TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Cho những khoảng Chân Không

Viết vào thời gian Thầy rời Chân Không về Thường Chiếu.

Rồi tôi cũng về thăm lại Chân Không.

Nhớ chiều hôm xưa, sau khi chuyển xong những viên đá cuối cùng từ Chân Không về Thường Chiếu, tôi đã lặng lẽ trở lên nền thiền đường đổ nát, cung kính cúi đầu trước tất cả những gì ngày hôm qua vẫn còn đó mà bây giờ thoáng chốc đã trở thành tro bụi. Chợt lúc ấy một con chim mỏi cánh vẽ ngang nền trời một làn khói bạc. Mãi đến bây giờ tôi vẫn không quên được cái vùng trời thương mến.

Ngọn núi Tương Kỳ này hơn ba mươi năm về trước, Sư phụ tôi đã dùng đầu gậy thay thế đầu cọ vẽ lên nền sơn trung một từng núi tươi xanh có lá tùng reo, có lan sứ cười. Rồi mái thiền đường, đồi Tự Tại, đường Tiêu Dao, ngõ Thạch Đầu… sương và hương đầy trời lan tỏa. Tu viện vì thế uy nghiêm trong lặng lẽ, đẹp và hiền như màu núi khiêm cung.

Và cái tên Chân Không, ngoài ý nghĩa vượt ngôn từ của nó, Thầy tôi còn gởi gấm vào đó tất cả tâm thành tưởng niệm một Thiền sư nước Việt, suốt đời gắn bó với rừng sâu núi thẳm để tìm lại chính mình.

Thiền sư Chân Không (1045-1100) họ Vương, tục danh Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng, huyện Tiên Du. Lúc mẹ mang thai Sư, cha mộng thấy vị tăng trao cho cây tích trượng. Sau đó sinh ra Sư. Thuở nhỏ, Sư thích ở riêng một mình, xem kinh đọc sách. Năm 15 tuổi Sư đã rất giỏi. Đến 20 tuổi Sư xuất gia dạo khắp các tùng lâm tìm nơi khế hợp.

Sau, Sư dừng trụ ở núi Từ Sơn, tự lấy giới luật giữ mình, suốt 20 năm không hề xuống núi. Tiếng lành đồn xa, vua Lý Nhân Tông cảm đức Sư, nên thường vời vào Đại Nội giảng kinh, vấn đạo. Tuy thế, Sư vẫn giữ được cốt cách đạo phong của một sơn tăng thoát tục. Khi sắp tịch, Sư báo tin và để lại một bài kệ cho tứ chúng:

Diệu bổn hư vô minh tự khoa,

Hòa phong xuy khởi biến Ta-bà.

Nhân nhân tận thức vô vi lạc,

Nhược đắc vô vi thủy thị gia.

Dịch:

Diệu bổn thênh thang rõ tự bày,

Gió hòa thổi dậy khắp Ta-bà.

Người người nhận được vô vi lạc,

Nếu được vô vi mới là nhà.

Đến nửa đêm, Sư lại bảo: “Đạo của ta đã thành, ta giáo hóa đã xong. Vậy ta tùy ý ra đi”. Bèn ngồi kiết già mà tịch, thọ 55 tuổi, được 36 tuổi hạ.

Quả là Chân Không mà Diệu hữu. Công Bộ Thượng Thư Đoàn văn Khâm có làm bài thơ truy điệu Sư rất hay:

Hạnh cao triều dã chấn thanh phong,

Tích trụ như vân mộ tập long.

Nhân vũ hốt kinh băng tuệ đống,

Đạo lâm trường thán yển trinh tòng.

Phần oanh bích thảo thiêm tân tháp,

Thủy trám thanh sơn nhận tạ dung.

Tịch tịch thiền quan thùy cánh khấu,

Kinh qua sầu thính một thiên cung.

Dịch:

Trong triều, ngoài nội kính gia phong,

Chống gậy, đường mây quyện bóng rồng.

Cửa từ chợt hoảng rường cột đổ,

Rừng đạo bùi ngùi cội thông long.

Cỏ biếc quanh mồ thêm tháp mới,

Non xanh nước thắm gởi thân trong.

Vắng vẻ cửa thiền ai đến gõ,

Văng vẳng chuông chiều nát cõi lòng.

(Thiền sư Việt Nam - HT. Thanh Từ)

Chân Không! Nơi đã ấp ủ thiền tăng xưa và nay. Những con người tìm vui với chập chùng ghềnh đá chênh vênh, dẫn lên đỉnh núi trắng mù sương. Thì, thoát một cái, Chân Không đi vào thuở hoang sơ như một lần thị hiện phiêu bồng trong cõi sắc không.

Câu chuyện Chân Không có gì quen thuộc với câu nói của Thiền sư Duy Tín: - Trước 30 năm ta thấy núi sông là núi sông. Khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, ta thấy núi sông không phải là núi sông. Sau 30 năm ta lại thấy núi sông là núi sông. Phải chăng cái vòng sinh, trụ, dị, diệt chính là thiện hữu tri thức của toàn bộ cuộc đời?

Thế thì, Chân Không ơi! Cho Thầy tôi cảm ơn dòng thác vô thường đã trôi chảy không ngừng. Cảm ơn vầng đông ló dạng rực ánh hồng hay trời tây ngã bóng ngập nắng vàng. Để cho sợi nắng lung linh vẻ đẹp khi chuyển mình ngang qua cái nhìn đầu tiên chưa kịp phân ngã sở. Phải chăng thiên nhiên diễn lẽ “hằng” ngay trong lòng sanh diệt và đóa hoa vô thường hé nụ cho điểm nhụy chân thường hiển lộ dưới đáy mắt sơn tăng.

Xuống đến chân núi, tôi vẫn còn ngẩng lên sơn thượng với một tia hy vọng chân thành. Một tia hy vọng mà những ai đã hơn một lần ghé đến Chân Không cũng có ít nhiều mong đợi…

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM