, cũng là lần cuối cùng tụi mình gặp nhau. Hôm ấy, thấy chị, em đứng như trời tròng. Lặng câm, rồi em khóc… ”

Nhớ chứ Nhạn. Nhớ cả đoạn đường dài từ nhà tới trường mà ngày nào Nhạn cũng è lưng ra đèo tôi trên chiếc xe đạp cà tàng, vì không thể chịu nổi khi thấy tôi ôm cặp lội bộ dưới cái nắng Sàigòn. Tôi nhớ Nhạn. Vẫn cái nhớ thật nhiều của những chiều tan trường, hai đứa rủ nhau vào chùa Xá Lợi, xin Phật đi tu. Thế mà nhân duyên, nghiệp dĩ đã đưa đẩy… Nhạn theo chồng sang xứ người. Tôi ở lại, thực hiện ước nguyện của hai đứa. Giã từ Sàigòn.

Sáng nay, cánh thư Nhạn bất chợt như một cánh chim xa, đáp xuống sân chùa trao vội chút tin.

… “Mười mấy năm rồi. Giữa đất lạ quê người, cuộc sống em luôn thay đổi. Nhưng phải chăng niềm vui thường hay tỉ lệ nghịch với tuổi đời. Em bơ vơ hụt hẫng trước hạnh phúc như bóng câu qua cửa, chập chờn, vụn vỡ. Hai đứa nhỏ không biết sẽ ra sao? Em lại nhớ chị, nhớ đến tà áo nhật bình thanh thoát tụi mình mơ ước năm xưa. Chị, em muốn…”

Đừng Nhạn! Đã sinh ra làm kiếp chim trời thì trôi dạt mây khói là chuyện phải vậy thôi. Cánh chim nào lại chẳng vượt gió trước khi trở về được tổ ấm bình yên. Dù muốn dù không, Nhạn cũng phải lo cho hai đứa nhỏ. Tụi nó đã mất cha rồi, đừng để cho nó phải mất mẹ nữa Nhạn ơi. Có nhiều khi ta cứ nghĩ mình sẽ không sống nổi, không thể chịu đựng được cái hoàn cảnh đau lòng trước mắt. Nhưng mà không sao cả, nó sẽ qua đi. Bởi vì tất cả đều vô thường. Không có giọt nước nào chảy hai lần qua một điểm trên cùng một dòng sông. Cuộc đời của ai rồi cũng sẽ trở thành câu chuyện cổ tích cho con cháu ngàn năm sau. Có điều trong mỗi câu chuyện, nhân vật có thể hiện được tính cách, có để lại được điều gì tốt đẹp, có làm nên cho cuộc đời hôm nay và hôm mai những âm hưởng hay không lại là chuyện khác. Suy cho cùng thì nước mắt trần gian đâu phải của riêng ai. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nỗi khổ khác nhau, khó khăn khác nhau. Nhưng dù khó khăn nào đi nữa, cái khó nhất phải chăng là biết vượt lên chính mình? Tới một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều trở nên già cỗi và chỉ có những đổi thay, thâm trầm nhào nặn thành chất sống là trẻ mãi mà thôi. Vậy thì tại sao ta không chắt chiu từng chút niềm vui, giữ hoài nét sơn sơ cho tâm hồn mãi non tươi.

Quế và Tía Tô đang rất cần sự chăm sóc, tưới tắm của mẹ nó. Đừng để cho cọng rau xanh phải ủ rủ héo hon trước khi chúng nẩy tược đâm chồi. Tôi thích cái tên Nhạn đặt cho hai đứa nhỏ quá. Ngọt ngọt, thơm thơm. Cái mùi của quê hương sao mà dễ nhớ, khó quên. Nhạn ơi, thương con và vượt khó là màu áo lam tôi muốn gởi đến cho Nhạn. Sống tha thứ, làm việc và chấp nhận những gì hiện có, không mong cầu là quá đủ để ta hạnh phúc rồi. Tôi vẫn nghĩ, bình an hay không là ở tại lòng mình, chứ chiếc áo có nghĩa lý gì đâu.

Hồi xưa, vua Trần Thái Tông cũng có chuyện buồn, quân vương lên núi đòi tu. Trần Thủ Độ không chịu, rượt theo thỉnh về. Thấy Thái Tông khó xử quá, Quốc sư Trúc Lâm cầm tay vua nói: “Phàm làm đấng nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ, Bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, việc nghiên cứu nội điển (kinh Phật), xin Bệ hạ đừng phút nào quên”. Lời khuyên ấy đã đưa Trần Thái Tông lên ngôi và trở thành vì vương sáng chói, mở đầu triều đại nhà Trần với tất cả cốt cách của một cư sĩ tại gia thoát tục.

Nhạn không quan trọng như thế. Nhưng đối với hai đứa nhỏ, Nhạn còn cần thiết hơn cả nhà vua đối với lương dân. Vui lên đi Nhạn. Bởi vì toàn bộ dòng đời lưu chuyển mang theo những chất ngọt bùi đều là tặng vật cho chúng ta. Hãy trân trọng nhận lấy với tất cả lòng biết ơn thì hạnh phúc sẽ ngay trong tầm tay. Đừng có ở núi này mà trông núi nọ, để rồi sau một vòng đời lẩn quẩn, ta lại thẩn thờ thốt lên bốn câu thơ đá vàng của thi hào họ Tô thuở nọ:

Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang,

Khi chưa đến đó luống mơ màng.

Đến rồi cũng vẫn không gì khác,

Mù tỏa Lô sơn sóng triết giang.

Cho tôi gởi hai mảnh rau nhỏ, nhờ Nhạn chăm sóc giùm với thật nhiều niềm tin và hy vọng. Để một ngày không xa, nếu chúng mình có gặp lại, ngồi bên nhau ta chợt thèm tô bún chan nước tương, có Quế và Tía Tô nữa. Còn gì hạnh phúc hơn, phải không Nhạn?

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM