THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ HIỆN QUANG

Thiền sư Hiện Quang tên là Lê Thuần quê ở thành Thăng Long, không biết năm sinh chỉ biết năm tịch là 1221, đời thứ 14 dòng Vô Ngôn Thông. Tiểu sử của Ngài được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam trang 213 cùng tác giả. Sau đây là bài kệ nói lên cách hành sử trong thời gian tu hành của Ngài :

Âm :

            Na dĩ Hứa Do đức,

            Hà tri thế kỷ xuân.

            Vô vi cư khoáng dã,

            Tiêu diêu tự tại nhân.

Dịch :

            Hứa Do tập theo đức,

            Nào biết đời mấy xuân.

            Vô vi sống đồng ruộng,

            Người tự tại thong dong.

Giảng :

“Na dĩ Hứa Do đức, hà tri thế kỷ xuân”. Hứa Do tập theo đức, nào biết đời mấy xuân. Ngài học theo cái đức của Hứa Do nê không biết đời có mấy xuân. Trong Cổ Học Tinh Hoa có ghi câu chuyện hai ông Hứa Do và Sào Phu đời vua Nghiêu ở Trung Quốc. Vua Nghiêu là ông vua thời đại cổ của Trung Quốc, là một vị vua có đức độ nhất vào thời ấy, ông không muốn cho con mình nối nghiệp vua, ông đi tìm người hiền đức để nhường ngôi. Một hôm nghe đồn trong khu rừng có một hiền sĩ tên là Hứa Do, vua tìm đến nơi mời Hứa Do về triều để nhường ngôi. Hứa Do nghe xong bịt lỗ tai rồi bỏ đi ra ngoài sôngDĩnh Thủy lội xuống sông khoát nước rửa tai. Khi ấy Sào Phủ cũng dắt trâu ra bờ sông, thấy Hứa Do rửa tai hỏi : “Vì việc gì mà bát phải rửa tai vậy ?” Hứa Do đáp : “Vua Nghiêu mời tôi về nhường ngôi, nghe đến danh lợi bẩn lỗ tai nên tôi đến đây để rửa”. Sào Phủ nghe xong gò dây dàm trâu không cho trâu uống nước và nói rằng : “Tôi định cho trâu uống nước ở đây nhưng e bẩn cả miệng trâu”. Nói xong dắt trâu lên khúc sông trên để cho trâu uống nước.

Người xưa nghe danh lợi cho là nhơ lỗ tai, còn chúng ta ngày nay thì sao ? Giả sử chúng ta đang tu mà có người mời mình ra giữ chức gì quan trọng trong Giáo hội, hoặc ngoài đời thì thấy dơ lỗ tai hay là khoái lỗ tai ? Nếuthấy khoái lỗ tai thì đã nhiễm danh lợi rồi, thua người xưa lắm. Tuy ngài Hiện Quang tu chưa ngộ đạo, nhưng học theo đức của Hứa Do, đối với danh lợi Ngài không màng là đã hơn chúng ta rồi. Vì không thích danh lợi nên :

“Vô vi cư khoái dã, tiêu diêu tự tại nhân”. Vô vi sống đồng ruộng, người tự tại thong dong. Bới không ưa danh lợi nên Ngài không ở thành thị, chỉ thích ở núi rừng, đồng quê thanh vắng, để làm người rảnh rang vô sự quên cả tháng ngày. Đó là tâm trạng của Ngài học theo gương tốt của người xưa. Ngày nay chúng ta tu nếu không khéo thì những từ ngữ “làm phật sự” sẽ làm lệch hướng nhắm của chúng ta. Nghĩa “làm phật sự” thì quá rộng, nhiều khi chúng ta kẹt vào danh lợi mà không hay. Tôi nhìn tình trạng hiện nay thấy cũng đáng lo, có nhiều người khi phát tâm tu thì rất là mạnh mẽ, lúc mới vào chùa dám dứt bỏ hết những danh lợi mình đang có trong tầm tay. Nhưng tu một thời gian bị nhiễm danh lợi trở lại. Thế nên khi tu chúng ta phải cẩn thận đối với danh lợi, xem thường danh lợi tu mới dễ tiến, nếu còn đắm trước danh lợi thì không tiến được. Người có địa vị cao trong đạo mà đắm trước danh vị, cũng giống như người phàm tục đuổi bắt danh lợi vậy. Tu như thế không thật sự tiến đạo mà chỉ tiến về mặt danh và lợi. Nếu tiến về mặt danh lợi thì chắc chắn là xa đạo.

Sau đây là bài kệ thị tịch :

Âm :

            Huyễn pháp giai thị huyễn,

            Huyễn tu giai thị huyễn.

            Nhị huyễn giai bất tức,

            Tức thị trừ chư huyễn.

Dịch :

            Pháp huyễn đều là huyễn,

            Tu huyễn đều là huyễn.

            Hai huyễn đều chẳng nhận,

            Tức là trừ các huyễn.

Giảng :

“Huyễn pháp giai thị huyễn, huyễn tu giai thị huyễn”. Pháp huyễn đều là huyễn, tu huyễn đều là huyễn. Pháp là huyễn, tu cũng là huyễn. Tại sao vậy ? Bởi vì tất cả các pháp đều là phương tiện. Kinh Viên Giác, Phật dạy : Kinh điển như ngón tay chỉ mặt trăng, mặt trăng là chỗ chúng ta hướng đến, còn ngón tay là phương tiện không phải lẽ thật. Ngoài ngón tay chúng ta có thể dùng những thứ khác để chỉ mặt trăng, như cây thước hay cây gậy cũng có thể chỉ được. Vậy ngón tay cây gậy cây thước là phương tiện, ví là phương tiện nên là cái phụ. Mặt trăng là cái đích để nhìn là chánh. Cũng vậy, pháp Phật dạy như quán bất tịnh, quán từ bi đều là phương tiện, cho nên tùy theo căn cơ trình độ mà giáo hóa. Đối trị bệnh đức Phật dạy quán bất tịnh, đối trị tâm vọng tưởng đức Phật dạy quán sổ tức... Trong kinh A hàm có ghi lại câu chuyện Phật dạy quán bất tịnh, các thầy Tỳ kheo quán thấy thân mình bất tịnh quá nhờm gớm bèn nhờ người giết giùm. Đến ngày Bố tát đức Phật thấy chúng tỳ kheo sút giảm hỏi ra mới biết nguyên do. Phật quở : “Ta dạy các ngươi quán bất tịnh là để trừ ái dục, khi ái dục hết thì phải quán tịnh, tại sao phải tự tử ?” Vậy chúng ta thấy pháp tu là thật hay là huyễn ? Nó chỉ là huyễn dùng để đối trị những phiền não của chúng sanh. Đức Phật tùy bệnh cho thuốc, nên pháp không phải là chân lý. Kế đến Ngài nói tu cũng là huyễn. Ví dụ đức Phật dạy quán bất tịnh, chúng ta ứng dụng tu dùng trí quán tới quán lui, như vậy pháp là huyễn thì tu cũng là huyễn.

“nhị huyễn giai bất tức, tức thị trừ chư huyễn”. Hai huyễn đều chẳng nhận, tức là trừ các huyễn. Nếu hai cái huyễn đó chúng ta không còn chấp tức là trừ các huyễn, là sống với lý trung đạo. Trong bài kệ Mộng của tôi có hai câu : “Gá thân mộng, dạo cảnh mộng”. Mộng tức là huyễn, thân mộng là thân huyễn, cảnh mộng là cảnh huyễn, cả hai đều là huyễn cho nên “mộng tan rồi cười vỡ mộng”. Thân cảnh đều là huyễn nên cười mà ra đi chớ có gì luyến tiếc ! Đó là ý nghĩa thâm thầm mà Phật Tổ dạy quá rõ ràng.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM