THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ TỊNH KHÔNG

Thiền sư Tịnh Không gốc Người Trung Hoa, họ Ngô, quê ở Phúc Châu, sanh năm 1091, tịch năm 1170, đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông. Tiểu sử Ngài in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 170, cùng tác giả. Một hôm Ngài họp chúng nói kệ :

Âm :

            Thượng vô phiến ngõa giá,

            Hạ vô trác chùy địa.

            Hoặc dịch phục trực nghệ,

            Hoặc sách trượng nhi chí.

            Chuyển động xúc xứ gian.

            Tợ long dước thôn nhĩ.

Dịch :

            Trên không mếng ngói che,

            Dưới không đất cắm dùi.

            Hoặc đổi áo thẳng đến,

            Hoặc xách trượng mà đi.

            Khoảng chuyển động xúc chạm.

            Tợ rồng vẫy đớp mồi.

Giảng :

“Thượng vô phiến ngõa giá,, hạ vô trác chùy địa”. Trên không có miếng ngói che, dưới không có đất cắm dùi. Hai câu này phát suất từ giai thoại thiền của Hoa Đình Thuyền Tử. Hoa Đình Thuyền Tử là tên của thiền sư Đức Thành. Thiền sư Đức Thành cùng Vân Nham Đàm Thạnh, Đạo Ngô Viên Trí là bạn đồng học thâm giao.

Khi rời Dược Sơn Sư bảo hai bạn :

Hai huynh mỗi người sẽ ở một nơi để dựng lập tông chỉ Dược Sơn, riêng tôi tánh tình quê mùa, chỉ ưa sơn thủy làm vui thú. Ngày sau hai huynh biết tôi ở đâu, giới thiệu cho một người, tôi sẽ đem chuyện bình sanh thọ nhận trao lại, gọi là đền đáp ơn của tiên sư.

Chia tay nhau, Sư đến Tú Châu, sông Ngô, Bến Hoa Đình làm người chèo đò tùy duyên độ nhật. Người thời ấy gọi Sư là Thuyền Tử Hòa Thượng.

Sau này, thiền sư Viên Trí, Đạo Ngô có dịp đi đến Kinh Khẩu, gặp ngài Thiện Hội thượng đường. Có vị tăng hỏi : “Thế nào là pháp thân ?” Thiện Hội đáp : “Pháp thân không tướng”. Tăng hỏi : “Thế nào là pháp nhãn ?” Thiện Hội đáp : “Pháp nhãn không vết”. Viên Trí bất chợt phát cười.

Thiện Hội xuống tòa hỏi Viên Trí :

Tôi vừa đáp câu hỏi của tăng, chắc có chỗ không đúng khiến Thượng tọa phát cười, xin Thượng tọa từ bi chỉ dạy.

Viên Trí bảo :

Hòa Thượng nhất đẳng (bật nhất) là đúng, về phần xuất thế thì chưa có thầy.

Chỗ nào tôi không đúng, mong Thượng tọa vì tôi nói phá.

Tôi hoàn toàn không nói, mời Hòa Thượng đến Hoa Đình Thuyền Tử.

Người ấy như thế nào ?

Người ấy trên không có miếng ngói, dưới không có mũi dùi. Hòa Thượng muốn đi xin đổi y phục.

Thiện Hội bèn giải tán chúng, sửa sang hành lý, đi thẳng đến thiền sư Đức Thành.

Qua giai thoại này chúng ta thấy Thiện Hội là người quyết tâm học đạo, biết mình còn khuyết, từ địa vị một tọa chủ giám giải tán chúng, đổi y phục làm một thiền khách lang thang tìm thầy học đạo. Khi thiền sư Viên Trí giới thiệu thiền sư Đức Thành thì Thiện Hội hỏi Đức Thành là người như thế nào. Thiền sư Viên Trí nói thiền sư Đức Thành là người trên không có miếng ngói che đầu, dưới không có miếng đất cắm dùi. Câu nói này có hai nghĩa : Nghĩa thứ nhất là Ngài ở trên thuyền, không ở chùa nên không có ngói che đầu, và ở trên thuyề lênh đênh trên sông nước nên không có đất để cắm dùi. Đó là nghĩa thông thường. Nghĩa thứ hai siêu thoát hơn, thiền sư Đức Thành là con người tự tại thong dong không vướng bận gì cả. Do đó thiền sư Tịnh Không nói “Trên không miếng ngói che, duới không đất cắm dùi” là dẫn câu chuyện này.

“Hoặc dịch phục trực nghệ, hoặc xách trượng nhi chí”. Nghĩa là hoặc đổi áo thẳng đến, hoặc xách trượng mà đi. Ý nói ngài Thiện Hội thay đổi y phục làm một thiền tăng tầm thường để đến học đạo với thiền sư Đức Thành.

“Chuyển động xúc xứ gian,tợ long dước thôn nhĩ”. Khoảng chuyển động xúc chạm tợ rồng vẫy đớp mồi. Nghĩa là chỉ đối đáp trong chốc lát mà ngộ đạo, giống như rồng đớp mồi vậy. Thiện Hội đến thiền sư Đức Thành, qua vài câu đối đáp, thiền sư Đức Tành cười bảo : “Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa. Thả ngàn thước tơý ở đầm sâu, lià lưỡi câu ba tất nói mau, nói mau”. Thiện Hội vừa mở miệng, thiền sư Đức Thành đánh một chèo té xuống nước. Thiện Hội vừa leo lên thuyền, thiền sư Đức Thành lại thúc : “Nói ! Nói!” Thiện Hội vừa mở miệng, lại bị thiền sư Đức Thành đánh. Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ, bèn gật đầy ba cái.

Thiền sư Đức Thành nói, Ngài thả dây câu ngàn thước để câu, nhưng không có lưỡi câu ba tất đó dính mồi. Ý nói không cho cái lưỡi ba tất cong lại để nói chuyện phải quấy tốt xấu... lià ngôn ngữ mà bảo : “Nói đi ! Nói đi !” Thầy bảo nói, nhưng trò vừa mở miệng thì bị thầy đánh, trò ngước lên  đáp một câu, cũng bị thầy đánh. Như vậy chúng ta mới thấy chỗ “uổng khẩu vô ngôn” của ni sư Diệu Nhân, vừa mở miệng là trật. Thế nên ở đây thiền sư Đức Thành không cho nói, mở miệng nói là bị đánh. Bị đánh mấy chèo, Thiện Hội mới nhận ra thể chân thật một cách nhanh chóng. Nhờ cách khai thị quá đặc biệt của thiền sư Đức Thành, nên Thiện Hội nhận ra thể chân thật, do đó nói học đạo có thầy. Tóm lại hai câu này diễn tả giai thoại ngài Thiện Hội đến với thiề sư Đức Thành chỉ trong chốc lát mà được ngộ đạo. Ngày xưa ngài Thiện Hội bị đánh trong chớp mắt được ngộ đạo, chúng ta ngày nay bị đánh hai ba chèo chắc là lên bờ chạy mất.

Câu “dưới không đất cắm dùi” còn nói lên giai thoại không đất cắm dùi của ngài Hương Nghiêm. Lúc rời chúng Ngài ở ẩn, khi cuốc đất lượm sỏi ném trúng bụi tre, nghe tiếng côc vang lên, Ngài đại ngộ làm kệ :

            Một tiếng quên sở tri,

            Chẳng cần phải tu trì.

            Đổi sắc bày đường xưa,

            Chẳng rơi cơ lặng yên.

            Nơi nơi không dấu vết,

            Oai nghi ngoài sắc thinh.

            Những người bật đạt đạo,

            Đều gọi thượng thượng cơ.

Ngài Quy Sơn nghe được, nói với Ngưỡng Sơn : “Trí Nhàn đã triệt ngộ”. Ngưỡng Sơn thưa : “Đây là máy tâm ý thức trước thuật, đợi con đến nơi khám phá mới chắc”. Ngưỡng Sơn đến thăm, Hương Nghiêm đọc lại bài tụng trước cho Ngưỡng Sơn nghe, Ngưỡng Sơn nói : “Đó là do trước kia học tập ghi nhớ mà thành, nếu thật chánh ngộ hãy làm bài tụng khác”. Hương Nghiêm liền nói kệ :

            Năm xưa nghèo chưa thật nghèo,

            Năm nay nghèo mới thật nghèo.

            Năm xưa nghèo vẫn còn chút đất cắm dùi,

            Năm ngay nghèo dùi cũng không.

Ngưỡng Sơn nghe bài kệ trước của Hương Nghiêm Ngài không tin, e rằng do hiểu biết học hỏi làmra chứ chưa thật ngộ, nên mới bất ngờ bảo Hương Nghiêm làm bài kệ khác. Hai câu cuối cùng của bài kệ này Hương Nghiêm nói năm xưa nghèo càn có đất cắm dùi, năm nay nghèo không có dùi để cắm. Người thế gian thường nói nghèo không có đất để cắm dùi. Còn Ngài nói không có dùi để cắm, cái nghèo đó mới thật là nghèo. Như vậy đất và dùi dụ cho ngã và pháp. Ý Ngài Hương Nghiêm nói rằng tu đến chỗ rốt ráo ngã pháp không còn.

Bài kệ này Ngài Tịnh Không dẫn ý hai câu chuyện trên để dạy chúng ta tu phải đến chỗ rốt ráo như người xưa, không còn chấp ngã chấp pháp, không còn kẹt thì mới đạt đến chỗ cứu cánh là nhận ra thể chân thật của mình. Nếu nói rằng tôi không còn chấp ngã chấp pháp nhưng chưa nhận ra thể chân thật của mình thì chưa rốt ráo.

Có vị tăng đến hỏi: Từ trước chỉ thẳng là nói cái gì ?

Sư đáp :Ngày ngày đi gặt lúa,

            Giờ giờ kho lẫm không.

            Con chẳng hội.

            Nhật nguyệt hằng sáng, mây nổi phủ che.

Sư nói kệ :

Âm :

            Trí nhân vô ngộ đạo,

            Ngộ đạo tức ngu nhân.

            Thân cước cao ngọa khách,

            Hề thức ngụy kiêm chân.

Dịch :

            Người trí không ngộ đạo,

            Ngộ đạo tức kẻ ngu.

            khách nằm thân duỗi thẳng,

            Nào biết ngụy và chân.

Giảng :

Có vị tăng hỏi : “Từ trước chỉ thẳng là nói cái gì ?” Ngài đáp : “Ngày ngày đi gặt lúa, giờ giờ kho lẫm không”. Vị tăng hỏi chư Tổ từ trước tới giờ chỉ thẳng là nói cái gì ? Ngài đáp mỗi ngày đi gặt lúa, mà trong kho lúc nào cũng trống không. Thông thường gặt lúa thì phải có lúa để vô đầy kho, tại sao Ngài nói gặt lúa mà kho không rỗng không ?

Ý Ngài nói, từ trước các thiền sư tuy dùng phương tiện nhận ra thể chân thật nơi mình, nhưng tâm các Ngài vẫn rỗng lặng. Hay ngược lại, các Ngài chỉ bằng ngôn ngữ, cốt để cho tâm chúng ta rỗng lặng. Ngài chỉ thẳng mà vị tăng này chưa nhận ra, nên nói : “Con chẳng hội”. Do đó Ngài mới nói :

“Nhật nguyệt hằng sáng, mây nổi phù che”. Mặt trăng mặt trời thường sáng        , tại mây che nên trời tối. mặt trăng mặt trời dụ cho tâm hằng sáng có sẵn nơi mỗi người, mây dụ cho vọng niệm, nghĩ suy. Do vọng niệm nghĩ suy nên che khuất ánh sáng trí tuệ hay Phật tánh của mình, giống như mây bay che khuất ánh sáng của mặt trời mặt trăng. Phật nói mỗi người ai cũng có sẵn tánh giác, sở dĩ không nhận ra là tại mây vọng tưởng cứ dấy lên hoài, nên che khuất tánh giác không hiển lộ.

Có khi nào tâm quí vị lặng yên, vọng niệm không dấy khởi chừng hai mươi phút hoặc nữa giờ không ? Vì dấy khởi hoài nên không nhận ra tánh giác sẵn có nơi mình, mặc dù Phật Tổ đã chỉ rõ. Chúng ta tu là phải tập ngồi yên lặng để vọng tưởng lặng xuống cho tánh giác hiển hiện, nếu vọng tưởng chưa lắng sạch tánh giác làm sao hiện tiền ?

Sau đây là nghĩa bốn câu câu kệ :

“Trí nhân vô ngộ đạo, ngộ đạo tức ngu nhân”. Ngài nói người trí thì không ngộ đạo, ngộ đạo tức là người ngu. Người ta thường nói ngộ đạo là người trí, sao đây nói người trí thì không ngộ đạo và ngộ đạo gọi là người ngu ? Đa số người học đạo cho rằng đạo là cái gì ở bên ngoài, không biết đạo là tâm thể rỗng lặng của chính mình, nên nghe nói ngộ đạo, tưởng là được một cái gì ở bên ngoài. Kinh Bát Nhã đâu không từng nói : “Vì không có chỗ được nên Bồ tát y theo Bát Nhã ba la mật đa tâm không ngăn ngại...” Ngộ đạo là xuay lại sống với tánh giác của mình, nên nói không có chỗ được. Do Bồ tát không thấy có chỗ được nên tâm không ngăn ngại. Nếu ngộ đạo mà còn thấy có chứng đắc là còn me âchấp chưa thật ngộ đạo, nên Ngài nói là người ngu. Còn người trí thì dứt vọng tưởng thể chân thật hiện tiền, không thấy có gì được hết. Chúng ta vì vọng tưởng che đậy nên mê lầm, bây giờ nhận ra thể chân thật của mình và sống với nó thì có gì là được. Của mình mình nhận ra tạm gọi là ngộ đạo, chứ sự thật không có đạo ở đâu để chúng ta được cả. Ngộ đạo là thể chân thật của mình hiện bày ra. nếu thấy có ngộ đạo thì thật là kẻ ngu chứ không phải người trí.

“Thân cước cao ngọa khách, hề thức ngụy kiêm chân”. Khác nằm chân duỗi thẳng, nào biết ngụy và chân. Người khách biết tu thiền thì cứ nằm duỗi thẳng chân, không nghĩ đây là ngụy kia là chân, không nghĩ cái này phải cái kia là quấy, cái này  đúng cái kia sai, tức là không còn thấy hai bên. Nếu không thấy hai bên thì có cái gì để nghĩ ? Không còn kẹt hai bên thì thể chân thật hiện tiền. Như vậy ngồi thiền, ngồi chơi, nằm nghỉ, đi tới, đi lui, tâm không nghĩ hai bên thì thể chân thật hiện tiền. Nếu ngồi thiền trước bàn Phật trang nghiêm, mà tâm chạy theo hơn thua phải quấy thì chưa thật ngồi thiền, thể chân thật chưa hiện. Đó là chỗ thiết yếu. Quí vị nhớ để kiểm tra lại mình.

Tăng hỏi :Thế nào là Phật ?

Sư đáp :Nhật nguyệt sáng trời trùm ức cõi,

            Ai biết mây mù rơi núi sông.

Hỏi :   Thế nào hội được ?

Đáp :   Mục đồng chỉ thích nằm lưng trâu,

            Kẻ sĩ thường khoe được anh hùng.

Hỏi :   Ý Tổ và ý Kinh đồng hay khác ?

Đáp :   Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua.

Hỏi :   Hòa Thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho con ?

Đáp :   Ngươi thổi lửa, ta hốt gạo, ngươi khất thực, ta giữ bát, ai mà cô phụ ngươi ?

Tăng nghe xong liền khai ngộ.

Giảng :

Tăng hỏi : “Thế nào là Phật ?”. Sư đáp : “Nhật nguyệt sáng trời trùm ức cõi, ai biết mây mù rơi núi sông”. Hỏi thế nào là Phật, Ngài đáp mặt trời mặt trăng sáng bao trùm muôn ức cõi nước, vì mây mù che cho nên ánh sánh không tỏa khắp. Cũng vậy tánh Phật vốn sáng suốt trùm khắp nhưng vì mây vô minh che cho nên bị khuất đi.

Hỏi : Thế nào hội được ?” Đáp : “Mục đồng chỉ thích nằm lưng trâu, kẻ sĩ thường khoe được anh hùng”. Vị tăng này hỏi làm sao hội được tánh Phật. Ngài trả lời mục đồng thích nằm trên lưng trâu, kẻ sĩ thường khoe mình là anh hùng. Ngài dạy như thế làm sao hội ? Tánh Phật là thể chân thật sẵn có muôn đời ở mỗi người, chẳng phải cái gì mới lạ, chỉ xoay lại sống bình thường là hội được. Giống như chú mục đồng nằm trên lưng trâu, kẻ sĩ đi thi đỗ đạt làm quan, ra trận đánh giặc, lập công to, tự khoe mình là anh hùng. Đó là những việc bình thường trong sinh hoạt của người đời không có gì lạ.

Hỏi : “Ý Tổ và ý Kinh đồng hay khác ?” Đáp : Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua”. Vị tăng này hỏi ý Tổ dạy trong Ngữ Lục và ý Phật dạy trong Kinh là đồng hay khác. Ngài đáp : Đường xa muôn dặm nhờ đi thuyền nên đến triều vua. Ý nói dù đường xa muôn dặm mà nương nơi thuyền thì sẽ đến đích. Ngài nói ý Phật và ý Tổ không hai.

Hỏi : “Hòa Thượng có việc kỳ đặc, sao không nói cho con ?” Đáp : “Ngươi thổi lửa, ta hốt gạo,ngươi khất thực, ta giữ bát, ai mà cô phụ ngươi”. Vị tăng trách Ngài sao không nói viêc kỳ đặc cho ông nghe. Ngài nói ngươi thổi lửa thì ta vo, ngươi khất thực thì ta giữ bát cho ngươi, ta đâu có cô phụ. Vậy việc gì là kỳ đặc ? Cái gì kỳ đặc hiện ở ngay trong bếp lúc thổi lửa vo gạo nấu cơm, ở ngoài đường khi khất thực, chỗ nào cũng có hết. Nhưng nếu biết thì nó kỳ đặc, không biết thì nó tầm thường. Vị tăng này nghe Ngài dạy tâm được khai ngộ.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM