TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Viếng chùa Đậu

Chùa Đậu tức chùa Pháp Vũ hay chùa Thành Đạo ở làng Đậu, nay thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

Chùa cổ xưa bình dị giữa đồng quê. Con đê. Ráng nước. Lũy tre vàng đong đưa theo từng lọn gió Bắc, hắt vào mái ngói lầu chuông cái giá buốt hanh hao, càng làm tăng thêm nét cổ sái cho ngôi già-lam cùng phong sương tuế nguyệt.

Tôi viếng chùa Đậu trong một chiều vắng. Dĩ nhiên không phải chỉ để chiêm bái một danh lam cổ tự có tên tuổi rồi thôi. Mà vì cái hồn của Pháp Vũ tự còn tồn đọng trong nhục thân của hai vị Thiền sư dòng Vũ Khắc, luôn là tiếng gọi về nguồn trong lòng Tăng Ni Việt Nam.

Vào khoảng thế kỷ thứ 17, Thiền sư Đạo Chân - Vũ Khắc Minh sinh tại xã Gia Phúc, huyện Phúc Khê. Lớn lên, Sư xuất gia và theo học với Hòa thượng Đạo Long ở huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa. Sau Sư về Trụ trì chùa Pháp Vũ, ăn cơm thiền uống nước định, quên cả tháng ngày. Càng già, đạo phong càng sáng. Khoảng năm 60 tuổi, Sư vào ngôi thất nhỏ cạnh chùa tĩnh tọa như thường khi. Không ngờ, đó là lần thiền định hùng dũng nhất đã đưa Sư vượt thoát đôi bờ sanh tử, đi vào một cõi riêng mà nụ cười thanh trên đôi môi rộng vẫn còn tươi mãi với thời gian. Dân làng Đậu thường bảo nhau, đó là nụ cười hạnh phúc.

Thiền sư Đạo Tâm - Vũ Khắc Trường là cháu gọi Sư bằng chú, kế thế Trụ trì chùa Pháp Vũ. Cũng thế, khi sắp tịch Sư vào trong thất vắng, kiết già phu tọa, an nhiên mà hóa. Mãi 300 năm sau, thi thể không hề thối rữa. Tứ chúng quá kính tín để nguyên nhục thân của các Ngài tôn thờ. Sau này, do trận lụt năm Ất Mão, xác thân Sư Khắc Trường bị ngập đến tận đỉnh đầu nên có hư hỏng đôi chút. Dân chúng phục chế lại, vì vậy không còn nguyên vẹn như xưa.

Hai thiền tăng, một lối về!

Những người trong cửa thiền có lúc cũng phải ra đi. Và trong mỗi cách ra đi, các Ngài đều ít nhiều làm rúng động lòng người. Thiền sư Đặng Ẩn Phong lộn ngược mà tịch. Cô Linh Chiếu lém lỉnh đoạt thiền sàng của Bàng Công. Tuệ Trung Thượng sĩ đùa bỡn với sống chết như chơi trò nhắm mở đôi con mắt… Và, đó chỉ là một trong tất cả những gì có được của một năng lực vô song, phát sinh từ công phu tu tập thiền định tinh chuyên của một hành giả đạt đạo giác ngộ giải thoát.

Trong các nỗi sợ hãi của nhân sinh, nỗi sợ hãi lớn nhất có lẽ là lúc nhắm mắt xuôi tay. Thế mà, các Thiền sư vẫn thản nhiên cười chúm chím, tự chọn cho mình một con đường, để lại cho đời một món quà, gọi là chút lưu kỷ cho một lần có mặt. Tuyệt! Sanh tử nhàn nhi dĩ. Tự tại. Phiêu nhiên.

Được đảnh lễ nhục thân của hai Ngài, tôi sung sướng xúc động, khâm phục vô bờ và tự khẳng định niềm tin của chính mình. Trước lúc ra về, Thầy tôi đã ân cần nắm tay vị tăng trẻ ở đây:

- Đất Bắc ngày xưa, cổ đức tu hành đắc đạo rất nhiều. Đó là niềm vui lớn cho Phật giáo Việt Nam. Các Ngài đã sống hết tình và chết cũng hết tình. Nhục thân còn lại của các Ngài chính là bản di huấn quí báu nhất thay cho ngàn vạn lời răn dạy chúng ta. Quí Thầy đủ phúc duyên được tu hành tại chùa Tổ, tôi cầu chúc quí Thầy cũng sẽ đạt được kết quả tốt đẹp như vậy. Được thế, Tổ vui.

Với tôi, dường như đó không chỉ là một lời chúc lành riêng. Người ta vẫn thường bảo tu thiền là vỗ cánh chim bay. Điểu đạo bao giờ cũng khó đi. Thế nhưng đã có những đại bàng tung cánh bay lượn giữa thinh không cao rộng, vẽ nên những đường bay tuyệt vời, vạch hướng đi và nâng cánh cho đồng loại vươn lên.

Ngày mai, tôi trở về phương Nam ngập nắng. Mong sao tôi cũng sẽ được cùng những cánh chim non vút lên, sải dài giữa bầu trời lộng gió…

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM