XUÂN TRONG CỬA THIỀN

TẬP 1, 2, 3.

H.T THÍCH THANH TỪ

HÒN NGỌC HỌ HÒA

TẤT NIÊN 1979

            Năm nay, trước hết tôi xin kể một câu chuyện thế gian. Thuở xưa ở Trung Hoa đời nhà Sở, trên ngọn Kinh Sơn có một người tìm ngọc tên là Biện Hòa. Anh vô núi tìm ngọc, tìm được một hòn ngọc bích. Anh đem về dâng lên cho vua Sở. Vua Sở lúc đó là Sở Lệ Vương. Vua Sở mới đưa cho thợ ngọc xem. Họ trả lời đó là đá chớ không phải ngọc. Vua Sở nổi giận bắt chàng họ Hòa chặt một chân, bảo là khi quân nói dối. Bị chặt một chân, chàng ta mang ngọc về. Thời gian sau Sở Lệ Vương thăng hà. Sở Võ Vương lên ngôi, chàng họ Hòa còn một chân, nhưng cũng mang ngọc tới dâng. Sở Võ Vương bảo thợ ngọc xem. Họ trả lời bảo đó là đá chớ không phải ngọc. Vua nổi giận bắt chàng họ Hòa chặt một chân nữa. Bị chặt hết hai chân chàng họ Hòa mang hòn ngọc trở về. Sau Sở Võ Vương tới Sở Văn Vương lên ngôi. Chàng họ Hòa không còn chân đem dâng ngọc nữa. Anh chàng đành ôm hòn ngọc ở Kinh Sơn mà khóc. Khóc năm, bảy ngày đêm máu ra nước mắt. Sở Văn Vương nghe vậy cảm động cho người tới hỏi và đòi y về triều. Vua Sở hỏi: Tại sao mà ngươi khóc lắm vậy? Có phải vì chặt chân mà ngươi khóc hay chăng? Ông ấy trả lời: -Không phải đau khổ vì bị chặt hai chân mà tôi khóc. Tôi khóc đây vì ngọc mà nói là đá. Khóc vì nói thật mà cho là nói dối.

            Vua Sở Văn Vương bảo thợ ngọc xét lại cho kỹ tìm xem cẩn thận coi phải thật là ngọc hay không? Rốt cuộc đó là ngọc bích rất đẹp. Từ đó về sau mới đặt tên là “Ngọc Bích họ Hòa”.

            Qua câu chuyện đó quí vị thấy cái gì?

            Thiện chí của chàng họ Hòa đưa đến kết quả cụt hai chân. Chàng đau khổ không phải vì cụt hai chân. Đau khổ vì ngọc mà nói là đá. Đau khổ vì nói thật mà cho là nói dối. Quí vị nghĩ sao về tâm trạng của chàng họ Hòa. Hòn ngọc bích của chàng họ Hòa có quí thật hay không? Nếu theo thế gian thì hòn ngọc ấy rất là quí. Nhưng giả sử có người có hòn ngọc quí hơn đem đi tặng thì quí vị nghĩ sao? Người đó có thể lên ngọn Kinh Sơn mà khóc hay không?

            Tôi nhắc lại như trường hợp trong kinh Pháp Hoa, ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh đi tới đâu cũng bái bái nói: “Tôi không dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật.” Như vậy phải chăng Thường Bất Khinh Bồ-tát đã tặng cho chúng ta một hòn ngọc. Khi đó có kẻ thì rầy la có kẻ vác đá chọi chẳng hạn. Nhưng dù muốn dù không hòn ngọc ấy cũng được trở về với mọi người. Đó là tôi nói đại khái nhắc ở trong kinh.

            Bây giờ chúng ta thực tế mà nhìn. Giả sử nếu có người tặng cho quí vị một hòn ngọc quí bằng trăm ngàn lần hòn ngọc ở Kinh Sơn, quí vị có ưng nhận hay không? Nếu ưng nhận quí vị có chịu giữ hay không? Hay là quí vị nhận rồi mà không chịu giữ, quăng lang lệ ở ngoài đường. Như vậy người tặng ngọc có buồn không? Chúng ta thử tưởng tượng một việc tầm thường: Ngọc mà mắt của người không chuyên môn, hoặc chuyên môn mà không đúng mức, còn cho là đá. Khi một người biết quả tang là ngọc mà cứ bị coi là đá hoài thì người đó có đau khổ hay không? Nói thật mà cứ bị nói là dối thì có đau khổ hay không? Đau khổ chặt chân vẫn chưa đau khổ bằng ngọc mà cho là đá, chưa đau khổ bằng nói thật mà cho là nói dối.

            Đó là chuyện xưa mà cũng là tình trạng hiện giờ. Có người tặng cho quí vị những hòn ngọc mà tôi tin rằng những hòn ngọc này quí bằng trăm ngàn lần hòn ngọc Kinh Sơn của họ Hòa. Thế mà có nhiều người xem thường nó hoặc không chấp nhận, hoặc chấp nhận rồi cũng bỏ rơi không gìn giữ. Quí vị có tội nghiệp cho người tặng ngọc đó không? Bây giờ hòn ngọc đó ở đâu và ai tặng cho quí vị? Quí vị có tâm trạng như hai ông vua Sở trước hay không? Mỗi người có hòn ngọc mà không biết giữ. Bây giờ tôi nói thêm giá trị của hòn ngọc. Hòn ngọc bích có quí chăng chỉ là lóng lánh đẹp đẽ trong việc trang sức thôi. Còn có hòn ngọc quí không biết bao nhiêu lần. Hòn ngọc đó làm cho ta an lành tự tại. Có người tặng ngọc tặng một trăm một ngàn người, trăm ngàn người có ngọc mà ngọc tặng không mất. Vậy hòn ngọc của họ chắc nó quí hơn nhiều. Hòn ngọc này nó chẳng những làm cho quí vị no ấm an lành tự tại và bảo đảm cho quí vị kiếp kiếp đời đời không bao giờ mất, không bao giờ khổ. Đó là hòn ngọc tối quí hay là quí tối thượng. Đó là hòn ngọc trong kinh Pháp Hoa, hạt minh châu ở trong búi tóc của nhà vua, tặng cho người thắng trận sau khi trở về hoặc là của người bạn thân tặng cho người bạn cũ đang lang thang, cột trong chéo áo chẳng hạn.

            Đức Phật đã nói rất nhiều về hòn ngọc đó. Hôm nay là ngày cuối năm, tôi nói trong việc tặng ngọc của họ Hòa để quí vị thấy tâm trạng của người tặng ngọc. Bây giờ cũng có người tặng ngọc cho quí vị, quí vị nhớ ráng nhận mà giữ cho người tặng khỏi tủi khỏi buồn mới thật là không hoài công và cũng không phụ lòng người sẵn sàng tặng cho mình.

            Hạt minh châu như thế nào? Tôi sẽ dẫn các Thiền sư để chỉ cho quí vị hạt minh châu có sẵn nơi quí vị. Có một vị tăng đến hỏi Thiền sư Thạch Cựu: Thế nào là hạt châu trong tay Địa Tạng? (Đức Địa Tạng một tay cầm tích trượng, một tay cầm hạt minh châu.) Thiền sư Thạch Cựu trả lời: Trong tay ông lại có chăng? Ông tăng thưa: Con chẳng hội (con chẳng hiểu). Nghĩa là con chẳng biết có hay không? Thiền sư Thạch Cựu nói: Chớ dối đại chúng. Như vậy xác nhận cái gì? Quả tang trong tay ông có hòn ngọc mà ông không biết có hay không? Nếu ông nói không có là ông nói dối đại chúng. Kế đó Ngài làm bài kệ:

                        Bất thức tự gia bảo

                        Tùy tha nhận ngoại trần

                        Nhật trung đào ảnh chất

                        Cảnh lý thất đầu nhân

            Tạm dịch:

                        Báu nhà mình chẳng biết

                        Theo người nhận ngoại trần

                        Giữa trưa chạy trốn bóng

                        Người nhìn gương mất đầu

            Bất thức tự gia bảo: nghĩa là không biết được của báu chính nhà mình.

            Tùy tha nhận ngoại trần: tức là theo kẻ khác mà đi nhận bụi bặm bên ngoài. Của báu nhà thì bỏ quên.

            Nhật trung đào ảnh chất: Chẳng khác nào như người ở giữa trưa mà chạy trốn bóng. Chạy ngoài nắng trốn bóng, chạy đến bao giờ khỏi bóng.

            Cảnh lý thất đầu nhân: Nhìn vô gương thấy cái đầu mình, mặt mình trong gương, quên mất đầu thật mình ở bên ngoài. Xoay gương lại không thấy đầu kêu lên tôi mất đầu rồi. Đó là hình ảnh của chàng Diễn- nhã-đạt-đa trong kinh Lăng Nghiêm. Quí vị thấy chúng ta có giống như chàng ấy hay không?

            Mỗi người có sẵn hạt minh châu ở trong tay, không chịu nhận mà chạy đi nhận những cái gì loanh quanh tầm phào bên ngoài. Những người như vậy chẳng khác nào tự chối mình không có hạt minh châu. Họ giống như người trốn bóng chạy ngoài trời lúc trưa nắng hay là người nhìn gương xoay gương lại cho mình là không có đầu. Đó là cái cuồng vọng. Đó là hình ảnh mà Thiền sư nhắc cho chúng ta biết mỗi người có hòn ngọc như vậy.

            Sau đây là câu chuyện của đức Phật: Một hôm năm vị Thiên vương đến hỏi đạo đức Thế Tôn. Ngài để hạt châu ở giữa, năm vị đứng năm góc. Ngài hỏi hạt châu này màu gì? Mỗi vị nói mỗi màu khác nhau. Ông ở phương đông thấy phản ánh màu trắng, nói màu trắng. Ông ở phương tây thấy phản ánh màu đỏ, nói hạt châu màu đỏ. Cả năm ông nói năm màu khác nhau hết. Thế Tôn cất hạt châu đưa tay lên hỏi: Hạt châu này màu gì? Mấy vị Thiên vương thưa: Trong tay Phật không có châu chỗ nào có màu? Đức Phật quở: - Tại sao các ông mê điên đảo lắm vậy? Ta đem thế châu chỉ cho liền nói có màu xanh vàng đỏ trắng. Ta đem chân châu chỉ cho thảy đều không biết. Tại sao Phật đưa tay không lại nói là chân châu, hạt châu thậät? Quí vị có thấy hạt châu đó không? Ai thấy? Vậy mà năm vị Thiên vương đều ngộ đạo thấy hạt châu hết. Quí vị thấy hay không? Như vậy quí vị có thấy thời thấy chớ tôi không giải thích. Đó là chỉ châu cho quí vị.

            Một câu chuyện khác cũng nói về châu. Có vị tăng hỏi Thiền sư Pháp Đăng: Đầu sào trăm trượng làm sao tiến bước?

            Thiền sư Pháp Đăng đáp: Câm.

            Ngài Út Sơn Chủ khán câu đó do một vị Hóa Sĩ ở Lô Sơn dạy. Ngài khán câu đó như câu thoại đầu trải qua ba năm. Một hôm Ngài cởi ngựa đi qua cầu ván, bất thần con ngựa đạp nhằm chỗ mục lọt chân xuống dưới. Ngài té nhào xuống ngựa. Bỗng nhiên Ngài đại ngộ bèn làm bài tụng:

                        Ngã hữu minh châu nhất khỏa

                        Cữu bị trần lao quan tỏa

                        Kim triêu trần tận quang sanh

                        Chiếu phá sơn hà vạn đóa

            Tạm dịch:

                        Ta có một viên minh châu

                        Đã lâu bị bụi vùi sâu

                        Hôm nay bụi sạch sáng sanh

                        Soi thấu núi sông vạn cảnh

            Như vậy Ngài lượm được hạt châu ở đâu? Quí vị thấy chỉ cần khán câu đó bất thần thấy hạt châu của mình. Nghĩa là mình có viên minh châu lâu rồi chôn vùi dưới bụi, cho nên hôm nay bất thần bụi tan ánh sáng phát hiện. Nó sáng chiếu khắp sơn hà đại địa. Đó là diệu dụng của hạt minh châu. Như vậy quí vị thấy nó quí vô cùng vô tận.

            Tôi đã nói về hạt minh châu, bây giờ nói qua danh từ hơi khác hơn không còn là hạt minh châu. Tên nó khác mà thể không khác. Đây là Thiền sư Thọ ở Hưng Giáo. Một hôm ở trong hội Quốc sư Đức Thiều, Ngài bửa củi. Khi củi Ngài bửa tét ra liền ngộ đạo và làm bài kệ:

                        Phóc lạc phi tha vật

                        Tung hoành bất thị trần

                        Sơn hà cập đại địa

                        Toàn lộ Pháp vương thân

            Tạm dịch:

                        Bửa tét không vật khác

                        Dọc ngang chẳng phải trần

                        Núi sông và quả đất

                        Toàn bày thân pháp vương

            Bửa củi tét ra thì bày thân Pháp vương chớ không ở đâu xa lạ. Như vậy người tu thiền ngộ đạo không phải ở trong giờ phút yên lặng mà ngộ đạo. Có thể trong lúc đi đường bất chợt gặp cái gì đó cũng có thể ngộ được. Trong khi làm công tác bửa củi tét ra mình cũng ngộ đạo. Đó là tinh thần Thiền Tông thấy đạo bất cứ lúc nào. Lúc Ngài bửa củi Ngài có tu hành không? Cũng như ngài Úc Sơn Chủ lúc cởi ngựa có tu hay không? Nếu không tu tại sao bất thần Ngài ngộ đạo. Như vậy để thấy người xưa, đi đứng nằm ngồi, bất cứ một hoạt động nào của các Ngài cũng không bỏ quên tâm niệm tu hành của các Ngài. Chính ôm ấp như vậy, mài dũa như vậy nên mới có cơ phát hiện ra. Còn chúng ta, đi thì lo nói chuyện thế gian, bửa củi thì nói gì cho vui để quên mệt. Vì vậy mà chúng ta không thấy đạo ở chỗ đó.

            Bây giờ không nói chuyện châu, mà chuyện khác thâm thúy hơn. Thiền sư Thạch Thê, cháu ngài Nam Tuyền gọi Nam Tuyền bằng Sư ông. Một hôm, chú thị giả mời Ngài đi tắm.

            Ngài bảo: Đã chẳng rửa bụi cũng chẳng rửa bợn tắm làm gì? (Vì trong bài kệ tắm Phật có câu: Nước không có rửa bụi không có rửa bợn.)

            Chú thị giả thưa: Hòa thượng đi trước con đem xà phòng đến sau.

            Sư cười.

            Như vậy chú thị giả lạc đề nên Ngài cười phải vậy không?

            Một hôm Ngài hỏi chú thị giả: Đi đâu?

            Thị giả thưa: Con lên trai đường.

            Sư bảo: Ta đâu không biết người lên trai đường.

            Thị giả thưa: Trừ ngoài việc này, riêng nói cái gì?

            Sư bảo: Ta chỉ hỏi việc bổn phận của ngươi.

            Chú thị giả thưa: Nếu hỏi việc bổn phận, con thật là đi lên trai đường.

            Sư bảo: Quả thật là thị giả của ta.

            Quí vị thấy chú thị giả ăn nói gì mà lệch lạc vậy. Mời Ngài đi tắm, Ngài bảo: Nước không phải rửa bụi cũng không phải rửa bợn, tắm làm gì? Thị giả không trả lời câu đó mà nói: Hòa thượng đi trước con đem xà phòng theo sau.

            Sao lạ vậy?

            Đoạn sau thấy ông thị giả bưng bát lên trai đường, Ngài hỏi đi đâu? Ông thị giả thưa: Con đi lên trai đường. Ngài nói ta đã biết ông đi lên trai đường, chính Ngài muốn hỏi cái gì đó.

            Thị giả thưa: Ngoài việc đi lên trai đường, Hòa thượng bảo con nói cái gì bây giờ?

            Ngài đáp: Ta hỏi việc bổn phận của ngươi.

            Khi nghe, ông thị giả thưa: Nếu Hòa thượng hỏi việc bổn phận của con thì quả thật là con đi lên trai đường. Ngài liền khen ông mới thật là thị giả của ta.

            Quí vị thấy ông thị giả đó đáng là thị giả chưa?

            Tôi nhắc thêm một Thiền sư nữa. Ngài Bổn Nhân ở huyện Bạch Thủy, đệ tử của ngài Động Sơn. Một hôm Ngài thượng đường nói với chúng: Trong con mắt dính cát chẳng được, trong lỗ tai dính nước chẳng được.

            Một hôm vị Tăng bước ra hỏi: Tại sao trong con mắt dính cát chẳng được?

            Ngài đáp: Hợp chân không sánh.

            Tăng hỏi: Tại sao trong lỗ tai dính nước chẳng được?

            Ngài đáp: Trắng sạch không nhơ.

            Quí vị thấy trả lời sao mà lệch lạc vậy?

            Trong con mắt dính cát không được, điều đó ai cũng nhận rõ. Trong lỗ tai dính nước không được, đó cũng chẳng khó hiểu.

            Nhưng tại sao con mắt dính cát không được? Ngài đáp: Hợp chân không sánh. Tức là hợp với cái chân không có gì so sánh cả.

            Hỏi: Tại sao lỗ tai dính nước không được?

            Ngài đáp: Trắng sạch không nhơ.

            Như vậy, Ngài nói chuyện gì? Ngài có chỉ hạt châu cho quí vị hay không? Ngài nói có giống đức Phật đưa tay lên cho năm vị Thiên vương đó chăng?

            Đó là lối diễn tả khác mà cùng một nghĩa.

            Đó là đạo vị thâm thúy mà người đọc hơi đau đầu. Không biết đức Phật nói cái gì? Thiền sư nói cái gì? Chẳng lẽ mỗi cái tôi giải thích hết, không hay.

            Bây giờ tôi kể chuyện một bà ni. Bà Viên Ấn đến tham vấn Thiền sư Chân Diễn ở Trúc Am.

            Thiền sư hỏi bà Ni: Thế Tôn đưa cành hoa, ngài Ca-diếp cười chúm chím, là cười cái gì?

            Quí vị thử trả lời thế bà Ni ấy thử coi.

            Bà Ni này hét một tiếng. Hét một tiếng thôi không trả lời câu nào nữa hết.

            Thiền sư bảo: Tiếng hét này rơi vào chỗ nào?

            Bà Ni thưa: Chẳng cần nghĩ đến. Tức chẳng cần nghe đến nó rơi vào chỗ nào?

            Thiền sư dựng phất tử hỏi: Cái này là gì?

            Bà Ni thưa: Chẳng được vọng thông tin tức. Tức là không được dối thông tin tức.

            Thiền sư hỏi: Vừa rồi Sơn tăng nói gì?

            Bà Ni thưa: Lời trước đâu còn.

            Thiền sư bảo: Sơn tăng tuổi già.

            Bà Ni thưa: Tuổi già thì được, liền lễ bái.

            Quí vị thấy trả lời có lạc đề không?

            Đưa cây phất tử lên hỏi cái này là cái gì? Mà nói không được dối thông tin tức.

            Bà Ni đó ở đời nhà Thanh niên hiệu Khương Hi. Bà gần chúng ta nhất ở Trung Hoa. Trả lời như vậy, quí vị thấy bà Ni ấy ra sao? Tiếc rằng câu chuyện này kể cho quí vị nghe hơi đau lỗ tai, nhưng tôi cứ kể vì muốn hiến châu cho quí vị.

            Đây là câu chuyện Thiền sư Huyền Thiết Dung, Ngài thượng đường nói chuyện với đại chúng. Ngài đăng pháp tòa chúng nhóm họp đầy đủ thì Ngài bước xuống tòa. Ông trị sự tức quá chạy lại nắm đứng Ngài lại hỏi: “Tại sao không dạy một lời liền bước xuống tòa.” Ngài trả lời: “Sơn tăng sáng ăn hai chén cháo nguội trong bụng có chút bất an, đợi đi cầu một chút, hãy vì các ông nói.”

            Chúng ngơ ngác không biết gì. Ngài về phương trượng không ra nữa.

            Tại sao kỳ vậy? Quí vị thấy câu chuyện này có lạ không? Như vậy Ngài làm cái gì? Ngài có nói pháp cho chúng ta nghe chưa? Thật tình Ngài có đau bụng hay không? Đó là một câu chuyện đặc biệt.

            Một hôm khác Ngài cũng thượng đường nói: Sơn tăng hôm qua đi thọ trai trong xóm, nhai nhằm một hạt cát hắc quang, cho đến sáng nay răng vẫn còn đau không thể cùng chư huynh đệ nói vàng nói trắng. Nói xong Ngài bước xuống tòa và trở về phương trượng luôn.

            Sao lạ vậy. Như vậy Ngài có thuyết pháp câu nào chưa?

            Một hôm nọ, Ngài hỏi một vị tăng: Người xưa nói: Ăn cháo xong rửa bát đi là thế nào? (Đó là Ngài dẫn câu ngài Triệu Châu hỏi Thiền khách: Ăn cháo chưa? Thiền khách đáp: Ăn cháo rồi. Ngài Triệu Châu bảo: Rửa bát đi. Vị Thiền khách liền ngộ đạo.)

            Quí vị nên lắng nghe vị tăng trả lời: Khi hôm trong mộng có người hỏi con câu này, vì lúc đó con mê ngủ nên không đáp cho y.

            Sư bèn thôi, và gật đầu.

            Ông Tăng có lạc đề hay không? Quí vị thấy câu chuyện này có hơi lý thú và là lạ. Tôi không giải thích mỗi người tự hiểu.

            Qua một Thiền sư khác, Thiền sư Quảng Thanh. Đầu mùa Xuân năm Canh Thân đời Khương Hi tức là đời nhà Thanh, Ngài mang bệnh ba tháng trời. Hôm nọ đệ tử là Viên Tịnh dẫn chúng vào phương trượng để hỏi thăm và cầu thầy chỉ dạy.

            Sư bảo: Sơn tăng xưa nay không dính mê ngộ. Bị bệnh kiết ba tháng khiến thân gầy bày xương. Nếu người hiểu đạo như thế bảo đảm siêu Phật vượt Tổ. Nói xong Ngài nằm nghiêng bên mặt mà tịch.

            Như vậy Ngài dạy cái gì? Ngài dạy làm sao? Tôi nhắc lại câu chuyện tổ Hoàng Bá mà tôi đã kể năm nào. Dưới Mã Tổ có tám mươi ba Thiện tri thức nhưng chỉ có ngài Qui Tông là ỉa chảy đầy đất. Ở trong nhà Thiền có những câu chuyện tương tợ như vậy.

            Ngài Quảng Thanh nói Ngài bị bệnh kiết ba tháng. Bây giờ sạch hết thân gầy bày xương. Nếu người nào hiểu được việc đó, thì siêu Phật vượt Tổ.

            Như vậy Ngài dạy chúng ta cái gì?

            Đó là câu chuyện kết thúc buổi nói chuyện của tôi. Khi đọc qua câu chuyện đó chúng ta cảm thấy như Ngài tả bệnh trạng của Ngài. Bệnh hoành hành làm cho Ngài đi tiêu chảy, không còn gì trong bụng hết. Ốm gầy còn da bọc xương. Có phải vậy không?

            Thiền sư nói nửa thật nửa hư. Mượn bệnh của mình để chỉ cái khác. Thật tình nếu chúng ta là người biết tu Thiền hay là tu theo đạo Phật, chỉ có một chuyện là uống thuốc xổ thôi, là chúng ta hết bệnh. Chúng ta tích lũy cái độc đã nhiều năm, chất độc chứa lâu quá rồi thành ra sanh chứng bá bệnh. Bây giờ muốn hết chỉ còn phương thuốc là xổ. Xổ sạch rồi là chúng ta lành bệnh. Đó là phương pháp duy nhất, mà khổ nỗi thiên hạ ở đây không chịu xổ hết. Đã tích độc rồi mà muốn tích thêm hoài, ngày nào cũng thêm mà không chịu xổ. Quí vị xem có phải vậy không?

            Đi ra ngoài chợ nghe người ta nói câu gì bất như ý về nhà nằm thở ra thở vô rồi tức. Như vậy là biết xổ chưa? Những cái gì hay, những cái gì dở năm trên năm dưới gì đó, nếu rảnh ngồi lại thì ôn nó trong đầu. Ôn tới ôn lui hoặc cười hoặc tức. Chúng ta tích lũy những thứ đó từ ngàn đời mà không chịu xổ. Do không chịu xổ, rồi gầy xanh mét. Hơn nữa, còn biến ra đủ thứ bệnh trạng. Rồi cứ kêu tôi đau quá, tôi khổ quá không ai cứu dùm. Khi đó Phật bảo xổ không chịu xổ. Đó là bệnh không thể cứu được, nếu không chịu xổ. Phải vậy không?

            Thành thử cuối năm tôi nhắc lại câu chuyện của chúng ta. Không có gì hơn là cuối năm chúng ta xổ hết cái gì trọn năm chúng ta dồn vô làm cho mình bận bịu làm cho mình khó khăn khổ sở. Hôm nay là ngày cuối năm, quí vị nên xổ hết để rồi sang năm tới chúng ta sạch bong như Ngài, chỉ còn thân gầy bụng trống. Không thì cứ ấm ách trong bụng và chúng ta sẽ đau khổ dài dài không biết đến bao giờ hết.

            Như tôi đã nói, chúng ta đã có sẵn viên ngọc quí trong tay, quí vô giá không gì bì được, mà lại vùi nó trong bụi. Bây giờ muốn cho viên ngọc nó bày ra thì phải phủi cho sạch bụi. Bụi sạch thì viên ngọc mới bày.

            Ở đây chúng ta xổ hết cái độc đó thì tức nhiên trắng sạch, cái chân thật cũng hiện ra.

            Tu là biết buông tất cả những gì đã nắm. Nếu càng tích lũy thì càng khổ đau. Cho nên người biết tu chỉ cần xả hết cái tích lũy đó, thì an lành tự tại.

            Thiền sư không muốn nói danh từ chuyên môn đó, mà nói là tiêu chảy. Bao nhiêu phiền não tích lũy mà mình xổ được ra rồi thì sẽ nhẹ nhàng. Khi chúng ta sạch hết trần lao thì viên ngọc phát ánh sáng. Hết phiền não là Bồ-đề hiện ra. Đó là chủ yếu của sự tu hành.

            Tất cả chúng ta cùng tu, nguyện một đời đi tới chỗ an lành tự tại. Nói theo đây là nắm được hòn ngọc của mình, lúc nào cũng sẵn sàng trong tay. Lau nó sạch, không còn để dính tí bụi bặm nào, thì tất cả diệu dụng của nó sẽ hiện tiền. Đó là việc thiết yếu của người tu. Nếu được như vậy rồi thì bao nhiêu đau khổ sẽ theo đó mà hết. Cũng như kẻ nghèo, đói khát lang thang mà được của quí rồi thì sẽ hết nghèo mà trở thành sang cả. Bao nhiêu cái đau khổ của chúng ta theo cái xả đó, tức là theo cái lau sạch tất cả phiền não trần lao đó mà chúng ta sẽ được an lành tự tại. Đó là đường lối tu đơn giản để tiến đến chỗ giải thoát.

            Như vậy mong rằng sang năm tới tất cả chúng ta đều xổ hết những cái cũ để tâm hồn trong trắng hầu hưởng một mùa Xuân Di-lặc hoàn toàn.

]

 
 

THIỀN TÔNG VIỆT NAM