THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ TRÌ BÁT

Thiền sư Trì Bát sinh năm 1049 tịch năm 1117, thuộc dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 12. Tiểu sử của Ngài được in trong Thiền Sư Việt Nam trang 114 cùng tác giả. Sau đây là bài kệ thị tịch của Ngài :

Âm :

            Hữu tử tất hữu sanh,

            Hữu sanh tất hữu tử.

            Tử vi thế sở bi,

            Sanh vi thế sở hỷ.

            Bi hỷ lưỡng vô cùng,

            Hốt nhiên thành bỉ thử.

            Ư chư sanh tử bất quan hoài,

            Án tố rô tố rô tất rị.

Dịch :

            Có tử ắt có sanh,

            Có sanh ắt có tử.

            Chết là người đời buồn,

            Sanh là người đời vui.

            Buồn vui hai không cùng,

            Chợt vậy thành kia đây.

            Đối sanh tử chẳng để lòng,

            Án tố rô tố rô tất rị.

Giảng :

“Hữu tử tất hữu sanh, hữu sanh tất hữu tử”. Có tử ắt có sanh, có sanh ắt có tử . Người đời thấy kiếp người qua những giai đoạn : sanh ra, lớn lên, già, chết chớ không thấy có chết rồi có mới sanh, thế nên nghe qua hai câu kệ này thấy hơi lạ. Trong vòng luân hồi không phải chúng ta chỉ có mặt trong một đời này, mà đã có vô số kiếp về trước, sự hiện hữu của chúng ta trong đời này là do mất thân ở đời trước, nên mới có thân đời này. Vì chúng ta không thấu suốt, chỉ biết ngan đời này thôi, nên Ngài mới nói cho chúng ta biết “Có tử ắt có sanh, có sanh ắt có tử”. Tức là do thân đời trước chết, sau mới sanh thân đời này và sẽ có tử khi hết đời này. Như vậy tử là quả của sanh, ngược lại sanh cũng là quả của tử, sanh vừa là nhân vừa là quả, tử cũng vừa là nhân vừa là quả. Nếu chúng ta chưa thoát khỏi sanh tử thì sanh tử là một vòng liên tục không dừng, không phải chỉ khi chúng ta có mặt trên đời này mới có sanh tử.

“Tử vi thế sở bi, sanh vi thế sở hỷ”. Chết là người buồn, sanh là người đời vui. Tất cả chúng ta từ tăng ni cho đến phật tử, không ai nghĩ tới cái chết mà vui. Kẻ thì lòng nao nao, người thì man mác buồn, không biếtmai kia rồi sẽ ra sao ? Thế nên nghĩ tới cái chết là nghĩ tới cái buồn. Thậm chí không dám nói tới chữ chết, ngày giổ ông bà cha mẹ nói là ngày kỵ cơm hay ngày húy kỵ. Húy là kiên sợ, kỵ là tránh né không dám nói tới. Ngày chết của ông bà cha mẹ sợ lắm, tránh né không dám nói. Còn sanh thì vui, nên mỗi năm đến ngày sanh thì mở tiệt ăn mừng, tặng qùa chúc lành cho nhau gọi là mừng sinh nhật. Như vậy ngày sanh thì vui, ngày tử thì buồn không dám nhắc tới. Đó là tâm trạng dung thường của phàm phu tham sống sợ chết.

“bi hỷ lưỡng vô cùng, hốt nhiên thành bỉ thử”. Buồn vui cả hai đều không cùng , bổng dưng thành đây là sanh kia là tử. Buồn khi tử, vui khi sanh, hết sanh rồi tử, tử xong rồi lại sanh. Tử sanh, sanh tử mãi, nên buồn vui vui buồn mãi không cùng tận. Cứ vậy mà đối đãi mãi không biết tới đâu là cùng. Chỉ có :

“Ư chư sanh tử bất quan hoài, án tố rô tố rô tất rị”. Đối với sanh tử không bận lòng thì án tố rô tố rô tất rị. Người mà sanh không thấy vui, từ không thấy buồn, lòng không chút vướng bận tới việc tử sanh thì nguời ấy thảnh thơi tự tại. Việc sanh tử là việc lớn mà không bận lòng thì những việc khác là những việc nhỏ đâu có để ý, không để ý thì tâm không còn nghĩ ngợi lo sợ. Thế nên Ngài dùng câu thần chú “án tố rô tố rô tất rị” để nói lên tâm thái thảnh thơi tự tại bặt hết nghĩ suy.

Học tới đây, qúi vị có thấy thắc mắc không ? Lúc mới tu chư Tổ dạy phải khắc chữ tử lên trán bằng câu “Sanh tử là việc lớn, vô thường đang đuổi gấp”. Ở đây sao bảo “Sanh tử đừng bận lòng”, như vậy có mâu thuẫn không ? _ khi mới xuất gia, Phật dạy chúng ta tu phải luôn luôn nhớ mạn sống của mình rất mỏng manh, nay còn mai mất không lường được ngày chết, phải lo tu gấp chớ lần lựa qua ngày, chết đến tu không kịp, nên phải thấy sanh tử là việc lớn. Đó là giai đoạn đầu Phật sách tấn tu. Ở đây qua thời gian tu hành, tháy rõ lý sanh tử là tướng đối đãi không thật. Thấy rõ sanh tử không thật thì có gì phải lo sợ ? Nếu còn lo sợ là thấy sanh tử thật thì trái đạo rồi. Do đó nên người vượt trên đối đãi không kẹt hai bên, không bận lòng với sanh tử, lúc chưa bỏ báo thân này sống an nhàn tự do, lúc nhắm mắt bỏ báo thân này cũng bình an tự tại. Như vậy,  chúng ta tu để khi nhắm mắt xả bỏ báo thân này được an nhiên vui cười, hay sợ mất thân này chụp thân khác, tiếp nối vòng luân hồi vô tận ? Nếu thân này sắp hoại, chúng ta thấy có cũng được không có cũng được, không bận tâm, cười ra đi thì được an ổn tự tại. Vậy thì khi gần chết nên buồn hay nên vui ? Người tu lúc sắp chết mà buồn thì thế tục quá, mà vui thì có vui được không ? Lúc chết mà cười tuy chưa phải thánh ít ra cũng là á thánh. Như vậy lúc sắp chết không lo sợ mà cười cũng là thánh nhỏ rồi. Sở dĩ lúc sắp chết mà buồn sợ là vì chúng ta quá ái ngã. Thân này dù có xấu xí bệnh hoạn... cũng thương thế nên Phật dạy phải dứt ái. Qúi vị đừng nghĩ dứt ái là đừng thương người khác, mà dứt ái là đừng ái nga, không thương thân này nữa. Có nhiều người thân bị bệnh rất khổ, Như cùi, ung thư... thế mà lúc sắp chết họ sợ mất thân. Thật đáng thương ! Cũng có vàitrường hợp người ta liều chết tự hủy hoại thân, đó là trường hợp nỗi sân khởi tưởng điên đảo rồi quên thân, mới dám hủy hoại thân, nếu không nỗi sân thì thương thân lắm đâu dam làm bậy !

Tới đây tôi nói về giá trị câu thần chú cho qúi vị rõ. Có nhiều người đọc bài kệ có câu thần chú ở sau chót, cho rằng các thiền sư đời Lý, nhất là dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi vừa tu thiền vừa tu mật, nên bài klệ này câu chót là câu “Án tố rô tố rô tất rị”. Nếu không tu mật sao đọc thần chú ? - Đó là một lối hiểu trên hình thức. Trọng tâm của bài kệ này dạy sanh tử nếu không bận lòng thì tâm an nhàn tự tại, không còn chút gì phải suy nghĩ. Khi đọc câu thần chú, lúc đó không có suy nghĩ. Ngài dùng câu thần chú để nói lên tâm trạng của Ngài, lúc sắp tịch không bị sanh tử làm vướng bận chi phối, tâm Ngài vẫn an nhiên tự tại.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM