TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Khúc đời dạo qua

Viết cho Kỷ yếu 10 năm Trúc Lâm - 2002

Cách đây hơn nửa thế kỷ, khoảng tháng tư, một chiếc thuyền con đã âm thầm tách bến qua sông. Khuya hôm ấy dòng sông Hậu nước triều dâng, bầu trời tỏa ánh trăng đêm trung tuần, lấp lánh những viên ngọc nước nổi lên từ đáy sâu, tiếng chèo khua róc rách giữa thinh không cô tịch. Thuyền một bóng, sông một dòng. Con nước rẽ đôi.

Chuyện đời người không biết phải bắt đầu từ đâu? Bởi lẽ phút cuối bên cửa tử là giây đầu nơi chốn sinh. Thầy đã đến và Thầy sẽ đi, hay Thầy đã đi và Thầy đã đến? Chúng con không biết. Nhưng chắc chắn là Thầy đã có mặt, đang có mặt và mãi mãi có mặt. Tất cả đều hiển nhiên nhưng thật bất ngờ. Bất ngờ như chiếc áo phong sương hôm nào thoáng chốc biến thành chiếc cà-sa khoác lên vai người sông Hậu năm xưa. Để từ đó, qua nhiều khúc trôi dạt nổi nênh, Thầy độc hành độc bộ đi vào cõi thiền sắc sắc không không.

Thầy về núi Tương Kỳ. Vì núi cao sẽ làm cho lòng người cao hơn, suối sâu sẽ làm cho lòng người sâu hơn. Hai cung bậc, một nhịp duyên sinh vỡ tung trong khoảnh khắc mà thiên thu tĩnh tại. Ở núi dễ tu. Lòng sơn tăng cũng sừng sững như non, tiêu dao phóng khoáng, vương bổng chẳng thể buộc ràng. Chân Không khiêm cung, giản dị. Nơi đây dòng thiền Việt Nam cuối thế kỷ 20 được khơi mạch chảy tràn về đồng bằng phố thị. Thường Chiếu, Viên Chiếu, Linh Chiếu, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu… ra đời nói lên tâm nguyện của Thầy, mong cho dòng thiền nước Việt sáng mãi, sáng khắp đến không cùng.

Ta-bà là cuộc chơi, Thầy cũng dạo cho vui. Hai mươi năm sau lại lên non Phụng Hoàng. Cánh chim Phụng tung gió một ở đầu non, một cuối ghềnh. Chiều Đà Lạt, sương un khói nhạt, hồ Tuyền Lâm lặng lẽ như gương. Chúng con trở về trước khi nắng tan, bất chợt thấy Thầy đã ngự trên đỉnh non tự bao giờ. Thong dong, tiêu sái.

Trúc Lâm Đà Lạt bây giờ hay Trúc Lâm Yên Tử thuở trước, đầu hay cuối? Thật ra điều này không quan trọng mà quan trọng là hồn Trúc Lâm ở đâu? “Chỉn Bụt là lòng”, vua Nhân Tông đã nói như thế. Bao nhiêu năm qua Thầy dạy chúng con xoay về mình, biết được mình, sống với mình là tự đầy đủ rồi. Vạn sự giai không, buông bỏ hết được mất hơn thua, thương ghét chẳng để lòng, sống thảnh thơi nhẹ nhàng. Thế thôi!

Nơi đây, con không dám viết về Thầy với dòng Thiền Việt Nam của những năm, những tháng đánh dấu một thời. Tại vì con biết ngòi bút của mình không với tới. Con chỉ biết Thầy là Thầy. Có gì lạ có gì quen của Thầy với Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 hay Thầy với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thuở trước, thì Thầy vẫn là Thầy. Tâm thông trí sáng, lòng khoan dung độ lượng, nhậm vận tùy duyên. An vui, thanh thoát.

Giờ đây, chính Thầy cũng không ngờ ở tuổi tám mươi, mình lại chống gậy lên non một lần nữa. Về Yên Tử. Rừng trúc núi thiêng sau 700 năm chợt tỉnh giấc u trầm. Phong lai sơ trúc. Nhạn quá trường không. Bóng thiền tăng lại hiển hiện về. Ra đi hay trở lại? Muôn đời chỉ thế thôi. Con nhớ, hôm cuối cùng được gọi về hầu một bên Tổ, Thiền sư Bảo Sát đã thưa: “Tôn đức đi đến chỗ nào?”. Tổ dùng kệ đáp:

Nhất thiết pháp bất sanh,

Nhất thiết pháp bất diệt.

Nhược năng như thị giải,

Chư Phật thường hiện tiền.

Dịch:

Tất cả pháp chẳng sanh,

Tất cả pháp chẳng diệt.

Nếu hay hiểu như thế,

Chư Phật thường hiện tiền.

- Nào có đến đi gì?

Nói xong, Tổ nằm an nhiên mà tịch như sư tử vương. Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Phật, Ngài đứng lên như mặt trời, nằm xuống tựa trăng sao. Chẳng sanh chẳng diệt, nào có đến đi gì? Trăm năm sau, nghìn năm sau, ánh sáng vằng vặc giữa trời không. Cội xưa lá rụng về.

Xưa Tổ lên núi để rồi xuống núi, về với nhân gian dựng lại chút mộng đời. Nay Thầy ở núi mà chưa bao giờ bỏ chúng con trong vạn nẻo tử sanh. Tại vì, mỗi chúng con là hạt mầm của Thầy, là hoa trái của Tổ. Khu vườn tuy cũng có lúc hoang phế, xanh rêu nhưng con tin hóa thân Người luôn lẩn quất đâu đây chăm chút, tưới tắm, chắt chiu, đợi chờ. Duyên Thầy trò có thể trong một phút tình cờ nhưng lại là muôn thuở.

Thiền tông Việt Nam có được Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Phật giáo Việt Nam có được viên ngọc sáng mang dấu ấn Như Lai. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có được Trần triều Thánh Tổ là dân tộc Việt Nam có được sức đại hùng đại lực chiến thắng giặc ngoại bang và cội gốc tham sân phiền não. Trần triều Thánh Tổ có được Thiền tăng Việt Nam 700 năm trước, 700 năm sau với trí tuệ và từ bi tròn đầy, là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có được mạng mạch cửu trụ trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Và như thế,

Khúc đời dạo qua không còn là chuyện của một người, mà đã trở thành chuyện của trăm người, nghìn người, trăm nghìn người… nối tiếp nhau trao truyền ngọn Tổ đăng đất Việt, sáng mãi trong lòng nhân loại từ nghìn xưa cho đến nghìn sau.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM