TIẾU DÃ KHÔNG TẬP

HẠNH CHIẾU

Về thăm non Yên

Yên Tử - Linh hồn của tăng sĩ Trần triều ngót 700 năm về trước và là mạch nguồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mãi về sau. Ước mơ lớn nhất của tôi trong chuyến Bắc du này là về thăm non Yên.

Suối Giải Oan, hòn Ngọc, đường Tùng, vườn tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên… tất cả  đều như thở cùng một hơi thở non Yên, sống cùng mạch sống trào tuôn của Điều Ngự Giác Hoàng. Trên kia nào là am Thiền Định, thác Ngự Dội, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, cổng Trời, chùa Đồng… đều như phảng phất bóng hình của Trúc Lâm Đại sĩ. Dường như Ngài đã thu cái kỳ vĩ non thiêng về trong một niệm, để từ một niệm phóng ra hằng sa diệu dụng làm cho Yên Tử sống mãi từ ngàn xưa đến ngàn sau.

Nhắc đến Điều Ngự Giác Hoàng là nhắc đến vua Trần Thánh Tông. Nhắc đến vua Trần Thánh Tông là nhắc đến vua Trần Thái Tông, vị chúa tể Trần triều với tất cả cuộc đời và sự giác ngộ giải thoát của Ngài. Tôi không sao quên được những đêm say sưa bên ánh đèn dầu leo lét của những ngày mới vào viện, khóc theo cái khóc của vương, khổ theo cái khổ của vương. Và thật lo lắng trong cái đêm vương bỏ ngai vàng, trốn lên Yên Tử.

Phải chăng vì những áng mây vần vũ lượn lờ quanh đỉnh cô liêu, sớm chiều réo rắc tiếng oanh ca vượn hót đã khiến cho vương xin được mặc áo phong sương, gối đầu trên tán mây đại pháp, lấy mai làm tri kỷ, lấy hạc làm tri âm…? Hay là dường như khi đối diện với tạo vật và tự ngắm vào lòng mình, vị chúa tể Trần triều lúc bấy giờ như cảm thấy bất an trước một cái gì đó không thể nắm bắt, không thể làm chủ và chế ngự. Để vương cảm thấy đây là chỗ bắt đầu cho những biến động riêng tư và khổ tâm trong quyền lực, cố nhiên là chỉ đối với vương thôi. Và cái đáng quý nhất đối với vương là cuối cùng vương đã bật dậy, tháo tung mọi xích xiềng ràng buộc của trần duyên. Trần Thái Tông đã phát hiện ra tất cả những thứ mặn nồng chua chát của cuộc đời đã làm thành cho mình cái hương vị tuyệt vời, đưa vương đi vào cõi Không môn, mà vẫn an nhiên ngự trên ngai vàng, rống tiếng đại pháp và để lại cho đời một vì sao rực sáng Trần Nhân Tông.

Vua Trần Nhân Tông - Sơ tổ Trúc Lâm Yên Tử - Ngài chưa bao giờ mất đi. Ngài chỉ thị hiện đến rồi đi trên ngôi cửu trùng như mây nổi, đạm bạc chốn hang sâu non vắng, lăn lóc trong cát bụi tử sinh để mở ra một con đường, vạch một lối đi cho Thiền tăng Việt Nam. Tôi trở về đây dự cảm như Tổ sư vẫn lẫn quất giữa rừng thiền mênh mông. Khi chơi nước biếc, lúc ẩn non xanh. Ngày thì “ăn rau ăn trái, vận giấy vận sồi”. Đêm về “chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng” (Xuân vãn). Hồn thơ của Ngài vẫn ngàn năm:

Nửa gian lều quí nửa thiên cung,

Ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.

                     (Cư trần lạc đạo - Trần Nhân Tông)

Rồi từ đó, một cõi nhân gian, một góc trời Nam không nơi nào vắng thiếu bóng Ngài, vắng thiếu dấu chân Ngài. Về già, Ngài vẫn sáng ở đỉnh mây, chiều dạo nhân gian, nhồi non xanh nước biếc với làng mạc cung son thành một mảnh trong từ tâm vô lượng. Để 700 năm sau và còn hơn thế nữa, ai có về Yên Tử dường như cũng được Tổ dẫn bước dạo chơi khắp nội cỏ mây ngàn. Sung sướng và xúc động, tôi quỳ xuống dưới chân tháp Tổ sư:

Ngưỡng bạch Tổ,

Con, đứa con đứa cháu lạc bước đã bao năm, nay quỳ dưới chân tháp Tổ sư, dâng nén tâm hương, tưởng niệm đến Tổ. Cúi mong Tổ xót thương, con nương từ lực Tổ gắng gổ tiến tu, gắng gổ đi theo con đường Tổ đã đi. Xin Tổ chứng tri cho.

                                                                        Kính lễ Tổ.

Khói trầm hương mềm mại vẫn âm thầm len lỏi theo những kẽ hở của chiếc đỉnh đồng tỏa hương ngào ngạt… Rời tháp Tổ, leo lên con dốc đứng tới Hoa Yên tự - chiếc nôi của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nơi Tổ sư và chư Tổ Trần triều tu hành, hoằng dương chánh pháp - Là nhà tu, đứng trước khung cảnh này, dường như ai cũng rung động, trong một chút hoài cổ nhân có một chút gì đó bình an tận cõi lòng.

Đất vắng đài thêm cổ,

Ngày qua xuân chửa nồng.

Gần xa mây núi ngất,

Nắng rợp ngõ hoa thông.

Muôn việc nước trôi nước.

Trăm năm lòng nhủ lòng,

Tựa lan, nâng ống sáo,

Đầy ngực ánh trăng lồng.

 

Địa tịch đài du cổ,

Thời lai thu vị thâm.

Vân sơn tương viễn cận,

Hoa kình báo tình âm.

Vạn sự thủy lưu thủy,

Bách niên tâm ngữ tâm.

Ỷ lan hoành ngọc địch,

Minh nguyệt mãn hung khâm.

              (Thơ Trần Nhân Tông - Ngô Tất Tố dịch) 

Càng về chiều Yên Tử càng chìm trong sương pha tuyết phủ, thiền phong càng lẫm lẫm ngất non xanh. Tôi phải xuống núi mà nghe như ước mơ chưa thỏa. Xuống đến chân núi, tôi đưa mắt nhìn lên sơn thượng một lần cuối như muốn thu trọn non nước Yên Tử vào lòng trong sát na này, rồi chấp tay nghiêng mình mang theo lời di huấn của Tổ sư:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

                     (Cư trần lạc đạo - Trần Nhân Tông).

]

 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM