TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Thầy với những phút “đâu ngờ”

Viết cho Kỷ yếu 5 năm Trúc Lâm - 1999

Thầy dừng chân ngắm cảnh hồ Tuyền Lâm. Bóng Thầy in trên làn nước biếc.

Thủy để hữu thiên xuân mạc mạc,

Nhân gian vô lộ nguyệt mang mang.

                                                            (Tào Đường)

Dịch:

Đáy nước có trời xuân thăm thẳm,

Cõi trời không lối nguyệt mênh mang.

Phụng Hoàng hay Yên Tử sơn, mà chiều nay vẫn lạnh và yên như thuở ngàn năm trước? Hồi đó, đường lên Yên Tử trơn nên Trần Triều Thái Tổ, Điều Ngự Giác Hoàng đã trèo lên lại phải lội xuống, để trả cho hết kiếp nợ quân vương trước khi làm khách nhàn đầu núi.

Còn Phụng Hoàng sơn bây giờ… Thầy đã nhiều năm trăn trở hay một thoáng đâu ngờ mà tất cả được hiện thành? Có lẽ cả hai. Thầy vẫn thường hay nói: “Cuộc đời không thiếu những khúc quanh bất chợt. Và chính những khúc quanh bất chợt lại làm thành một cuộc đời mới”.

Tôi nhớ Thầy kể, năm còn ở Rạch Tra, nhỏ xíu mà Thầy đã thích ngồi thiền. Chiều chiều Thầy vẫn thường ra đồng trống ngồi tư lự, làm cho mẹ Thầy phải phát sợ. Thiệt tình, lớn lên, Thầy đã neo chiếc thuyền gắn bó suốt một thời thiếu niên bên bờ sông Hậu, giã từ con nước ngược xuôi, theo Sư Ông về chùa làm tăng. Rồi đi giảng, đi dạy, quần quật mọi việc để cuối cùng cơn bệnh phổi khắc nghiệt đã vật Thầy ngã gục trong nỗi buồn đau điếng. Bế tắc, cùng đường, đã đưa Thầy đi đến quyết định mới mà thật ra Thầy đã ôm ấp từ lâu - Phải tu thiền - Thế là một lần nữa, Thầy lại vẫy tay lên đường.

Phương Bối am, Thiền Duyệt thất… Và, trong một phút ngưng thần, cõi sắc không bùng vỡ, để rồi sau đó dưới gậy Tổ sư, Thầy nhận ra một cõi chân như diệu diệu huyền huyền. Tất cả đều “đâu ngờ”. Rồi cũng chính vì đâu ngờ, mà Thầy dời Chân Không về Thường Chiếu, để bây giờ đâu ngờ cánh Phụng Hoàng lại đậu trên đỉnh mù sương! Thì đó, trong một cõi khói mây bãng lãng, Trúc Lâm - Đà Lạt hay Trúc Lâm - Yên Tử như ẩn như hiện giữa dòng đời đổi đổi thay thay. Có gì còn có gì mất? Có gì xa có gì gần giữa một Trần Thái Tông với một Trần Nhân Tông; giữa một Trần Nhân Tông với một Trần thiền tăng non bảy thế kỷ sau? Tôi không dám nói. Là vì, có những cuộc đời trước cuộc đời sau nối nhau bởi những khúc quanh vô tâm hay hữu ý, ai mà biết được?

Cách đây non chục năm, cũng một chiều như vầy nhưng mà là ở bên cầu Song Chiếu, lúc Thầy vừa rời Chân Không về Thường Chiếu. Thầy đã lặng lẽ đứng nhìn con suối Thường Linh. Dòng nước nhỏ nhắn thì thầm nhưng tuôn chảy không ngừng. Giọt nước sau nối tiếp giọt nước trước thành dòng. Bất chợt Thầy nói: “Cuộc đời chúng ta cũng giống như dòng nước, trôi chảy luân lưu hoài, không có gì cố định. Có ai biết được ngày mai mình sẽ ra sao, đi về phương nào? Thầy nghĩ, biết đâu chừng mai kia Thầy lại sẽ trở về núi, vui với gió đùa với mây, “ăn rau đắng, cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi” như ngài Phù Vân. Thì đó, bây giờ… Đẹp và lạ thường thay là những khúc quanh bất ngờ!

Nhưng vẫn còn một điều, tôi mãi nhớ:

- Hoài bão của Thầy đều gởi gấm hết vào sự nỗ lực của tụi con. Tăng Ni tu có niềm vui, sáng được việc lớn; đó là biết thương tưởng đến Thầy. Bằng ngược lại, thì thật là Thầy chưa đủ phước để được vui trước khi nhắm mắt. Bởi vì, nguyện vọng khôi phục lại Thiền tông Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử đời Trần của Thầy chưa thành tựu.

Thầy xoay đầu gậy, bước trở về. Tiếng gậy động gõ trên nền bất động, đã đang và sẽ vỡ ra trong lòng thiền tăng thành những âm vọng dậy trời: A! Rồi. Đây, suối lệ, trận cười; bừng bừng sống dậy nối nhau chấn động trên mảnh đất thiêng mang hồn Yên Tử. Vâng, thưa Thầy con hiểu và xin hứa, nguồn vui duy nhất trong cuộc đời còn lại của Thầy sẽ là những phút “đâu ngờ” của tụi con.

Trúc Lâm khép lại sau làn sương rắc bạc. Chiếc bóng Thầy vẫn chênh chếch trên đầu non như một nét chấm phá sau cùng điểm trên nền trời muộn, nhưng vẫn rất rõ như chính vầng trăng xưa đã treo lên đầu núi một bóng dáng thuở nào:

Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự,

Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.

                                                  (Trần Thánh Tông)

Trăng vô sự,

Chiếu soi người vô sự.

Nước làn thu,

Chứa cả một trời thu.

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM