THAM ĐỒ HIỂN QUYẾT VÀ THI TỤNG

CÁC THIỀN SƯ ĐỜI LÝ Giảng Giải

H.T THÍCH THANH TỪ

TỔNG  KẾT

Phần Kệ tụng của các thiền sư đời Lý đến đây tạm xong. Sau đây là phần tổng kết để chúng ta thấu suốt được những đều cương yếu qua Kệ tụng của các Ngài. Học các thiền sư đời Lý, sở dĩ chúng ta học phần Kệ tụng, mà không học phần tiểu sử là vì tiểu sử đã được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam và tôi đã giảng rồi. Kệ tụng của các Ngài hàm chứa tinh hoa của Thiền, cho nên tôi đem ra giảng cho quí vị nghe để thấy chỗ nhắm của các Ngài mà thực hành theo. Sau đây tôi sẽ nếu ra những điểm trọng yếu của Thiền qua những bài Kệ tụng của các thiền sư đời Lý.

Trước hết các Ngài phá bốn kiến chấp của con người. Phá bốn bệnh chấp rồi các Ngài chỉ thẳng thể chân thật cho chúng ta nhận. Đối với người tu Phật, trước hết phải có nhận định chín chắn, cái nào giả biết giả, cái nào thật biết thật, muốn nhận ra cái thật mà không biết rõ cái giả, thì không làm sao nhận được cái thật. Như chúng ta vào tiệm vàng để mua, chủ tiệm đưa vàng giả, nếu chúng ta không biết vàng giả thì có mua lầm không ? Nếu không biết vàng giả thì thấy vàng thật chúng ta cũng không biết luôn. Như vậy muốn biết vvàng thật thì trước phải biết vàng giả. Cũng vậy, đặc điểm Kệ tụng của các thiền sư đời Lý là chỉ cho chúng ta biết trọng tâm của người tu là phải nhận được nơi mình cái gì là giả, cái gì là thật. Biết được cái giả để chúng ta không còn mê lầm chạy theo nó. Nhận ra cái thật chúng ta mới an nhiên tự tại. Nếu chúng ta không biết cái giả chấp cái giả cho là thật thì muôn đời không bao giờ nhận ra cái thật. Vì vậy nên các Ngài phá bệnh chấp giả cho là thật.

Trước hết phá bệnh chấp thân. Trên lý tuyết chúng ta tạm chấp nhận nó là giả nhưng thật tế thì thấy thật. Do chúng ta không thấy thân này là giả, nên chấp nó là thật. Thân này không phải thật mà cho là thật là mê lầm. Từ cái mê lầm này sanh ra bao nhiêu thứ sai lầm khác. Như vậy người học Phật đầu tiên phải thấy tường tận thân này không thật. Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy : “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Nghĩa là cái gì có hình tướng đều là hư dối, nếu thấy các tướng không phải tướng là thấy Phật. Nghe Phật nói như thế chúng ta liền hiểu, nhưng khi thu85c hành thì rất khó, đòi hỏi chúng ta phải dụng tâm tu miên mật mới thấu triệt được lý này. Lúc ngồi tu tôi quán sát thấy rõ thân này quá tạm bợ mong manh, chỉ có hơi thở ra hơi thở vào gọi là mạng sống. Mạng sống này do bốn đại hóa hợp mới có, nếu không nhờ bốn đại bên ngoài bồi bổ vào để duy trì mạng sống thì nó không thể nào tồn tại được. Nếu lúc nào đó thân này không còn dung nạp được bốn đại bên ngoài vào thì mạng sống không còn. Như vậy mạng sống là thật hay không thật ? Nếu thật thì tự nó tồn tại không cần vay mượn. Nhưng xét kỹ thì nó luôn luôn vay mượn, cả đời sống chỉ làm một việc là mượn trả, như chúng ta đang ngồi đây làm gì ? Mượn trả không khí phải không ? Không khí ở ngoài là của trời đất, vừa hít vô trả ra nói là hơi của tôi, có vô lý không ? Mượn đất, mượn nước cũng vậy. Nếu mượn trả suôn sẻ thì chúng ta cho là hạnh phúc an vui. Nếu mượn trả trục trặc thì nguy khốn khổ đau, bấy giờ phải đi bệnh viện, phải tìm thầy thuốc chữa trị, phải tốn tiền đủ thứ chuyện lôi thôi. Vậy cuộc sống của chúng ta không có gì quan trọng, cả ngày chỉ làm cái việc mượn vô trả ra mà thôi, thế mà chúng ta cho là quan trọng là thật. Khi thân này còn mượn trả đều đặn thì cho là thân mình thật, nhưng khi ngưng mượn trả, để ba ngày chưa chôn, thử hỏi chúng ta có chấp nhận khối thịt máu sình thúi là thân mình không ? Chẳng lẽ mình là cái thây thúi sao ? Khi sống thì tạm bợ mong manh, lúc chết là đồ bỏ chẳng ra gì. Thế mà trăm người như một cứ lầm chấp cho là thân mình thật, nên đức Phật nói chúng ta là kẻ mê muội đáng thương.

Chính vì mê muội chấp thân này là thật , nên chúng ta thấy những nhu cầu cho thân cũng thật và quan trọng. Do đó mắt thì theo sắc đẹp, tai theo tiếng hay, mũi theo mùi thơm, lưỡi theo vị ngon... Cả ngày đuổi theo những dục lạc của thế gian. Ai cũng đuổi theo dục lạc thế gian và ai cũng muốn thu góp những dục lạc ấy về cho mình. Nếu mình được thì người khác phải mất, do đó tranh dành hơn thua bởi những thứ vay mượn, rồi hại nhau làm khổ lẫn nhau. Giả sử như chúng ta ăn một bữa tiệt thật linh đình, sau mấy tiếng đồng hồ trả ra thì sao ? - Hôi hám dơ bẩn không có giá trị gì hết, có khi nhân bữa tiệt đó, nhậu say rồi chém giết lẫn nhau. Nhân loại ngày nay đang khổ đau vì những thứ vu vơ vô lý đó. Người tu sở dĩ dùng chay lạt chính vì thấy sự vay mượn này không quan trọng nên không tìm cầu để hưởng thụ.

Vậy, nếu thấy thân này không thật thì mọi cố chấp giảm đi, mọi sự đòi hỏi cho thân này giảm bớt thì trong cuộc sống hài hòa vui vẻ. Chúng ta chia sớt giúp đở nhau một cách dễ dàng, tạm sống thì tạm giúp nhau đâu có gì quan trọng. Đó là bước đầu mà các thiền sư đời Lý đã dùng Kệ tụng nhắc nhở chúng ta. Câu đầu bài kệ của thiền sư Vạn Hạnh nói : “Thân như điện ảnh hữu toàn vô”. Thân người như cái chớp hay cái bóng có rồi không. Thiền sư Viên Chiếu thì nói : “Thân như tường bích dĩ đồi thì”. Thân này như tấm vách đã hư mục. Thiền sư Bổn Tịch cũng nói : “Huyễn thân vốn tự không tịch sanh”. Thân này từ chỗ rỗng lặng mà sanh ra chớ không thật có. Chúng ta thấy cái nhìn về thân của các thiền sư thật là chính xác. Do đó nên các Ngài mới đạt được trạng thái tự tại thong dong không còn khổ đau vì nó nữa.

Thứ hai là phá bệnh cháp tâm. Phàm điều gì chúng ta suy nghĩ đều cho là đúng cả. Ít khi nghe ai nói rằng tôi suy nghĩ như thế này biết có đúng không ? Mà chỉ nghe nói tôi suy nghĩ điều này là đúng. Thế nên sống năm ba chục người mà ít thân mến nhau thực sự là do không đồng ý kiến với nhau. Không đồng ý kiến nhau là tại người này nghĩ thế này cho là đúng, người kia nghĩ thế kia cũng cho là đúng, ai cũng bảo thủ cái vọng tưởng hư dối của mình, cố tình bênh vực nó nên đụng chạm nhau hoài. Vì không đồng ý nhau nên ở thế gian vợ chồng phải ly dị, cha con có khi phải từ nhau. Vì không đồng ý nhau nên mới có sự tranh giành ý tưởng này ý tưởng nọ, gây khổ cho nhau. Nhỏ thì ở phạm vi gia đình, lớn thì ra ngoài xã hội, lớn hơn nữa thì cả thế giới. Vọng tưởng hư dối tạm bợ mà con người chấp cho là thật. Chính vì nó mà người thế gian tranh chấp gây khổ cho nhau, người tu càng theo vọng tưởng càng xa đạo. Thế nên các thiền sư đời Lý dùng Kệ tụng để cảnh tỉnh chúng ta. Thiền sư Ngộ Ấn nói : “Hư vô tâm ngộ đắc hà nan”. Tâm rỗng lặng thì ngộ đạo không khó, tâm rỗng lặng tức là vọng tưởng hư dối lặng mất. Vọng tưởng hư dối lặng rồi thì đâu còn tranh chấp hơn thua. Và, ngài Tịnh Không cũng nói : “Trí nhâ vô ngộ đạo, ngộ đạo tức ngu nhân”. Người trí không ngộ đạo, ngộ đạo là người ngu. Tại sao vậy ? Người trí theo thế gian là lanh lợi khôn ngoan, mà lanh lợi khôn ngoan là chạy theo vọng tưởng. Chạy theo vọng tưởng nên không ngộ đạo, vì chưa sống được với thể hằng giác của mình. Ngược lại người ít vọng tưởng, không lanh lẹ nhìn bề ngoài thấy như ngu. Nhưng kỳ thật người ít vọng tưởng tâm sáng rất gần với đạo. Ở pháp hội của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có hai vị “ Ngài Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng, Ngài Thần Tú là giáo thọ của năm trăm chúng, còn Lục Tổ Huệ Năng là ông tiều phu dốt học, vào chùa làm công quá giả gạo và phục dịch chúng tăng, thế mà được Ngũ Tổ truyền ý bát thừa kế Tổ vị. Giai thoại này cho chúng ta thấy rằng cái khôn ngoan lanh lợi ở bên ngoài, không phải là điều kiện tất yếu để ngộ đạo, mà người bên ngoài trầm tĩnh, trong tâm an định mới khả dĩ gần với đạo. Thế nên thiền sư Bảo Giám nói : “Nhược nhân yếu thức tu phân biệt, lãnh thượng phù sơ tỏa mộ yên”. Nếu người muốn biết cái chân thật mà cứ phân biệt, thì chẳng khác nào mây mà phủ trên ngọn núi, không bao giờ thấy được lẽ thật. Thiền sư Sùng Phạm cũng nói “Tâm không cập đệ qui”. Người tu mà tâm rỗng không, vọng niệm lăng xăng đã lặng hết thì người đó thi dậu. Chúng ta thấy vấn đề thi cử ở trường và ở nhà Thiền trái ngược nhau. Ở trường thì phải học giỏi nhớ nhiều mới thi đậu, còn trong nhà Thiền thì vọng tưởng phải lặng hết, như ngu như ngây mới đậu. Tức là gần với đạo hay ngộ đạo.

Thứ ba là phá bệnh chấp hai bên. Người thế gian vì chấp hai bên nên có tốt xấu phải quấy... do đó mà sanh ra tranh chấp với nhau. Tranh cãi nhau là vì người này thấy mình phải cho người kia quấy, ngược lại cũng vậy. Nếu không còn thấy phải quấy tốt xấu thì đâu có cãi nhau. Nếu không thấy hai bên thì quí vị có đi cờ bạc không ? Có đi coi bóng đá không ? Tất cả những trò chơi giải trí này đều kẹt hai bên hơn thua, thế mà nó hấp dẫn và lôi cuốn rất nhiều người. Người nào nếu không kẹt hai bên thì rất dễ tu. Giả sử như có ai đó chê “thầy xấu quá !” Nếu chúng ta không kẹt hai bên tốt xấu thì không còn phiền não, còn kẹt hai bên thì sẽ buồng vì nghe người ta chê mình xấu. Như vậy tất cả những phiền não dấy khởi đều do thấy hai bên. Do đó Thiền sư Khánh Hỷ nói : “lao sanh hưu vấn sắc kiêm không”. Nghĩa là ở đời đừng có nhọc nhằn thưa hỏi sắc cùng không. Vì sắc và không đối đãi nhau không thật. Thiền sư Thông Biện cũng nói : “Sắc không câu bất quản, phương đắc khế chân tâm”. Nghĩa là  sắc và không là hai bên, không cố chấp vào hai bên thì mới hợp với chân tâm tức là hợp với Thiền. Và thiền sư Khánh Hỷ cũng nói : “Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ, thùy tri phàm thánh dữ Tây Đông”. Người được đại dụng trước mắt thì không còn kẹt hai bên phàm với thánh. Như vậy Kệ tụng của các thiền sư dạy chúng ta đừng kẹt hai bên có không, phải quấy, hơn thua... Nếu không kẹt hai bên thì sẽ thấy được lẽ thật.

Cuối cùng các Ngài dạy người học đạo không nên cầu đạo cầu Phật ở bên ngoài. Nếu hướng ra ngoài mà tìm cầu là sai lầm là xa đạo. Chỗ này Ni Sư Diệu Nhân cũng nói : “Mê chi cầu Phật, hoặc chi cầu thiền”. Mê đó cầu Phật, lầm đó cầu thiền. Tại sao cầu Phật là mê, cầu thiền là lầm ? Vì cái gì ta mong muốn tìm cầu là ở bên ngoài không phải sẵn có nơi mình. Song, Phật là tánh giác sẵn có nơi mình, thiền là trạng thái yên tĩnh của tâm mình, nếu hướng ra ngoài cầu là mê lầm. Thế nên tu mà còn hướng ra ngoài mong cầu đủ thứ là tu trong mê lầm, chớ không phải tu trong tỉnh giác. Thiền sư Nguyệt Học cũng nói “Đạo vô ảnh tượng, xúc mục phi diêu, tự phản thôi cầu, mạc cầu tha đắc”. Đạo không có hình tướng, nó sờ mó trước mắt, phải xoay lại mà tìm, chớ tìm nơi khác. Muốn tìm đạo chúng ta phải xoay lại nơi mình để sô`ng với đạo tâm, chớ tìm cấu ở đau xa. Ngài Ngộ Ấn cũng nói “Ngọc phần sơn thượng sắc thường thuận, liên phát lô trung thấp vị càn”. Trong núi có hòn ngọc sắc thường tươi tốt, trong lò lửa có hoa sen nở thật tươi. Ngài nói ngay nơi thân vô thường sinh diệt có cái chân thường không sinh diệt. Thiền sư Đại Xả cũng nói : “Chân tánh linh minh vô quái ngại, Niết bàn sinh tử nhậm già lung”. Cái chân tánh sáng suốt của mỗi người không có gì ngăn ngại, nếu nói sinh tử Niết bàn thì chân tánh bị che đây rồi. Và thiền sư Thường Chiếu cũng nói “Tại thế vi nhân thân, tâm vi Như Lai tạng, chiếu diệu thả vô phương, tầm chi cánh tài khoáng”. Ở đời làm thân người, nơi tâm Như Lai tạng, chiếu soi cùng khắp, tìm đó lại càng rỗng. Thân này ở thế gian mà tâm là Như Lai, tâm đó chiếu soi khắp cả mười phương, nếu tìm kiếm thì càng không thấy.

Tóm lại nhìn chung toàn thể Kệ tụng của các thiền sư đời Lý, nhằm phá những bệnh của người đời cũng như người tu, đó là bệnh chấp thân thật, chấp tâm thật, chấp hai bên và tìm Phật ở bên ngoài. Sau đó chỉ thẳng nơi mỗi người có thể chân thật không sinh không diệt. Đấy là những điểm đặc biệt của các thiền sư đời Lý mà cũng là điểm tinh yếu của Phật Giáo. Tức là đức Phật thành Phật cũng đạt tới chỗ đó, chư Tổ cũng đạt tới chỗ đó. Phật Tổ cũng dạy cho mọi người tu đạt đến chỗ đó. Tu tới chỗ đó mới được tự do hạnh phúc. Tới đây là kết thúc phần giảng Kệ tụng của các thiền sư đời Lý.

 

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM