TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Thưởng biển

Xe lăn bánh.

Một ngày thưởng biển của Linh Chiếu đã tàn khi chiều buông. Tôi vẫn còn sót lại trên bãi chiều hôm ấy lẫn tiếng sóng cồn. Một tia nắng già vừa rủ xuống. Ánh tà huy đã vụt tắt. Tôi không thể chần chừ dưới bãi biển được nữa.

Con đường dẫn lên Chân Chiếu chưa quen lắm, cỏ cây còn lạ dấu chân người. Tôi vào chùa, ngồi trước hiên chơi một chút. Cô bước tới hỏi:

- Sao Chiếu không đi Ngọc Hải chơi?

- Dạ… thôi.

- Chiều nay ở đây làm gì vậy?

- Dạ, không có làm gì.

- Đọc sách không?

- Dạ.

- Có sách Nhi Đồng nè.

Tôi bật cười. Cầu trời cho tôi mãi mãi là trẻ nhỏ.

***

Tôi quan hệ khá lâu với cô qua những lần sách vở nhưng ít khi gặp gỡ. Cho đến bây giờ, mỗi lần đối diện nhau tôi vẫn chưa quen bắt chuyện.

Xoay sang chị Mai, tôi hỏi:

- Chiều nay chị chở cô đi Ngọc Hải, chụp được mấy “pô” mặt trời lặn rồi?

- Chụp chụp cái quỷ gì! Ba đám mây hắc ám.

Cô nhìn tôi nhướng mắt khoe:

- Chị chụp cho Mai một kiểu “giang tay ôm mặt trời rụng”.

Cả ba cùng cười. Mâm cơm đã có sẵn, cô và chị Mai chỉ việc ăn.

Tôi bước xuống thềm, lần ra phiến đá trước ngõ. Mệt mỏi sau một ngày nhảy sóng với huynh đệ, bây giờ được thả bước một mình giữa núi rừng thanh vắng, tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Từ trên cao, nhìn thấy sóng đêm trắng xóa như thách đố, như trêu ngươi cùng tuế nguyệt, cùng mặt nước mênh mông, bất chợt tôi rùng mình… Một tình cờ nào đó đã xui khiến chúng ta quay cuồng trong những cơn lốc vọng động bất kể đêm ngày, để rồi sau đó ai sẽ phải chịu bao cảnh thăng trầm đây? Thật không mà như có. Rồi cũng sẽ có một tình cờ nào đó, khi chúng ta hết sức vất vả để giành lấy sự sống ngay bên bờ vực thẳm, thì bỗng nhiên mọi sự đời được rũ sạch đi hết, trả lại cái uyên nguyên buổi ban đầu. Thật có mà như không.

- Hạnh Chiếu ơi! Chiếu đâu rồi?

- Dạ em đây.

- Đi đâu vậy?

- Em hóng mát một tí.

- Vô đây nói nghe nè. Trời tối rồi, đi đâu một mình ở ngoãi vậy, ma bắt đó nghen.

- Dạ, em vô ngay.

- Bây giờ Chiếu muốn thức chơi hay muốn ngủ?

- Dạ ngủ.

- Ờ, ngủ đi. Chị cũng mệt quá rồi.

Chung vô mùng chớ dễ gì mà tôi ngủ được. Cái cửa sổ đã đóng kín mít. Ngộp thấy mồ, mà tôi đâu dám mở tại vì cô sợ gió.

Xoay qua trở lại, thấy chỉ toàn là đầu trọc chung quanh. Tôi tự hỏi:

- Tại sao mình đi tu?

Rồi tự trả lời:

- Cũng chẳng biết tại sao.

Tuổi nhỏ theo nhau như trang sách. Lớn lên là đã vào chùa rồi. Thú thật, tôi có hơi nhát khi thấy cái thảm cảnh vỡ tan, khổ đau của bao người đi trước nên thay vì bon chen trên đường đời, tôi đã muốn náu mình một nơi khiêm tốn hơn từ thuở còn cắp sách đến trường. Chứ cũng chẳng hay ho gì.

Ở ngoài trắng cả một trời trăng. Nhờ có mấy khuôn bông gió nên tôi ké được đôi sợi ánh sáng. Giờ này mà dạo mát một vòng thì sướng biết mấy.

- Cái gì mà lăn qua lộn lại hoài vậy Chiếu?

- Dạ, ngủ không được cô ơi.

- Cái gì mà không được. Ngủ đi.

Ghê thật. Cô có máu lãnh đạo đầy mình. Đã vào giấc mà cũng còn kiểm soát khít khao. Bận này thì ngủ được hay không gì, tôi cũng nằm im re. Mất tự do quá.

***

Đêm đã qua.

Ngồi trong phòng thoáng nghe tiếng ai hát, nhưng không rõ hát cái gì. Tôi bật dậy ra ngoài và bắt gặp cô… Cô hát thì được.

- Sáng nay Chiếu về hả?

- Dạ.

- Mấy giờ?

- Có lẽ em về sớm. Nhưng còn tùy chị Mai.

- À, chị có nhờ Mai ra bến xe một chút. Chiếu đợi nha.

Tôi gật đầu và ngồi vào bàn ăn.

Chân Chiếu vẫn còn đơn sơ lắm. Cùng với Chân Nguyên, cả hai ra đời như một giấc mơ. Và có lẽ giấc mơ của Chân Nguyên huyền ảo hơn nhiều. Hãy đợi xem.

Cơm sáng xong. Mọi người cũng lần lượt kéo nhau ra biển.

- Chiếu ơi! Tắm cái rồi hãy về.

Tôi lưỡng lự vì không biết chị Mai đi lâu mau.

- Chị lấy đồ cho thay nha?

- Dạ thôi.

- Hỏng tắm hả?

- Em dạo bờ biển thôi. Cô thay đồ đi.

- Ờ, chờ chị chút.

Trong khi chờ đợi, tôi phóng nhanh lên những tảng đá chênh chếch sừng sững phía trước chùa, lặng nhìn xuống biển. Thật không cường điệu chút nào để nói rằng có một hấp lực vô hình giữa núi và biển khi trăng lên và vào lúc này:

Trời đất thanh thanh màu như ý,

Rừng ôm bóng ngủ dưới sương gầy,

Trăng và trăng lưng trời đáy nước,

Đêm trở mình người vẫn ngồi đây.

Trời thấp xuống làn mây,

Mây nghiêng xuống đầu cây,

Cây nghiêng mình xuống đất,

Đất vòng lên trời mây…

                                               (Có mặt - Trúc Thiên)

Đứng thả hồn thật lâu đến khi nghe tiếng gọi, tôi giật mình chạy xuống bên cô, không quên kèm theo một cái nhìn biết lỗi.

- Đi đâu hoài vậy, chăn Chiếu còn cực hơn chăn trâu nữa à. Nè, đội nón vô.

Tôi le lưỡi đón lấy chiếc nón và cả hai cùng hướng ra biển. Trên đường đi cô gợi chuyện:

- Hạnh Chiếu nè, ở Linh Chiếu vui không vậy?

- Dạ cũng bình thường.

- Bình thường là sao?

Chợt lúc ấy, tôi mới nhận ta mình ăn nói vô duyên tận cùng. Sợ cô cụt hứng, tôi bèn chống chỏi:

- Dạ vui. Nhưng lâu lâu cũng có buồn. Còn cô thì sao?

- Ờ, cũng được.

Lại một câu trả lời tương tự. Tôi mừng thầm, đâu phải chỉ có mình tôi nói chuyện như vậy… A! Xin lỗi.

- Nhưng…

Một tiếng “nhưng” ngập ngừng dường như hữu ý. Tôi im lặng chờ đợi. Chúng tôi đi thật chậm và cô bắt đầu nói:

- Không biết có phải tự bào chữa khi nói rằng ở vào vai trò và trách nhiệm của chị, bình tĩnh để quán sát, đối đầu, quyết định mọi công việc trong cũng như ngoài mà vẫn không quên mình thì thật khó quá. Mối quan hệ giữa sự chịu đựng, tổn thất và tình yêu thương huynh đệ luôn là những vế đối khiến chị có nhiều suy nghĩ. Chị không trách ai cũng không bênh vực cho mình. Nhưng phải nói, tất cả đã dạy chị biết bao điều. Trải qua không ít lần thử thách, phạm những sai lầm, có lẽ chị đã trưởng thành nhanh chóng hơn. Chị tin như vậy.

Ngày xưa, khi còn ở Ni trường, với khái niệm mơ hồ về sự khó khăn của một vị thầy, một người chị dẫn dắt đàn em, chị chưa thể có sự thông cảm nào. Đến bây giờ mới thấm tận xương tủy. Nhất là khi thầy chị không còn nữa.

Cô ngừng lại ở đó. Và tôi cũng hiểu tại sao. Bãi biển trải dài trước mắt. Màu xanh của biển và màu trắng của cát tạo thành một đường nét sống thực, hài hòa thanh tú. Ngang qua bãi tắm có tiếng gọi ơi ới:

- Tắm, tắm cô, tắm Chiếu.

Cô cười gật đầu:

- Chút xíu nữa đi. Bây giờ trời còn lạnh.

Và tôi tiếp tục đi bên cô. Cô chỉ về một tảng đá xa xa đề nghị:

- Mình tới đó xem thử.

Tôi gật đầu ngoan ngoãn. Sóng biển ban mai cũng ngoan ngoãn. Tôi nhìn cô chờ đợi. Câu chuyện được tiếp tục:

- Nhớ lại khi thầy còn sống, chị đã không làm được điều gì đáng kể cho thầy vui. Ngay cả ước nguyện viết lại một đoạn đời của thầy, chị cũng chưa thực hiện kịp. Bây giờ thầy mất rồi, có hối tiếc ăn năn cũng đã muộn.

Bao nhiêu năm nuôi nấng,

Làm phật ý Thầy nhiều.

Lòng bâng khuâng tự hỏi

Biết con còn đáng yêu?

- Chị dở quá phải không Chiếu?

Tôi siết chặt tay cô hơn:

- Bây giờ cô có về trong đó thường không?

- Ít lắm.

Gương mặt cô thoáng buồn. Tôi cũng hiểu tại sao. Để vui hơn, tôi chuyển hướng:

- Có bao giờ cô nghĩ rằng mình sẽ kết tóc trọn đời với Viên Chiếu không?

- Chị chưa nghĩ đến điều đó bao giờ. Nhưng nếu thật sự như vậy thì cũng tốt thôi. Mà câu trả lời đúng nhất là “tùy duyên”. Hạnh Chiếu đồng ý không?

Tôi gật đầu nhìn cô nửa xa nửa gần. Cô thọc tay trong cát, bươi dưới đó ra một mãnh võ sò còn nguyên, lấp lánh nhiều màu sắc lạ, vân vê trong lòng bàn tay vẻ thích thú. Rồi cũng với giọng đều đều khi nãy, cô nói tiếp:

- Cho đến bây giờ, Viên Chiếu đối với chị không còn nhọc nhằn như xưa nữa. Mấy huynh đệ lớn hết rồi, đều tự ý thức và biết gánh vác công việc phụ chị. Nhưng phải nói rằng, điều đáng quí hơn hết là sự hiện diện của Ông già. Chị cảm thấy sức gia trì, che chở, bảo ban của Thầy là một nguồn phước báu vô biên cho chúng ta. Chị thầm nguyện thầy sống lâu mạnh khỏe, để chúng ta còn đủ thời gian trưởng thành, cứng cáp trước khi thầy…

Cả hai chúng tôi bỗng dưng đều im lặng. Tôi nghe như từng tiếng nói của Thầy hôm nào chợt rót vào tai trong lúc này:

- Trên đường tu tập của tụi con, có hai điều mà thầy lo lắng nhất. Đó là ý chí và sự miên trường. Người có ý chí mà không miên trường thì trước sau gì cũng bỏ cuộc. Kẻ được miên trường mà không ý chí thì không đi tới đâu. Tụi con thương thầy, thương đời tu của tụi con, thì phải nhớ lấy điều này và tự biết mình phải làm sao.

Đó là tất cả những gì còn lại trong lòng tôi. Trên cao một đám mây mỏng vừa tan nhanh. Cái gì rồi cũng tan. Còn lại gì?

- Hạnh Chiếu!

- Dạ.

- Đang nghĩ cái gì vậy?

- Cô làm em nhớ thầy.

Cô kéo tay tôi lôi đi tới một đồi đá trên cao:

- Nè, đố Hạnh Chiếu tại sao những tảng đá này ở tít trên xa, mực nước không dâng lên được mà đá cũng mòn lẵn như từng bị xói mòn vậy?

- Có lẽ bao thế kỷ trước, mực nước đã dâng tới đây.

- Ờ, giỏi. Nhà Phật gọi là sinh, trụ, dị, diệt đó nhỏ. Chị thuyết pháp một chút được không?

- Dạ được.

Cô cười huề:

- Nói chơi chứ chị rầu lắm. Không biết làm sao đứng trước sự vô thường mà lòng mình vẫn thường đây? Có nhiều khi chị muốn nhập thất tu rục để chăn con trâu hoang của mình, thử coi chừng nào nó được “sờ sờ, đuổi cũng hỏng đi”.

- Chắc cô thích nhập thất lắm phải không?

- Ờ, mà nhập lỏng lỏng thôi.

Cả cô và tôi đều bắt gặp nhau trên ánh mắt mỗi người một nụ cười hóm hỉnh. Ngoài kia mặt biển lấp lánh ánh dương. Tia nắng đã bắt đầu xuyên qua mỏm đá rót lên đỉnh đầu.

- Cô, nắng lên cao nhiều rồi đó.

Cả hai cùng phóng sang những tảng đá thấp bên cạnh. Chúng tôi lách mình qua những khe đá có hình thù kỳ đặc tợ như thạch động. Tôi sờ vào một tảng đá nằm khuất bên trong rồi gọi cô:

- Cô nè! Nhìn xuống đây xem. Không biết nước chảy kiểu nào mà nó bị xiết mòn với một dạng đá thiệt đẹp.

- Đâu?

- Nè, cô khum thấp xuống.

- Ờ, ờ. Chị thấy rồi. Í! Hạnh Chiếu đừng thọc tay vào đó, ruổi có con gì nó cắn à.

- Không sao mà.

- Biết đâu được. Hạnh Chiếu đừng cãi chị.

Cô kéo tôi về hướng bãi cát và theo lối cũ lần trở về. Bỏ lại sau lưng những dấu chân trên cát. Hai chúng tôi tiến về phía trước gần nơi quí cô tắm. Cô sủi sủi chân trong bọt nước nói thì thầm, dường như không cần ai nghe:

- Kể cũng lạ! Biển thường tự trụ vị, mà con người lại gán cho nó quá nhiều biểu tượng. Trong một bản nhạc, nghệ sĩ nào đó đã viết: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đê mê…” Có nghĩa biển là một khung trời kỷ niệm đầy chất nhớ nhung của những anh chàng si tình. Ngược lại, trong kinh thì nói “Ái hà thiên xích lãng, khổ hải vạn trùng ba”, nghĩa là sông ái ngàn lượn sóng, biển khổ dậy ba đào. Thì ra, đại dương là biển khổ đối với chúng sanh. Còn chư Phật chư Tổ thì “Giác hải Tỳ Lô Giá Na thênh thang trùm khắp, không sanh, không diệt, không hình không tướng, nhi nhiên lặng lẽ”… Bây giờ mình biết nghe ai, Hạnh Chiếu?

- Mình con Phật. Thôi nghe theo Phật đi.

- Ờ, cũng được.

Đã đến bãi tắm. Tôi lay tay cô:

- Cô xuống tắm. Em về.

- Bây giờ cũng trưa quá rồi, thôi để chị đưa Chiếu về.

Tôi lo lắng nói với cô:

- Sáng giờ chắc Bạch Mai trông lắm.

- Ờ, dám ảnh đổ quạo cũng nên.

- Không sao, chị hay la um sùm nhưng rất tốt.

- Chị cũng nghĩ vậy.

Có một khoảng cát dầy dẫn xuống bãi biển đầy những cọng cỏ cứng và nhọn. Nếu lỡ dẫm chân lên thì thật nhức nhói, chớ chẳng chơi. Hai chiếc bóng cứ né tới né lui, mãi một lúc mới lên tới mặt đường. Con đường nhựa chập chờn sóng nắng. Cô nheo nheo mắt bảo tôi:

- Hạnh Chiếu về giờ này nắng dữ đa.

- Nhưng không thể trễ hơn được nữa cô à. Em đã quá phép rồi.

Cô nhìn tôi ái ngại:

- Về trễ có bị rầy không?

- Nếu về kịp sáng nay thì không trễ.

Chiếc Honda đã chờ sẵn.

Chị Mai rồ máy. Tôi lên xe. Cô vội với tay trao cho tôi chiếc nón rơm và không quên gởi theo một nụ cười.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM