TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Phiến mây đổi màu

Tiểu Thức xuống rẫy rồi, tiểu Thông cảm thấy lúng túng. Hồi chiều này, Sư phụ sốt nhiều. Đôi mắt Thầy đỏ lừ, nhắm ghiền, làm tiểu Thông sợ quá. Chú hết nhìn Thầy lại chạy xuống bếp, bụng nóng như hơ.

Siêu thuốc cứ kêu lụp bụp lụp bụp. Ánh lửa đeo đét thì thào hắt vào vách lá một vệt sáng lờ mờ, thoạt ẩn thoạt hiện cái bóng nhỏ của chú đổ vào một góc bếp. Tiểu Thông nhìn chằm chằm vào đó. Chiếc vạt tre dần dần hiện ra. Hương thuốc, khói chà, hơi của đêm. Tiểu Thông thèm nằm một chút. Chú lần mò đến bên chiếc vạt, hình như có vật gì trăng trắng trên đó. Tiểu Thông sờ vào thấy mềm mềm, chú cầm lên và một mảnh giấy rơi xuống:

- Tiểu Thông, anh đã vá xong cái áo cho em rồi đó. Em ráng hầu Thầy thay anh. Anh đi đây.

- Anh Thức! - Tiểu Thông xiết chặt cái áo vào lòng, ánh mắt dán chặt vào khoảng không tối đen bất động. Và kỷ niệm cuộn về…

Cái dốc núi dựng đá băng qua khu rừng vắng khó đi. Tiểu Thông xách bình nước. Tiểu Thức quảy gánh củi trên vai, nhìn chừng theo những bước chân Thông. Bất thình lình, “xoạt” một tiếng, tiểu Thông lăn tròn qua mấy cấp đá. Quăng gánh củi, tiểu Thức phóng như bay xuống:

- Em có sao không Thông?

- Em đau quá.

Nhai vội nhúm lá rừng, xé mảnh vải rách trên vai áo, tiểu Thức rịt lại vết thương, rồi cõng Thông lần xuống núi. Ánh trăng bàng bạc dẫn đường. Bóng của hai đứa in lên sườn non hình một cụ già lưng còng, giông giống như Thầy.

Và chính trong cái chái bếp này, anh Thức đã lén đút cho Thông từng muỗng cháo, nhét từng cục kẹo mỗi khi Thông sót ruột đêm. Cái ấm, bình trà, cựa củi, vườn rau, phòng Thầy, điện Phật… đâu đâu cũng có bàn tay của anh Thức. Anh cũng từng len lén gánh gồng luôn cả công việc của Thông mà Sư phụ vẫn không hay. Hôm Sư phụ gọi hai huynh đệ lại bảo:

- Miếng rẫy dưới núi không có người trông coi, Thầy chưa biết tính sao?

Không hiểu vì sao Thông nhanh nhẩu thúc:

- Anh Thức! Hay là anh xuống dưới đó đi.

Chìu Thông, tiểu Thức đã xuống núi…

Để bây giờ Thông cảm thấy hối hận: - “Anh Thức, em nhớ anh quá. Em cần có anh. Giá lúc này có anh, em sẽ không bỏ anh làm việc một mình nữa…”

Siêu thuốc sắp cạn, hai mắt của tiểu Thông cứng đờ, chú từ từ ngã xuống chiếc vạt tre.

***

Đêm phủ đặc dưới chân núi. Cái lều mới dựng cứ chợt tốc lên như muốn vực tiểu Thức dậy. Đêm nay trời lạnh nhiều, bọn cây rừng như ủ rũ hơn, gió cũng trở mình hơn. Rừng về khuya là nơi tụ đọng của bao mối hiểm họa cho kẻ độc hành. Chung quanh Thức, tiếng thổn thức của trùng thú, tiếng ngọn cỏ xác xơ, tiếng khua động, tiếng vọng… rồi cũng có lúc bỗng im bặt mọi thứ tiếng. Rừng lặng xuống như trả về cho thinh không cái hoang tạnh không cùng. Tiểu Thức nghe cồn cào xốn xang trong bụng. Không chần chừ, chú bật dậy lao về phía những tảng đá đen ngòm, lần trở về chùa.

- Tiểu Thông! Tiểu Thông!

- Ai đó?

- Anh đây nè, Thức nè - Tiểu Thông vùi đầu vào lòng anh Thức.

- Sao bữa nay em ngủ ở đây?

Tiểu Thông giật mình:

- Chết rồi! Anh Thức ơi, siêu thuốc của Sư phụ. Em canh siêu thuốc cho Thầy.

Hay tin Sư phụ bệnh, tiểu Thức lên phòng Thầy ngay. Vầng trán hầm hập, đôi môi khô khốc, Thầy cứ mấp máy như muốn nói điều gì. Thật nhẹ và thật nhanh, tiểu Thức bắc một siêu thuốc mới, rồi xắt một chén chanh. Đắp chanh lên trán Thầy xong, tiểu Thức khẽ lật nghiêng mình Sư phụ, lấy củ gừng vừa bứng sau hè, chú gọt vỏ, đánh gió cho Thầy. Còn tiểu Thông thì đã gáy pho pho khi anh Thức vừa nhóm lên bếp lửa hồng.

Mấy hôm sau, Sư phụ đã khỏe nhiều, nhưng tiểu Thức vẫn không dám rời Thầy. Mà không hiểu sao tiểu Thông lại cứ biến mất từ sáng sớm, đến chiều tối mới mò về.

Đêm đó, nằm cạnh nhau, tiểu Thức hỏi nhỏ:

- Mấy hôm nay em đi đâu vậy?

- Thì đi kiếm củi hái rau.

- Thầy bệnh, em không chạy lên chạy xuống với anh cho Thầy vui.

- Thôi! có anh rồi, em xớ rớ chi cho dư.

Sau câu nói của tiểu Thông, bỗng nhiên cả hai đứa cùng im lặng. Ngoài sân, mấy cây liễu rũ buồn thiu. Tiểu Thức nghe nghèn nghẹn trong cổ họng. Tiểu Thông đứng dậy bỏ ra ngoài. Còn lại một mình, tiểu Thức nhìn sửng lên trần nhà. Vẫn những thân quen còn lộ hiện ra đó. Căn phòng của hai đứa từ thuở còn bé, những nếp tranh cũ mục vẫn nép sát vào nhau, che chắn nắng mưa cho hai anh em lớn lên. Ngăn sách, kệ kinh, giá áo bằng khúc tre già lượm được trên đỉnh non, do hai đứa hì hục bên nhau đóng mấy ngày trời… Bất chợt Thức gọi tên em: Tiểu Thông!

Sáng ra, tiểu Thông vừa nhỏm dậy, bỗng thấy một mảnh giấy nhỏ trên đầu giường: “Thông ơi! Sư phụ khỏe rồi. Anh xuống rẫy nha. Em nhớ chăm nôm Thầy. Anh, tiểu Thức”.

Đọc xong, tiểu Thông bồi hồi chạy vào phòng Sư phụ. Hơi thở của Thầy vẫn còn hòa quyện trong giấc ngủ, đều đặn an lành. Chú thở phào nhẹ nhõm.

***

Ngày nắng. Đêm sương. Miếng rẫy trơ vơ chiếc chòi tranh về khuya càng quạnh hiu với ngọn nến leo loét sắp cạn tim. Nhưng đâu đây, khói hương mềm mại vẫn âm thầm len lỏi bay về núi.

Sau thời tĩnh tọa, tiểu Thức định bước ra ngoài đi kinh hành. Vừa quay ra, chợt chú thấy một bóng dáng gầy nhỏ đã đứng đó tự bao giờ. Mở to mắt nhìn kỹ, tiểu Thức bỗng nấc lên:

- Sư phụ!

- Tiểu Thức.

- Sư phụ, đêm khuya Thầy đi đâu vậy?

- Thầy xuống thăm con.

Không còn ranh giới nào của ngoại nghi, chỉ có cảm xúc trực giác tận mạch nguồn. Tiểu Thức quỵ xuống ôm chầm lấy Sư phụ, mặc tình cho hai hàng nước mắt ướt đẫm trên đầu gối Thầy. Sư phụ vuốt đầu chú khẽ nói:

- Tình thương và đức nhẫn chịu của con sẽ cảm hóa được em Thông.

Trên không, ánh sáng sao trời lấp lánh trong hơi sương như một rừng châu báu. Và lặng lẽ một phiến mây trôi qua chợt đổi màu, rồi tan loãng vào rừng sao trước khi trời hừng sáng. Giờ này, ngay đây một cảm giác ngọt ngào hạnh phúc từ dòng tâm Sư phụ tuôn chảy vào lòng tiểu Thức rồi đổ về quá khứ, vị lai, mênh mông…

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM