THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ BẢO GIÁM

Thiền sư Bảo Giám họ Kiều tên Phù, ở làng Trung Thụy, đời thứ 9 dòng vô ngôn thông, năm sanh không rõ, chỉ biết Ngài tịch năm 1173. Tiểu sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam cùng tác giả.

Sau đây là bài kệ dạy chúng của Ngài trước khi tịch:

Âm:

            Đắc thành chánh giác hãn bằng tu,

            Chỉ vị lao lung, trí tuệ ưu,

            Nhận đắc ma ni huyền diệu lý,

            Chỉ như thiên thượng hiển kim ô.

 

            Trí giả du như nguyệt chiếu thiên,

            Quang hàm trần sát chiếu vô biên.

            Nhược nhân yếu thức tu phân biệt,

            Lãnh tượng phù sơ toả mộ yên.

Dịch:

            Được thành chánh giác ít nhờ tu,

            Aáy chỉ nhọc nhằn, trì tuệ ưu,

            Nhận đươc ma ni lý huyền diệu,

            Ví thể trên không hiện vầng hồng.

 

            Người trí khác nào trăng rọi không,

            Chiếu soi khắp cõi sáng không ngần.

            Nếu người cần biết nên phân biệt,

            Khói mù man mác phủ non chiều.

Giảng:

“Đắc thành chánh giác hãn bằng tu, chỉ vị lao lung, trí tuệ ưu”. Nghĩa là được thành chánh giác ít nương tựa vào sự tu hành, vì tu hành nhọc nhằn, chỉ có trí tuệ sáng suốt mới là ưu việt. Tại sao thành Phật mà không cần tu hành? Vì cố dụng công tu hành mà không thắp sáng trí tuệ, vẫn cứ mê lầm cố chấp thì càng dụng công càng nhọc nhằn. Chỉ khi nào trí tuệ sáng suốt thì mới giác ngộ. Không phải do dụng công nhiều mà được giác ngộ. Thế mà lâu nay chúng ta cứ hiểu lầm, tu là phải dụng công nhiều mới đắc đạo. Nếu tu như vậy thì Thái Tử tu khổ hạnh sáu năm đã thành Phật rồi, đâu đợi đến lúc bỏ tu khổ hạnh, sống trung dung ăn ngày một bữa, đến gốc cây bồ đề tu thiền định, tâm thanh tịnh trí tuệ sáng mới thành Phật. Phật đâu không từng nói khổ hạnh chỉ làm cho thân xác khô gầy, trí tuệ lu mờ. Như vậy tu khổ hạnh chỉ hành xác nhọc nhằn và tu mà không có trí tuệ thì không bao giờ giác ngộ, nên trong sử Thiền Sư Trung Hoa có kể giai thoại:

Thiền sư Hoài Nhượng thấy đạo nhất hằng ngày ngồi thiền quên cả thời gian, bèn đến hỏi:

- Đại đức ngồi thiền để làm gì?

Đạo nhất thưa:

- Để làm Phật.

Sau đó ngài lấy cục gạch đến bên hòn đá ở trước am Đạo Nhật ngồi mài. Đạo Nhất thấy lạ hỏi:

- Thầy mài gạch để làm gì?

- Mài để làm gương.

- Mài gạch đâu có thể thành gương được?

- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?

- Vậy phải làm thế nào mới phải?

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

Đạo Nhất lặng thinh. Ngài hỏi tiếp:

- Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.

Nếu chúng ta cho rằng dụng công tu nhiều được thành Phật đó là điều lầm lẫn. Vì nếu khi dụng công, chúng ta cố gắng đè nén thể xác thì thể xác thêm nhọc nhằn, chứ không thể giác ngộ. Do tâm thanh tịnh trí tuệ sáng suốt mới được giác ngộ, chứ không phải do đè ép thân xác mà được giác ngộ. Vì thân xác là sắc chất mà sắc chất thì vô tri làm sao giác ngộ? Cũng như con trâu kéo xe, xe thì bị động, con trâu mới chủ động. Nếu xe không đi mà đánh xe tức là đánh cái bị động thì chừng nào xe mới đi? Muốn xe đi thì phải đánh trâu, vì trâu chủ động, trâu bị đánh đau, bước đi thì xe lăn bánh đi theo. Cũng vậy khi dụng công tu chúng ta khéo linh động, để thân xác được an ổn khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt mới có kết quả tốt. Nếu tu mà hành xác cho là hơn hết, hay hành xác mới được giác ngộ thì quá lầm lẫn. Bởi vì đạo Phật là đạo giác ngộ, dụng công tu là phương tiện giúp tâm an định, tâm an định thì trí tuệ bừng sáng, không phải dụng công tu để đè ép thân xác gầy ốm xanh xao cho là tu nhiều. Phá cái sai lầm này Ngài nói “hãn bằng tu” là “ít nhờ tu”, nghĩa là thành Phật ít nhờ tu. Và chỉ có trí tuệ sáng mới đưa người tu tới chỗ giác ngộ, nên nói “trí tuệ ưu”.

“Nhận đắc ma ni huyền diệu lý, chỉ như thiên thượng hiển kim ô”. Nghĩa là nhận được lý huyền diệu của hòn ngọc ma ni thì giống như mặt trời hiện rõ trong hư không. Ý hai câu kệ này nói gì? Chữ ma ni dịch là bảo châu như ý, là hòn ngọc như ý, người muốn thế nào thì nó hiện thế ấy. Hòn ngọc ma ni này trong kinh Pháp Hoa đức Phật nói đến nhiều. Câu chuyện hạt châu trong chéo áo, nhưng anh không biết, vẫn tha phương cầu thực khổ sở. Thời gian sau gặp lại được bạn chỉ cho hạt châu, anh lấy ra dùng và trở thành người giàu có. Hạt châu cột trong chéo áo trong kinh Pháp Hoa nói là hạt châu ma ni. Châu ma ni chỉ cho tánh giác sẵn có nơi mỗi người rất mầu nhiệm. Người tu khi nhận ra tánh giác chẳng khác nào bầu trời bị mây che tối tăm, bổng dưng mây tan, mặt trời xuất hiện chiếu sáng khắp cùng.

Bốn câu kệ này dạy, muốn nhận ra tánh giác phải có trí tuệ mới nhận được, chứ không phải dụng công nhọc nhằn mà được. Do đó chúng ta tu phải có cái nhìn chính xác. Tu chủ yếu là phải có trí tuệ, mới nhận ra chân vô thường sanh diệt khổ đau này, có tánh giác vô thường không sanh không diệt. Nhận ra tánh giác thành Phật là mục tiêu cứu cánh mà mọi người tu chúng ta phải hướng đến. Vì mục đích này mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma tuyên bố “Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật”. Chỉ thẳng nơi tâm người có thể tánh hằng giác bất sanh bất diệt, nhân ra tánh giác là kiến tánh, là nhân thành Phật. Dù tu nhiều đời nhiều kiếp mà trí tuệ không sáng, không kiến tánh thì vẫn là phàm phu đi trong sanh tử.

“Trí giả du như nguyệt chiếu thiên, quang hàm trần sát chiếu vô biên”. Người trí như mặt trăng soi sáng khắp hư không, ánh sáng bao trùm các cõi nước nhiều như bụi, không giới hạn, không ngằn mé, nên nói là vô biên. Trí này không phải là cái suy nghĩ phân biệt, mà là thể chân thật hằng lặng lẽ hằng giác tri có sẵn nơi mỗi người. Hai câu này diễn tả trí tuệ giác ngộ trùm khắp pháp giới, không giới hạn không ngằn mé.

“Nhược thân yếu thức tu phân biệt, lãnh thượng phù sơ toả mộ yên”. Nếu người muốn biết trí tuệ ấy, mà khởi niệm phân biệt nó thế này thế kia, chẳng khác nào buổi chiều mây mù che phủ núi. Nghĩa là mỗi người ai cũng có sẵn trí tuệ sáng suốt thênh thang trùm khắp, nhưng nếu khởi niệm phân biệt muốn biết trí tuệ ấy thì không thể biết không thể thấy, lại thêm mờ tối, giống như trời chiều mây khói che phủ cả núi non mù mịt. Thế nên muốn nhận ra trí tuệ sáng suốt rộng khắp của mình, đừng khởi niệm phân biệt, vì khởi niệm phân biệt thì mờ mịt không nhận được. Người đời cái gì cũng biết cái gì cũng suy nghĩ phân biệt. Phân biệt mà biết, suy nghĩ mà biết thì mê mờ, trí tuệ không hiện. Do đó người tu thiền muốn trí tuệ sáng thì phải lóng lặng vọng niệm cho tâm an định, tâm an định là suy nghĩ phân biệt hết thì trí tuệ sáng suốt bủa khắp.

Tóm lại phần đầu Ngài chỉ cho thấy cái lỗi của người tu là chấp vào công phu, cho rằng công phu nhiều mới đạt đạo. Phần sau Ngài chỉ cho thấy cái lỗi muốn được trí tuệ sáng suốt trùm khắp mà khởi niệm muốn biết và phân biệt nó. Cả hai lỗi này làm ngăn ngại khiến cho trí tuệ không sáng, tánh giác hằng hữu nơi mình không hiện. Muốn tánh giác hiện tiền thì phải lóng lặng tâm suy nghĩ phân biệt.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM