THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ NGUYỆN HỌC

Thiền sư Nguyện Học họ Nguyễn, ở làng Phù Cẩm, không biết năm sinh, chỉ biết năm tịch là 1174, đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông. Tiểu sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 188 cùng tác giả. Sau đây là hai bài kệ dạy chúng của Ngài :

Kệ thứ nhứt :

Âm :

            Đạo vô ảnh tượng

            Xúc mục phi diêu

            Tự phản thôi cầu

            Mạc cầu tha đắc.

            Túng nhiêu cầu đắc

            Đắc tất bất chân,

            Thiết sử đắc chân

            Chân thị hà vật.

            Sở dĩ tam thế chư Phật,

            Lịch đại Tổ Sư,

            Ấn thọ tâm truyền,

            Diệt như thị thuyết.

Dịch :

            Đạo không hình tướng,

            Trước mắt chẳng xa,

            xoay lại tìm kiếm,

            Chớ cầu nơi khác.

            Dù cho cầu được,

            Được tất chẳng chân.

            Ví có được chân,

            Chân ấy vật gì ?

            Vì thế, chư Phật ba đời,

            Lịch đại Tổ Sư,

            Ấn thọ tâm truyền,

            Cũng nói như thế.

Giảng :

“Đạo vô ảnh tượng, xúc mục phi diêu”. Đạo không hình tướng trước mắt chẳng xa. “Xúc mục” là chạm mắt, tôi dịch là trước mắt. “Phi diêu” là chẳng xa. Đạo ở ngay trước mắt chớ chẳng ở đâu xa. Ở trước mắt tại sao chúng ta không thấy chỉ thấy toàn sự vật ? Đạo ở trước mắt là đạo có sẵn ở nơi chúng ta, chúng ta muốn nhận ra thì đối cảnh liền biết, biết mà không phân biệt, đó là đạo, đạo không ở ngoài mình. Cho nên hai câu kế Ngài:

“Tự phản thội cầu, mạc cầu tha đắc”. Xoay lại tìm kiếm chớ cầu nơi khác. Tuy nói đạo ở trước mắt, nhưng phải xoay lại mình tìm, chớ tìm ở bên ngoài thì mới nhận ra đạo. Ví dụ như quí vị ngồi nghe tôi giảng, tiếng tôi giảng ở ngoài tai quí vị, nhưng cái hay nghe và nhận biết của quí vị về tiếng của tôi giảng ở đâu ? Tiếng giảng của tôi là âm thanh ở bên ngoài, nếu quí vị muốn thấy đạo mà cứ chạy theo tiếng của tôi thì không bao giờ thấy. Quí vị phải xoay lại coi cái gì đang nghe ? Cái đang nghe và biết được tiếng không phải ở bên ngoài quí vị. Quí vị có nhận ra không ? Tổ Lâm Tế cũng nói  : “Các ngươi hiện nay biết nghe pháp chẳng phải là thân tứ đại của các ngươi, cái biết ấy hay dùng tứ đại”. Cái biết nghe pháp không phải thân tứ đại, cũng không phải ngoài thân tứ đại này mà có cái biết nghe pháp riêng biệt. Do đó ở đây Ngài nói muốn tìm đạo thì phải xoay lại mình, chớ chạy tìm bên ngoài, tìm bên ngoài suốt kiếp vẫn còn xa đạo.

“Túng nhiêu cầu đắc, đắc tức bất chân, thiết sử đắc chân, chân thị hà vật”. Dù cho cầu được được tức chẳng chân. Ví có được chân chân ấy được gì ? Đạo nếu cầu nơi khác mà được thì cái được từ nơi khác không phải là cái chân thật. Ý Ngài dạy, đạo là tâm thể chân thật sẵn có nơi mình, tùy duyên ứng hiện ở các căn, có tiếng thì nghe tiếng, có hình ảnh thì thấy hình ảnh, có xúc chạm sự vật thì biết có xúc chạm sự vật... Tuy nhiên, muốn nhận ra nó thì phải xoay lại mình chớ chạy theo ngoại cảnh. Nếu chạy theo ngoại cảnh mà được thì không phải chân. Thế nên pháp tu thiền của đạo Phật khác hơn pháp tu thiền của ngoại đạo. Pháp tu thiền của đạo Phật nhằm soi sáng lại chính mình (phản quan tự kỷ) chớ không cầu ở bên ngoài. Pháp tu thiền của ngoại đạo đặc nặng việc cầu sự hiển linh bên ngoài mà quên mình, như cầu một vị thần nào đó điểm quang cho mình sáng đạo. Tu mà được kết quả mầu nhiệm do bên ngoài đem đến, hay người khác truyền cho đều không khế hợp thể chân thật. Muốn trở lại thể chân thật thì phải xoay lại mình là thiết yếu. Thế nên kết thúc bài kệ này Ngài nói :

“Sở dĩ tam thế chư Phật, lịch đại Tổ Sư ấn thọ tâm truyền, diệt như thị thuyết”. Vì thế chư Phật ba đời, lịch đại Tổ Sư ấn thọ tâm truyền, cũng nói như thế. Chư Phật ba đời, các vị Tổ Sư chỉ ấn chứng và truyền tâm, chớ không nói không chỉ ra được. Người lanh lợi thì nhận ra ngay. Tóm lại chư Phật chư Tổ truyền tâm ấn chứng đều bảo xoay lại mình, đừng chạy theo những hư ảo tạm bợ bên ngoài, vì càng chạy theo những cái hư ảo tạm bợ thì càng xa đạo.

Kệ thứ hai :

Âm :

            Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,

            Biến hóa linh thông hiện bảo tướng,

            Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,

            Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.

