THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

PHẦN II: THI TỤNG CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ (tt)

THIỀN SƯ MÃN GIÁC

Thiền Sư Mãn Giác sinh năm 1052,  tịch năm 1096, đời thứ 8 dòng Vô Thông Ngôn. Tiểu sử của Ngài đã in trong quyển Thiền Sư Việt Nam, cùng tác giả. Sau đây là bài kệ thị trúng của Ngài. Bài này đa số người học Phật và các nhà văn học đều thuộc làu.

Âm:

            Xuân khứ bách họa lạc,

            Xuân đáo bách hoa khai.

            Sự trục nhãn tiền quá,

            Lão tùng đầu thượng lai.

            Mạc vị xuân tàn hoa lạc tân,

            Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch:

            Xuân đi trăm hoa rụng,

            Xuân đến trăm hoa cười.

            Trước mắt việc đi mãi,

            Trên đầu già đến rồi.

            Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

            Đêm qua sân trước một cành mai.

Giảng:

“Xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa khai”. Xuân đi thì trăm hoa rụng, xuân đến thì trăm hoa nở. Hoa rụng hoa nở theo thời tiết là chỉ cho tất cả sự vật trên đời này theo thời gian mà có thạnh suy, theo thời gian mà có sanh diệt. Thời gian trôi chảy thì mọi vật cũng chuyển biến đổi dời. Như vậy trên cỏi đời này không có sự vật nào mà không bị thời gian bào mòn dũa mỏng.

“Sự trục nhãn tiền quá, lão tùng đầu thượng lai”. Mọi việc trôi qua trước mắt, trên đầu cái già đã đến rồi. Mỗi ngày qua sự vật đổi thay, hoặc là tăng trưởng hoặc là suy giảm. Về mặt tăng trưởng, chúng ta trồng một thửa ruộng, lúa tăng trưởng từ mạ non cho đến lúa trổ bông. Về mặt suy giảm là lúa chín vàng cắt đem về nhà xay thành gạo nấu cơm ăn. Con người chúng ta cũng vậy, cũng theo thời gian mà tăng trưởng hoặc suy giảm. Sanh ra rồi lớn lên đó là tăng trưởng, thoáng chốc đầu bạc, da nhăn, già chết, đó là suy giảm. Như vậy thì sự vật và con người đều bị thời gian chi phối đổi thay không dừng. Cuộc đời là một dòng vô thường biến chuyển, không ai có quyền năng làm cho nó dừng lại. Thế nên già bịnh chết là chuyện dĩ nhiên, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận. Chấp nhận trong tinh thần vui vẻ mới là người biết sống là người tự tại. Còn già bịnh chết đến mà buồn than, đó là người chưa biết sống, bởi chưa biết sống cho nên phải tiếp tục sống hoài, hết đời này tiếp đến đời khác. Bốn câu trên đây Ngài diễn tả sự vật và con người luôn luôn biến chuyển vô thưởng sanh diệt với thời gian.

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai. Đừng bảo rằng mùa xuân hết hoa cũng theo đó mà tàn tạ. Không, đêm qua ở trước sân vẫn còn một cành mai tươi thắm. Một cành mai không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mùa nào nó cũng nở tốt tươi. Muốn thưởng thức mùi hoa mai này, người tu phải chịu cái lạnh giá buốt thấu xương tủy, nên  thiền Sư Hoàng Bá nói “ Chẳng phải một phen xương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”.

Trên cuộc đời này dù con người cho đến sự vật đều bị luật vô thường chi phối, nhưng có một cái không bị vô thường hủy diệt. Cái đó Ngài Ngộ Aán biểu trưng bằng hoa sen, hòn ngọc, ở đây ngài Mãn Giác cũng nhằm chỉ cho cái pháp gốc, cái diệu tánh của mỗi người chúng ta. Cái đó nó không bị thời gian chi phối, hủy hoại. Như vậy cái nhìn của các thiền sư đều như nhau, ngay trong cuộc đời vô thường biến hoại có một cái thường hằng không bao giờ biến hoại. Biết như vậy rồi thì khi chứng kiến cảnh vô thường của sự vật, của thân người, của lòng người, chúng ta không buồn nản. Được như thế mời là người biết sống, sống mạnh và sống vui.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM