PHẦN V: TRÍCH GIẢNG THIỀN SỬ
1. Được
danh và được thể
Có vị Thiền khách hỏi Thiền Sư Tánh Không:
-Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?
Tánh Không đáp:
-Như có người bị té dưới giếng sâu ngàn trượng, không có một tất dây, đợi
chừng nào người ấy lên sẽ đáp ông.
Ngưỡng Sơn Huệ Tịch nghe nói vậy thắc mắc đem hỏi Ngài Đam Nguyên:
-Người ở dưới giếng làm sau lên được?
Đam Nguyên quở:
-Kẻ si! Ai ở dưới giếng?
Sau đến Qui Sơn, Huệ Tịch lại đem câu ấy hỏi:
- Người ở dưới giếng làm sau lên được?
Qui Sơn liền gọi:
-Huệ Tịch!
Huệ Tịch đáp:
-Dạ !
Qui Sơn liền bảo:
-Ra rồi! Ra rồi!
Ngay đó Huệ Tịch liền ngộ. Ngài nói:
-Tôi ở chỗ Đam Nguyên được danh, ở chỗ Qui Sơn được thể.
Bình:
Vì sao Ngài
nói ở chỗ Đam Nguyên được danh? Vì sao ở chỗ Qui Sơn được thể?
Bởi Ngài
Ngưỡng Sơn cứ đinh ninh rằng, có người ở dưới lên, ngờ đâu bị gạt một cách
đáng thương. Thấy vậy Ngài Đam Nguyên bèn phá gỡ cho, liền bảo: - Kẻ si!
Ai ở dưới giếng? Huệ Tịch liền nhận ra lỗi trước, tuy nhiên chỉ mới nhận
ra cái lý không người dưới giếng mà chưa thật thấy chính mình. Đến Qui Sơn
gọi: Huệ Tịch. Đáp: Dạ! Bảo: Ra rồi! Ra rồi! Là chỉ rõ cái thể hiện tiền.
Huệ Tịch ngay đó vỡ lẽ: chính mình vậy.
2. Trâu đã thuần chưa?
Một hôm Tề An Công đến hỏi đạo Ngài Bạch Vân Nghĩa Đoan. Bạch Vân hỏi:
-Trâu đã thuần chưa?
Công thưa:
-Đã thuần, đã thuần.
Bạch Vân bèn mắng cho một trận. Công mặt đỗi sắc, đang ngồi bèn đứng dậy
khoanh tay. Bạch Vân hỏi:
-Thuần chưa?
Công im lặng.
Bạch Vân liền nói:
-Trâu ở trong núi đủ nước đủ cỏ, trâu ra khỏi núi chạm Đông chạm Tây.
Bình:
Người tu ví
như người chăn trâu giữ gìn chớ cho ăn lúa mạ người. Lúc đầu nó còn hung
hăng, sau lần lần thuần thục. Khi thuần buông roi buông dây không phải
chăn giữ mà nó vẫn không phạm lúa người. Người giữ tâm mình đúng mức thì
không bị thinh sắc (cảnh) làm chuyển lay. Để trắc nghiệm trình độ, Thiền
Sư đã hỏi người:
-Trâu đã
thuần chưa?
Tức tâm ông
đã yên chưa?
Ở đây Công
thưa: Đã thuần, đã thuần (tâm tôi đã yên rồi).
Ngay đó
Thiền Sư bèn mắng cho một trận. Đây là để nghiệm xem Công đã thiệt chưa,
tâm đã thực yên chưa? Tiếc thay Công chưa được yên thật sự, nên mặt mày
biến sắc, trong lòng có vẻ không vui.
Bạch Vân gạn
lại: Thuần chưa?
Hỏi như vậy
để đánh thức thực trạng trong tâm người. Nhưng Công lại cố chấp, khoanh
tay im lặng. Ngài tiếp: Trâu ở núi đủ nước, đủ cỏ. Trâu ra khỏi núi chạm
Đông chạm Tây.
Khi tâm
không duyên thì yên. Có duyên đến thì bị động, mất đi cái an ổn, mà sân
hận nổi dậy. Khác nào trâu ra khỏi chuồng thì báng bổ quật Đông quật Tây.
Việc huân tu
như vậy là chưa được thuần. Khi không duyên thì ngỡ mình đã thuần. Khi
duyên đến, chạm duyên mới hay mình chưa.
Người tu, tu
không chỉ ở trong yên, mà phải ở ngay trong cái động mà vẫn yên, thế mới
là thực.
Công khi
không có bị mắng thì thì ngỡ mình là yên. Khi bị mắng thì nổi sân hết yên.
Đây là chưa thật. Phải khi không có mắng, khi có mắng mà vẫn yên thì cái
yên đó mới là thực.
3. Hái dưa cho người không
vào vườn ăn
Thiền Sư Thanh Phẩu ở nơi hội Ngài Đại Dương. Một hôm Sư đang trồng dưa,
Đại Dương vào vườn hỏi:
-Dưa đã chín chưa?
Sư thưa:
-Dưa đã chín.
Đại Dương bảo:
-Lựa một trái hái ăn chơi.
Sư thưa:
- Hái cho người nào ăn?
Đại Dương bảo:
-Hái cho người không vào vườn ăn.
Sư thưa:
-Chưa biết người không vào vườn có ăn không?
Đại Dương hỏi:
-Ông có biết y chưa?
Sư thưa:
-Tuy nhiên không biết mà đâu được chẳng cho.
Bình:
Đã có người
hỏi xin mà chủ vườn lại hỏi: Hái cho người nào ăn?
Người chủ
vườn muốn gì? Ông trả treo khó dễ. Muốn người xác định cái kẻ “biết ăn”,
kẻ ấy là ai?
Tại sao
đương sự sờ sờ ra đấy mà hỏi quái như vậy?
Tuy vậy
không thể trả lời rằng:
-Hái cho tôi
ăn.
Nói như vậy
có được không?
Người xin
xác nhận như vậy là đã lầm, mắc bẩy kẻ trồng dưa rồi!
Đại Dương
không thế, Ngài là người “lái buôn” sành sỏi, chỉ có lừa người, nào ai lừa
được. Đâu dễ nửa câu lại bị mắc hợm! Đã là kẻ “lái “ chuyên nghiệp nên trả
giá đúng mức để thủ lợi, phải nắm chắc việc ấy trong tay. Ngài quật ngược
lại người, đoạt cơ chủ rẫy: - Hái cho người không vào vườn ăn.
Một câu trả
lời ma quái, hư ảo! Người vào vườn xin dưa cho kẻ “không vào” ăn. Một
chuyện lật lọng ngược lại chủ vườn trả treo. Đã vào, mở miệng xin, sao
lại để cho kẻ khác? Ngài mắc cở chăng? Không dám nhận kẻ ấy là mình? Không
tự cho mình là kẻ ăn, lại đổ thừa kẻ khác!
“Kẻ không
vào vườn” ấy là ai? Là kẻ nào? Có ai thấy hắn đâu! Có chăng cũng chỉ là
bóng ma.
Nhưng đã là
một bậc đại nhân, Ngài Đại Dương đâu thể chối quanh, nói vô nghĩa như thế.
Ngài nói một
cách xác thật đó. Đã giới thiệu một khách quí với chủ vườn. Người đó là kẻ
sành sỏi biết thưởng thức hương vị dưa ngon. Kẻ đó đáng được cho ăn. Người
đó là “người không vào vườn”.
Nếu là kẻ
khác, không phải Thanh Phẩu, người chủ vườn này, thì sẽ nhìn quanh quất
kiếm người không vào vườn ấy là ai? Nhưng kẻ chủ vườn này không làm cái
việc phí công vô ích ấy. Không bị lời lẽ ma mị của “ông già” lừa. Mà trái
lại, còn làm khó dễ hỏi đon ren, không muốn hái dưa cho nữa là khác.
-Chưa biết
người không vào vườn có ăn không?
Một lối hỏi
để giữ dưa, không muốn mất một quả. Người chủ vườn thật lợi hại, dù là tay
đại bịp cũng khó mà qua. Lời nói ấy chứng tỏ người chủ dưa đã biết rõ con
người “không vào vườn” kia. Lời nói ấy đã chặn trái dưa trước mắt Đại
Dương. Người chủ vườn quả thật là kẻ đáo để. Kẻ “bỏn xẻn”.
Nhưng Đại
Dương là một ông lái tài giỏi, đâu để mất món hàng xét ra lợi nhuận rất
cao. Ngài lật ngang lời người, hất chân kẻ chặn:
-Ông có biết
y chưa?
Đây là lời
quyết liệt, lời đoạt dưa. Lời này thật lợi hại, nếu không phải là Đại
Dương, kẻ lái buôn chuyên nghiệp thì khó lòng, chỉ ngó dưa mà trừ, hối
tiếc.
Đại Dương,
một lời đã buộc người dâng hoa quả. Một xảo thuật “kiếm ăn” thật tài tình.
Lời ấy đã đưa chủ vườn vào thế phải chấp nhận. Và chủ dưa đã hoan hỷ không
còn trả treo nữa, mà nhất tâm tùy hỷ cúng dường lên con người “không vào
vườn” ấy. Chủ dưa đã kính cẩn:
-Tuy nhiên
không biết mà đâu được chẳng cho.
Người chủ
vườn thật là hiếu khách, một kẻ thạo việc trồng trọt, lại thạo của thạo
người. Một chủ vườn giữ dưa trọn vẹn, dâng dưa mà không mất một trái.
“Người không
vào vườn” ấy là ai?
4. Có mắt không mắt
Một hôm Thiền Sư Nguyệt Am đến chơi Phong Nguyệt Đình thấy có đề bài thi:
Phong lai tùng đảnh thanh nan lập
Nguyệt đáo ba tâm đoạn dục trầm
Hội đắc phong tùng nguyên ngoại vật
Thủy tri giang nguyệt tự ngô tâm.
Đọc xong Sư liền nói:
-Ai làm bài thơ này là kẻ mù.
Bình:
Đây chỉ cần
sửa hai chữ thôi tức được sáng mắt, mỗi người tự sửa xem?
5. Cái đánh không can dự
gì đến việc kia
Ngài Minh Đạo Giả ở chùa Khai Phước đến tham vấn với Ngũ Tổ Pháp Diễn. Ngũ
Tổ thấy Sư tính tình điềm đạm, thông minh, phong cách đặc biệt, thường
khen ngợi hạnh Sư trước chúng. Vì thế, trong chúng có một số người đố kỵ,
muốn làm nhục Sư cho bỏ ghét. Một hôm nọ rủ Sư đi dạo núi, rồi hè nhau
đánh Sư một trận thương tích đầy mình. Về chùa, Sư nằm liệt luôn mấy hôm
không đi thọ trai được. Sau Ngũ Tổ hỏi ra mới hay cớ sự, bèn đến thăm Sư.
Ngũ Tổ bảo:
-Ông bị bọn vô lễ làm hỗn như thế sao không mách với lão Tăng để lão Tăng
đuổi họ đi.
Sư thưa:
-Con bị đánh thương tích thì con chịu, không can dự gì đến việc kia.
Tổ bảo:
-Sức nhẫn nhục của ông còn hơn lão Tăng, về sau không ai làm gì ông nổi.
Bình:
Tuy là chốn
đạo tràng, nhưng người tiểu tâm đâu phải không có. Ở đạo tràng Hoàng Mai,
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn khi trao y bát cho Lục Tổ, khiến Ngài Huệ Năng thiếu
điều mất mạng nay đến đạo tràng Ngũ Tổ Pháp Diễn, chỉ vì Ngài Pháp Diễn
đặc biệt chú ý đến người, khiến người bị kẻ xấu ác đánh đập tàn nhẫn. Việc
đời là vậy. Trong tập thể thì có kẻ xấu người tốt là lẽ đương nhiên, như
bàn tay có năm ngón, ngón dài, ngón ngắn không đều; việc ấy không phải
nói. Chỉ nói đến người thọ nạn.
Ngài Minh
Đạo Giả đã bị kẻ xấu hành hung. Ngài có thân thế lớn (Hòa Thượng Pháp
Diễn) thế mà không dựa vào để trả hận, ngược lại Ngài còn lặng lẽ không rỉ
hơi. Bị đánh đau, liệt bại thì chịu, không kêu than, không thống trách
tính toán trả hận. Một việc làm như vậy, có phải vì Ngài sợ bọn kia hăm
dọa sẽ hạ sát khi Ngài thưa ra không?
Không! Chắc
chắn là không. Ngài có thế lực lớn mà. Ngài một bề im lặng chịu đựng chỉ
vì một dạ sống vì Phật pháp.
– Lấy ân báo
oán?
– Tình
thương xóa bỏ hận thù?
– Tứ đại giả
hợp?
– Ngũ uẩn
giai không v.v…?
Nhưng Ngài
không phải vì những thứ ấy mà nhẫn chịu, để trở thành con người cao
thượng, một con người có dạ từ bi, mà Ngài đã thể nhận sâu sắc lẽ nhiệm
mầu: “Không can dự đến việc kia!”.
“Việc kia”
chính là pháp mầu rứt Ngài ra khỏi vòng ân oán, mà có được sự nhẫn chịu
phi thường để Ngài trở thành một kẻ có tâm hồn cao thượng, một kẻ biết đem
tình thương xóa bỏ hận thù, một con người từ bi đại độ.
“Việc kia”
là việc gì? Ấy là việc không là ngũ uẩn, không ngoài ngũ uẩn. Là việc mà ở
trong đó không một quả đấm nào có thể đấm được.
Có thế Ngũ
Tổ Pháp Diễn mới tán thán:
-Sức nhẫn
nhục của Ông còn hơn lão Tăng, về sao không ai làm gì ông nổi!
6. Một chiếc áo rách nát
Ngài Tuyết Đường lúc ở trong chúng ngộ đạo, Sư chỉ mặc duy nhất có một
chiếc áo từ đông sang hạ trải qua nhiều năm nên rận đầy cả áo mà Sư không
nỡ bắt. Trong chúng có người chán ghét cái hạnh nuôi rận của Sư.
Sư có ông thân làm quan, khi ấy đổi đến gần chỗ Sư đang ở. Một hôm, Sư đến
thăm cha mẹ, nhưng lính gác thấy Sư ăn mặc dơ rách quá nên không cho vào
cổng. Sư bèn cởi chiếc áo đưa cho lính nhờ đem vào trình quan. Bà mẹ nhìn
biết áo của con bèn cho gọi vào. Thấy áo rách quá và đầy rận bà mẹ đem dẹp
và đổi áo khác cho Sư. Sư khóc nói:
-Là quyến thuộc ở cùng tôi đã lâu, nay chia tay lẽ đâu lại chẳng buồn.
Khi ấy bà con quyến thuộc hay tin Sư về mới hẹn hôm sau cùng đến thăm Sư.
Đêm ấy, Sư lẽn trốn đi và để lại một bài kệ:
Mạc hiềm tâm tợ thiết
Tự kỷ thượng vi oan
Tảo tận môn tiền tuyết
Phương khai hỏa lý liên
Vạn ban hưu cách vấn
Nhất đẳng thị vong duyên
Cá sự tương ưng xứ
Kim Cang chủng hiện tiền.
Dịch:
Chớ trách tâm như sắt
Chính mình còn chẳng ưa
Quét sạch tuyết trước cửa
Mới nở lò sen hồng.
Muôn việc thôi chớ hỏi
Bậc nhất là quên duyên
Việc này chỗ thích hợp
Giống Kim Cang hiện tiền.
Bình:
Khi người
ngộ đạo, thấu lẽ Chơn không, mọi việc quanh thân đều được xem nhẹ. Ăn mặc
cơm áo đã trở thành phụ thuộc. Có gì phải nghĩ tới. Một cái áo chân thật
mặc hoài không cũ, trùm hoài không rách, mang hoài không hư hoại nhầu nát.
Tung ra thì khắp sum la vạn tượng, thâu lại chừng mẩy lông đầu sợi tóc. Có
gì làm nhơ nó? Bất cấu bất tịnh. Có gì làm thay đổi? Bất tăng bất giảm. Có
gì làm suy suyễn? Bất sinh bất diệt.
Chiếc áo như
vâỵ đã khoác lên mình Sơn Tăng, thì còn chiếc áo nào đáng giá hơn nữa. Vì
vậy việc áo xống chỉ là sở thuộc của Sơn Tăng. Sơn Tăng đã dùng nó, làm
chủ nó. Chứ nó không còn làm chủ, sai khiến Sơn Tăng nữa. Mặc và mặc mãi,
mặc đến khi nào không mặc được nữa thì quăng, khỏi chăm sóc không luyến
tiếc.
Để nói lên
việc làm chủ sự ăn mặc khi thấy mình có chiếc áo bằng trân bảo lộng lẫy.
Ngài Tuyết Đường đã mặc hoài một chiếc áo suốt bao năm. Việc ấy đã làm
ngứa mắt người có cái nhìn chỉ biết trên cái ăn cái mặc. Đáng tiếc thay
cho người! Người trong tùng lâm còn như vậy, huống là kẻ thế tục không
hiểu đạo lý gì!
Từ một chiếc
áo như vậy, đã hóa hiện biết bao chúng sanh. Loại rận mặc tình nẩy nở. Dù
có bị cắn rứt mà Ngài vẫn xem như bạn. Mỗi cắn rứt ngoài da thịt có là
bao. Ngại rằng nỗi cắn rứt trong tim trong não kia. Ngài không có nỗi cắn
rứt trong tim não thì coi việc cắn rứt trên da thịt có nghĩa gì. Nó hút
máu Ngài là hút dòng máu cam lồ. Với dòng máu ấy chúng sẽ “tu” theo Ngài,
sẽ là con cái Ngài. Cũng như con cái nút sữa mẹ vậy.
Vì vậy, khi
các “lũ con” của Ngài bắt buộc phải xa lìa Ngài bởi bàn tay người mẹ thì
Ngài không làm sao mà không xót xa được.
Sự thể hiện
đời sống đạo của Ngài tuy cục bộ, nhưng rất gần gũi và xác thật với sinh
hoạt thường nhật của cuộc sống.
Con người
mãi bận rộn, cũng chỉ vì duyên. Duyên mà không dứt chỉ phí công tu. Người
muốn rảnh rang thanh sạch phải lo quét dọn tuyết ngõ nhà mình. Duyên duyên
phải cắt đứt. Ấy là yếu chỉ: Vạn duyên buông hết.
Duyên trong
duyên ngoài đều bặt dứt, đây là chỗ giống Kim Cang nẩy nở.
7. Thành cái gì?
Vua Hiến Tông nhà Tống hỏi Thiền sư Phật Chiếu:
-Đức Thế Tôn vào núi Tuyết, sau thành đạo, hỏi thành cái gì?
Phật Chiếu đáp:
-Dám hỏi bệ hạ đã quên.
Vua rất hài lòng.
-Vua Hiến Tông đã từng hỏi câu này với nhiều vị Thiền Sư khác, nhưng câu
đáp không được vua hài lòng lắm).
Bình:
Đức Thế Tôn
thành đạo là thành cái gì? Đây là một vấn đề trọng đại. Vua Hiến Tông đã
từng hỏi câu này với nhiều Thiền Sư. Thành cái gì? Đã bao người học đạo
thắc mắc đều này. Người ta nói “thành” tức chứng Bồ Đề đạt cõi Niết Bàn.
Nhưng ở đây Ngài Phật Chiếu trả lời đơn giản:
-Dám bảo bệ
hạ đã quên.
“Có” mà
không nhớ ra, tức đã “quên”.
Ngài Phật
Chiếu rất khéo, vua hỏi việc Phật mà Ngài từ Phật xoay lại vua, vì vua mà
chỉ thẳng. Khác nào Đạt Ma Tổ Sư vì vua Lương mà chỉ cho. Ngài đã mạnh dạn
nói: Bệ hạ đã quên.
“Quên” cái
gì?
-Quên cái đã
có.
Ở vị Bệ hạ
“có” cái gì?
-Có cái mà
nhà vua đã quên.
Cái “có” là
cái quí giá tột bực ở một ông vua, ở một người. Nhưng rất tiếc ở nhà vua
và con người đều quên.
Đức Phật đã
thành đạo, nay Ngài từ bi chỉ thẳng chỗ “thành” ấy. Đó là chỗ mà bệ hạ đã
quên, mà bao người đã quên. Thành cái “có” mà đã “quên”.
Thật đơn
giản biết bao?
Nhà vua nghe
qua mà bừng tỉnh. Tỉnh cái mình đã “có”.
Vua có,
người có chăng?-Có.
8. Một tiếng nạt đáng giá
ngàn vàng
Thiền Sư Phần ở Kiếm Môn. Thuở nhỏ, một hôm Sư bất thần hiểu đạo rồi tự
cạo tóc, nhưng vẫn thường chạy rong chơi trong xóm làng, nên thiên hạ gọi
Sư là “Tăng điên”.
Sau Sư xuất gia tham thiền và đến nương Ngài Đại Huệ. Đại Huệ nghe nói “Gã
phong điên” nên không cho Sư nhập chúng. Sư đành phải ra đi, đến sông
Triết Giang, đứng bên bờ trạm, Sư tủi thân khóc than:
-Ta đã lang thang bao năm trời nay định nương Ngài Đại Huệ mà cũng không
được chấp nhận, chắc tại kiếp trước ta không có gieo hạt giống Bát Nhã.
Trong khi đang khóc sướt mướt thì nghe lính nạt:
-Tránh ra, quan Thị Lang đến!
Sư bổng nhiên đại ngộ liền làm bài kệ:
Cơ niên cá sự quảy hung hoài
Vấn tận chư phương nhẫn bất khai
Kim nhật can trường hốt nhiên phá
Nhất thinh giang thượng Thị Lang lai.
Dịch:
Bao năm việc ấy chứa trong lòng
Hỏi hết các nơi mắt chẳng khai
Nay bỗng ruột gan tan vở hết
Trên sông một tiếng Thị Lang lai.
Bình:
Một con
người đã thao thức trên lối về đại đạo. Nhưng hình tung kỳ quái, khiến
người ruồng rẫy không chấp nhận. Hận mình một nỗi vô duyên, kém mầm Bát
Nhã. Thề một quyết hy sinh thân mạng, dứt đi nghiệp chướng oan khiên. Mong
sao đời khác tiếp nối trọn lành, không oan oan, ương ương như thuở này
nữa.
Thời cơ đã
đến. Lính mở đường quát nạt mở lối cho quan Thị Lang tiến bước. Đang khi
đau khổ bời bời, ruột gan rối loạn, nỗi lòng rã tan. Giữa cái lúc chỉ còn
có ta và ta, niềm băng giá phủ lấp cõi hồn thì tiếng quân thét.
Ngay đó băng
tan giá rã, nỗi khổ cuốn trôi. Phăng phăng một mối. Tâm hồn rỗng rang nhẹ
hửng. Ngài đã sống lại từ bên kia cõi chết.
* |