            Tuy nhiên sung tắc biến hư không,

            Quan lai bất kiến như hữu tướng,

            Thế gian vô vật khả tỷ huống,

            Trường hiện linh quang, minh lãng lãng.

            Trường thời diễn thuyết bất tư nghì,

            Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.

Dịch :

            Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,

            Biến hóa linh thông bày tướng báu,

            Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,

            Hóa thân ứng hiện đâu tính được.

            Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,

            Xem ra nào thấy có tướng gì,

            Thế gian không có vật để sánh,

            Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.

            Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,

            Không có một lời cho thỏa đáng.

Giảng :

“Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn, biến hóa linh thông hiện bảo tướng”. Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở, biến hóa linh thông bày tướng báu. Khi thân tâm liễu ngộ thì mắt trí tuệ mở sáng, mắt tuệ mở sáng rồi thì biến hóa linh thông và tướng bàu hiện. Ý hai câu này nói khi thân tâm người tu đã liễu ngộ, thì có thần thông biến hóa diệu dụng khôn lường. Ở đây Ngài nói bày tướng báu, tướng báu chỉ cho thể bất sanh bất diệt. Thân sanh diệt là cái tầm thường, thể bất sanh bất diệt đối với thân sanh diệt thì quí hơn nên nói là tướng báu. Trong kinh Pháp Hoa đức Phật dụ tướng báu là hạt minh châu. Như vậy người học đạo muốn mắt trí tuệ mở sáng không cần tìm ở đâu xa, mà phải xoay lại mình, ngay nơi thân tâm này mà ngộ được thể tánh thì trí tuệ mở sáng. Người thế gian cũng có trí tuệ, nhưng trí tuệ thế gian khác với trí tuệ Phật. Trí tuệ thế gian là trí thông minh biết được nhiều việc, nhưng không biết các pháp đùúng như thật. Còn trí tuệ Phật là trí tuệ thấy biết đúng như thật, biết rõ tướng sanh diệt của các pháp, nên không bị mê hoặc lôi cuốn. Nhận ra thể bất sanh bất diệt thì không chạy theo ảo ảnh tạm bợ bên ngoài.

“Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên, ứng hiện hóa thân bất khả lượng”. Đi đứng nằm ngồi riêng vững vàng, hóa thân ứng hiện đâu tính được. Nghĩa là khi ngộ được thể chân thật rồi thì trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, thể chân thật hiện tiền không thiếu vắng, nên nói là vững vàng. Và, khi ngộ được thể chân thật thì ngang đây chẳng phải không còn gì cả, mà tùy duyên ứng hóa thân để làm lợi ích cho chúng sanh, có duyên với chúng sanh ở đâu thì ứng hiện đến đó giáo hóa.

“Tuy nhiên sung tắc biến hư không, quan lai bất kiến như hữu tướng”. Mặc dù đầy dẫy cả hư không, xem ra nào thấy có tướng gì. Mặc dù thể chân thật  đầy cả hư không nhưng nhìn xem thì không có tướng mạo. Tại sao đầy cả hư không mà không có tướng mạo ? Hư không thì không hình tướng, thể chân thật trùm cả hư không cũng không có hình tướng. Nếu có hình tướng thì không thể trùm cả hư không. Ví dụ như chúng ta thắp một ngọn đèn để trong nhà, ánh sáng của ngọn đèn trùm hết khoảng hư không trong nhà. Vì ánh sánh không có tướng mạo bằng sắc chất nên trùm hết khoảng hư không trong nhà, nếu ánh sáng có hình tướng sắc chất như cái tử cái bàn, thì chỉ chiếm một khoảng hư không bằng cái tủ cái bàn mà thôi. Cũng vậy, tâm thể thanh tịnh không tướng mạo nên trùm cả hư không, vì không tướng mạo nên không thấy tướng.

“Thế gian vô vậy khả tỷ huống, trường hiện linh quang minh lãng lãng”. Thế gian không vật để so sánh, thường hiện linh quang sáng khắp nơi. Ở thế gian không có vậy gì để so sánh với tâm thể chúng ta hết. Tại sao ? Vì tất cả sự vật ở thế gian đều có hình tướng, hễ có hình tướng là do duyên hợp thành bị vô thường chi phối, nên không so sánh được với tâm thể bất sanh bất diệt. Tuy không có gì so sánh được, nhưng ánh sáng nhiệm mầu của tâm thể thường hiển hiện ở khắp mọi nơi không giới hạn.

“Thường thời diễn thuyết bất tư nghì, vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng”. Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn, không có một lời cho thỏa đáng. Tức là nghĩa lý luôn luôn diễn nói nhưng không thể nghĩ bàn, nói nhiều mà không một lời để nói. Vì tất cả ngôn ngữ đều không thật, nên không thể nói đến được. Do đó hỏi thế nào là Phật ? Chỉ ngồi im là thỏa đáng nhất, còn nói ra lời gì cũng chỉ là tạm mượn phương tiện ngôn ngữ để nói vậy thôi.

Tóm lại, bài kệ này Ngài nhắc người tu phải khéo nhận ra ngay nơi thân tâm này có cái thể chân thật. Nhận ra tạm gọi là ngộ đạo, và trong mọi oai nghi nó đều hiện tiền. tâm thể này không có hình tướng nên trùm cả hư không, khi hằng sống với nó thì tùy duyên ứng hóa làm lợi ích chi chúng sanh. Ở thế gian không có vật gì để so sánh, không có ngôn ngữ nào diễn tả nó được. Tuy nhiên ánh sánh nhiệm mầu của thể chân thật tỏa khắp mọi nơi.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM