TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Cho một khúc quanh

Viết cho Kỷ yếu 25 năm Thường Chiếu - 1999

Hôm rời Chân Không xuống Thường Chiếu, Thầy không nói một lời. Chư tăng đều im lặng. Trời vẫn còn kéo dài những cơn mưa cuối mùa, xen lẫn vài khoảnh khắc nắng vội. Đôi con mắt của triêu dương như một khóc một cười: - Thầy vẫn còn nhiều duyên nợ với cõi phù sinh lắm. Chẳng làm tăng đầu núi thì làm khách nhàn dạo chơi chốn bụi trần một chuyến cho vui - Chút duyên nợ còn lại, Thầy xuống núi như cơn mưa rào cuối xử, miền cát nắng bỗng đơm bông.

Thường Chiếu ra đời như hiện thân của một khúc quanh, một sự chịu đựng âm thầm, để mà luôn chuyển mình, luôn có mặt bên Thầy với những biến đổi thăng trầm, những gieo neo khốn khó đời thường, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Để thầy trò được gần gũi lặt từng hạt đậu, xới từng mảnh rau, cấy từng bụi lúa, san xẻ từng nỗi vui buồn. Và không biết tự bao giờ, diệu pháp đã lặng lẽ theo những giọt mồ hôi ấm mặn nhỏ xuống nơi này.

Tôi vẫn nhớ.

Hôm đầu tiên đu chiếc xe than ra đây xin tu, tôi đã chưng hửng khi gặp lại Thầy trong bộ đồ núi, tay xách giỏ đệm, chân mang đôi dép mủ. Thường Chiếu un nắng, gió thổi rát da. Thầy ngồi trên chiếc ghế mây mốc thếch dưới bụi tre vàng cạnh cái thất sàn nhỏ. Tất cả đều rất lạ, chỉ có nụ cười vẫn cứ quen. Cái nụ cười ấy - Thầy đâu có biết - tôi đã cọc cạch chiếc xe đạp suốt một thời học trò, chạy qua bao nhiêu ngõ phố, đến bao nhiêu chùa chỉ để theo Thầy, giống y như Phật tử Sàigòn bây giờ. Thính pháp. Văn kinh. Và khóc. Hôm đó, chắc Thầy cũng không nghĩ là tôi sẽ tu được. Tại vì tôi còn bụi lắm.

Vậy mà đã gần hai mươi năm rồi, không biết bao lần đứng ngắm con suối Thường Linh giữa đôi bờ Song Chiếu, tôi gắn bó với quê hương nắng cháy này mà vẫn nghe mát dịu như thường. Thường Chiếu! Cho tôi được trân trọng gọi tên đạo tràng như trân trọng gọi tiếng thời gian, gọi từng nếp tranh cũ, từng phiến lá mục, từng xớ thịt màu da… Mà ở đó có Thầy và các bậc huynh trưởng của tôi đã từng phút trở mình để được hiện sinh, được tái tạo và được sống lại với tên Người - Thường Chiếu.

Thầy đâu có biết,

Hồi còn ở Chân Không, mỗi lần Thầy về huynh đệ cứ như chết khát bỗng được cơn mưa rào. Rồi Thầy đi. Thường Chiếu, Linh Chiếu… lại héo xào canh côi. Tôi cứ phải tự ôn đi ôn lại lời Thầy: - Đất càng khô, cây càng cứng, gian nan chẳng phải làm cho ta khốn đốn khổ sở, mà là trợ giúp cho ta đó thôi (Địa du cố, mộc du kiên, gian nan giả phi khốn ngã dã, nhi trợ ngã giả dã) cho đỡ buồn, cho cứng lên.

Thầy đâu có biết,

Cái hôm Thầy bệnh vì không chịu nổi khí hậu gắt gao ở đây. Thầy cứ thiêm thiếp trên giường, hơi thở ngắt quãng thật yếu. Chốc chốc, thầy Đắc Huyền cứ để tay trước chóp mũi Thầy, rồi thầy Trụ trì (thầy Nhật Quang) lại thắp ba nén nhang thì thầm khấn nguyện trước Phật, quí Sư cô gục đầu cạnh giường, bọn nhỏ tôi thủ phận con gái ở nhà ngoài khóc thút thít. Một lát sau, Thầy thở hắt ra, rồi mở mắt nhìn mọi người cười. Tất cả đều mừng quýnh xúm lại quanh Thầy, Thầy hỏi: - Chuyện gì vậy? Không ai dám nói, chỉ thở phào nhẹ nhõm và… thấy tội nghiệp mình quá đi. Tình Thầy trò, nghĩa Sư đệ cứ thế mà vời vợi thêm sâu.

Thầy xuống núi, Thường Chiếu ngổn ngang tâm trạng. Được Thầy mà mất Chân Không, chẳng biết phải nói làm sao. Chỉ có Thầy vẫn thản nhiên, kim cổ du du lãng không hoa (xưa nay mênh mông sóng không hoa) mà! Nhưng bù lại, từ ngày có Thầy, đạo tràng mới thực sự hồi sinh, thiền quang rợp bóng, Chiếu nào cũng thanh tân. Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 thật sự ra đời. Dưới gậy Tông sư, Tăng Ni đã bật khóc bật cười bởi những niềm vui vỡ bờ trong lần hạnh ngộ đầu tiên với chính mình. Thầy cũng chỉ đợi chờ có bấy nhiêu, vui với bấy nhiêu. Vì tâm nguyện của Thầy khi đặt tên Thường Chiếu là chỉ mong luôn được tự chiếu soi và giúp cho Tăng Ni cùng soi chiếu lại mình. Thế thôi.

Hôm nghe thầy Trụ trì Thường Chiếu ngâm:

… Người vẫn ngồi đây,

Hơi thở bặt từng tiếng vọng,

Tâm tư khô từng nghiệp bóng,

Bàn tay ghì từng đợt sóng,

Nhãn quang quét từng thoáng mộng,

Từng vô minh rơi rụng dưới sân đầy…

Tôi thích quá. Bài thơ này của Trúc Thiên. Tôi biết thi sĩ muốn tán dương Phật. Nhưng nghĩ cũng không quá đáng nếu ta có thể thốt lên lời này khi chính mình được chút mộng an vui! Bởi vì, mỗi chúng sanh đều là một vị Phật sẽ thành kia mà.

Không khí thật yên lành, bỗng đêm Trừ tịch năm 1991, Thầy trao quyền lãnh đạo các Thiền viện lại cho các vị đệ tử lớn, xin làm người “Vô sự”. Thầy Trụ trì Thường Chiếu đã nấc nghẹn: - Bạch Thầy! Chẳng lẽ duyên của chúng con với Thầy chỉ tới đây thôi sao? - Toàn thể đạo tràng hướng về Người đê đầu đảnh lễ, ruột gan chín bùi. Ai cũng khóc, chỉ có Thầy cười. Là tại vì Thầy biết, Thầy vẫn còn nợ với Tăng Ni. Cuối năm ấy Thầy ra thất. Thầy Trụ trì Thường Chiếu lại một lần nữa nghẹn ngào ngâm lời thơ mừng Sư phụ:

Về quê rồi tình nghĩa thiếu chi,

Chỉ luôn thấy nụ cười hé nở.

(Về Quê - HT. Thanh Từ)

Thường Chiếu lại thêm vui.

Thế đó, gốc Chân Không mà thân Thường Chiếu, Thầy đã âm thầm gieo hạt, ươm mầm, tưới tắm. Nào ngờ cội đại thụ đã vươn mình lớn dậy và rồi sau cùng tỏa râm bóng mát trên tận đỉnh mù sương! Tin vui được Trúc Lâm. Rồi Chân Không phục hồi. Nhân duyên hội ngộ thời. Thôi thì tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hào khí của Trần Triều Thái Tổ, cứ mặc tình dệt gấm thêu hoa trên núi Phụng hồ Tuyền. Thường Chiếu và các Chiếu lại có dịp xôn xao. Năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển. Một mình Thầy vừa mẹ vừa cha, sáng đầu non chiều cuối bể. Thấy mà quặn lòng…

Năm nay mưa sớm, phương trượng ướt sũng bên ngoài. Vậy mà Thầy vẫn không chịu vào trong. Thầy bảo ngoài này thoáng hơn. Tôi vói tay định thả tấm sáo xuống, Thầy vội ngăn. Nhưng dù hết sức kín đáo, Thầy vẫn không thể dấu đi chút nhọc nhằn trên nét mặt vẫn cứ tươi:

- Về lại đây, thấy càng thương Thường Chiếu.

Tôi không dám lặp lại lời này hai lần, khi nhìn thấy đôi mắt Thầy đã rủ xuống mệt mỏi lắm rồi. Nhưng tôi hiểu, năm tháng càng chất chồng, núi non càng cách trở, chỉ càng làm cho Thầy không thể quên được Thường Chiếu mà thôi. Bởi vì ở đó - cái khúc ruột quanh co - một phần máu huyết của Thầy vẫn luôn âm thầm có mặt, âm thầm lưu chuyển và âm thầm chảy ngược về non.

Thường Chiếu! Hai mươi lăm năm cũng là ngắn, một phút vẫn là dài. Bởi vì thời gian nơi đây, còn có nghĩa gì đâu…

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM