THANH QUI TẬP
THIỀN VIỆN CHƠN KHÔNG

PHẦN   I
THANH  QUI

A- MỤC ĐÍCH THÀNH LẬP THIỀN VIỆN CHƠN KHÔNG

I- CẦN CÓ CHỖ ĐỂ CHƯ TĂNG TU TẬP :

          Ngày xưa mỗi ngôi chùa là một Tòng lâm, một Thiền-viện, nằm trong khung cảnh yên tỉnh tịch mịch, là chỗ để cho chư Tăng tu tập. tín đồ thỉnh thoảng lai vãng hỏi đạo cúng dường. Ngôi chùa xưa đa số là ở núi non hoặc nơi xa thành phố, có cây cao, có vườn rộng thích hợp với tâm hồn thanh tịnh của chúng Tăng, đủ sức dung chứa nhiều người ở đây tu tập. Vì thế, một ngôi chùa là một Thiền-viện rồi.

          Ngày xưa vì tai nạn chiến tranh, hầu hết chùa chiền đều cất trong thành phố, vừa ồn ào vừa chật hẹp lại là chỗ qui tụ tín đồ cung kính lễ lượt liên miên. Thành thử những ngôi chùa hiện giờ nặng về hướng dẫn Phật tử hơn là để độ Tăng tu tập. Bởi không có chỗ đầy đủ trợ duyên lành cho những vị Tăng hiếu tu quyết tâm cầu giải thoát, nên họ phải bỏ dở nửa đường không biết nương tựa vào đâu. Để giúp đỡ những người hiếu tu ấy, chúng tôi mới thành lập Thiền-viện nhỏ này. Mong rằng Thiền-viện nhỏ này sẽ mở đường cho những Thiền-viện lớn trong tương lai, nếu giáo hội thấy cần thiết.

II - CỨU VÃN SỰ TU SAI LẠC VÀ GIẢM THIỂU AM CỐC

          Chùa chiền hiện nay không thích hợp với những người ham tu quyết tâm cầu giải thoát, cho nên họ tự tiện tìm chỗ thích hợp với mình, cất am cốc riêng để tự tu, không thầy hướng dẫn, không bạn nhắc nhở thì làm sao tránh khỏi những sự lạc lầm. Bởi thiếu thầy lành bạn tốt, cho nên họ tu một lúc lại sanh bệnh hoạn điên cuồng hoặc chạy theo tà giáo, hoặc tuy hình thức xuất gia mà cử chỉ lời nói không khác gì thế tục. Muốn cứu vãn những tệ hại ấy, cần phải lập Thiền-viện.


III - PHẬT GIÁO MUỐN ĐƯỢC MIÊN VIỄN


          Phật giáo muốn được sống mãi trong lòng nhân loại cần có đủ hai mặt:

          a- Từ thiện xã hội: Muốn thực hiện từ bi, Phật giáo phải đi sát quần chúng để chia sớt nỗi đau khổ của họ và hướng dẫn họ trở về với Đạo. Đây là trách nhiệm của Tăng, Ni nặng lòng từ bi muốn đem đạo vào đời để xoa diệu vết thương đau của   họ, hoặc đem đời vào Đạo đặng cứu rỗi những tâm hồn đang sa đọa trong hắc ám vô minh. Đó là bề rộng của Phật giáo.

          b- Chuyên tu cầu giải thoát: Chủ yếu của Phật giáo là cứu người thoát khỏi vòng trầm luân sanh tử. Bao nhiêu kinh điển bao nhiêu phương tiện đều không ngoài mục đích ấy. Vì thế, nếu người tu chỉ một bề lo làm việc từ thiện xã hội, hoặc giảng dạy để hướng dẫn người về với Đạo mà thiếu sự chuyên tu cầu giải thoát là đã hạ giá trị Phật giáo xuống thấp. Khi người tín đồ đã hiểu Tam qui, Ngũ giới, Nhân quả, Luân hồi,... họ muốn tiến lên cầu giải thoát, thử hỏi họ sẽ trông cậy vào đâu, nếu không có những vị Tăng chuyên tu để hướng dẫn họ.

Hơn nữa, chư Tăng phải tự mình được độ mới có thể độ được người, tự mình giải thoát mới cứu được người giải thoát. Do đó, sự chuyên tu không thể thiếu ở một tu sĩ nào. Nếu có làm việc từ thiện xã hội, giảng gaỉi... cũng chỉ là phương tiện trong buổi đầu của tu sĩ mà thôi. Chỗ cứu cánh của tu sĩ là phải thực hiện kỳ được sự giải thoát trong đời hiện tại của mình. Nếu không có Tu-viện thì lấy đâu làm chỗ ẩn trú vững vàng để tu sĩ thực hiện hoài bảo của họ? Nếu Phật giáo chỉ lo làm việc từ thiện xã hội hoặc bố thí cúng dường làm phước thì có khác gì những tôn giáo khác hay những đoàn thể từ thiện khác. Như vậy hoặc vô tình hay cố ý khiến Phật giáo không còn gì cao siêu kỳ đặc nữa. Cho nên, lập Tu-viện để có một số Tăng sĩ chuyên tu đó là khai thác bề sâu của Phật giáo.

          Nếu Phật giáo chỉ lo mở mang bề rộng mà thiếu khai thác bề sâu thì khó mong tồn tại lâu dài. Để cứu vãng chỗ thiếu sót hiện giờ của Phật giáo, lập Tu-viện dành cho một số Tăng sĩ chuyên tu là việc là việc làm tối thiết yếu vậy.

IV - ĐỂ LÀM SÁNG TỎ TỪNG PHÁP TU

          Phật giáo có chia nhiều tông phái, mỗi tông phái có một pháp tu riêng. Mỗi pháp tu phát triển đến cứu cánh thì sự tu hành mới có thể chứng đắc được. Phật giáo Việt Nam thừa hưởng gia tài của Phật giáo Trung Hoa. Ở Trung Hoa Phật giáo có chia làm mười tông, nhưng hiện lưu hành trên đất Việt Nam chỉ có hai tông chánh là Thiền tông và Tịnh Độ tông. Chúng tôi hy vọng ở Việt Nam sẽ ra đời nhiều Tu-viện sau này, mỗi Tu-viện chuyên tu về Thiền hay Tịnh. Trong mỗi Tu-viện sẽ có một vị thầy đủ sức hướng dẫn và khai thác triệt để những quyển kinh, luận chuyên về tông phái của mình. Có thể, những người tu mới khỏi lo sợ lạc lầm và mỗi ngày niềm tin càng vững chắc. Cũng nhờ đó, người ta mới thấy đường lối tu hành rõ ràng và giáo lý Phật càng sáng tỏ hơn.

V - THIỀN VIỆN CHƠN KHÔNG NHẰM LÀM  SỐNG LẠI THIỀN TÔNG VIỆT NAM

          Phật giáo có mặt trên lãnh thổ Việt Nam hầu hết đều kế thừa các vị Thiền sư từ Trung Hoa sang. Mở đầu là ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, kế ngài Vô-Ngôn-Thông, ngài Thảo-Đường, và sau này ngài Nguyên Thiều... Bởi kế thừa Thiền-tông nên Phật giáo Việt Nam ngày xưa đều gọi chung là Thiền gia (nhà Thiền), Thiền-môn (cửa Thiền), Thiền-lâm (rừng Thiền)... Nhưng gần đây Tăng sĩ Việt Nam dường như quên lãng Thiền tông, chỉ tôn sùng Tịnh Độ tông. Thật là một sự mất gốc đáng tiếc của Phật giáo Việt Nam. Không nở để cho Thiền tông mai một ở Việt Nam, Thiền-viện Chơn Không chúng tôi sẽ cố gắng khai thác những kinh luận về Thiền tông và thực hành tu tập theo Thiền tông, để làm sống lại nền Phật giáo cố hữu lại Việt Nam.

B - ĐƯỜNG LỐI TỔ CHỨC THIỀN VIỆN CHƠN  KHÔNG

I.  BAN CHỨC SỰ

          Ban chức sự của Thiền viện được quy định như sau:

          1- Viện chủ: Cai quản toàn viện, hướng dẫn sự tu hành và giảng dạy kinh luận. Trọn quyền trong việc thâu nhận người vào viện và quyết định mời đi nếu vị nào không giữ đúng nội quy Thiền viện.

          2- Quản viện: Trông coi tất cả tài sản của viện, thọ nhận tất cả đồ cúng dường, mua sắm ăn mặc và những nhu cầu cho chúng phân chia phẩm vật và xem xét sự thiếu đủ của chúng để lo liệu

          3- Tri sự: Sắp đặt mọi công tác trong viện là những thời khóa học tu công cộng của chúng, xem sóc vườn tược và phân công người làm cỏ.

          4-  Tri khách: Tiếp những khách đến Thiền viện, sắp đặt sự ăn ở của khách, đặt người gát chuông, thay mặt toàn chúng tiếp xúc chánh quyền nếu có việc cần.

          5- Tri khố: Gìn giữ lương thực ở nhà trù và sắp đặt người làm bếp đi chợ.

          6- Thư ký: Đánh máy những văn thư của Thiền viện và bài học của chúng. Gìn giữ những phòng phẩm của Thiền viện.

          7-   Hương đăng: Lo việc hương đèn và quét dọn trên chùa, giữ trách nhiệm đánh kiễng cho tất cả thời khóa tu học và công tác.

II.  THÂU CHÚNG

          Thiền viện Chơn Không đối với số Thiền sinh chỉ trọng phẩm không nghĩ đến lượng. Vì thế, khi Thiền viện thành hình số Thiền sinh tối thiểu là bốn vị, tối đa là hai mươi vị. Những Thiền sinh xin vào Thiền viện phải lựa chọn kỹ càng. Thiền viện tổ chức từng khóa một, mỗi khóa ba năm. Những Tiền sinh tu tại đây ba năm mãn khóa sẽ được bổ nhiệm đi nơi khác ngoại trừ trường hợp cần giúp việc cho Thiền viện, hoặc tuổi nhỏ, hoặc phát nguyện nhập thất mới giữ lại.

          Mỗi Thiền sinh khi vào Thiền viện phải có đủ giấy tờ hợp pháp, không mắc bệnh truyền nhiễm, phải được Bổn sư hoặc Y chỉ sư giới thiệu, phải có ý chí xả thân vì cầu đạo giải thoát.

 

 NỘI  QUI

I   LỜI MỞ ĐẦU:

          Một Thiền viện muốn có qui củ, có đường lối tu hành vững chắc lâu dài, tất cả Thiền sinh tại các Thiền viện phải triệt để tuân hành đúng Nội qui của Thiền viện. Nội qui không phải sự ép buộc Thiền sinh sống trong cảnh cơ cực vô lý, mà do Thiền sinh tự nguyện khép mình trong khuôn khổ phù hợp với Đạo giải thoát. Nói đúng hơn, nội qui là vị Hộ pháp đầy đủ oai lực để bảo vệ toàn vẹn những người tu hành đạt được sở nguyện của mình. Vì thế, không một Thiền sinh nào đã phát nguyện vào Thiền viện mà có thể lơ là với Nội qui.

II  PHẦN CHÁNH :

A.  Tuân hành lục hòa :

          Để thành một đoàn thể Tăng đúng với ý nghĩa Tăng Thiền sinh trong Thiền viện phải hoàn toàn tuân hành lục hòa :

          1/  Thân hòa đồng trụ:  Về phần thân, ăn mặc, ở và công tác tất cả Thiền sinh đều hòa đồng nhau.

          2/  Khẩu hòa vô tranh: Về phần miệng, luận bàn nói chuyện Thiền sinh đều dùng lời hòa nhã, không bao giờ có lớn tiếng cãi rầy.

          3/  Ý hòa đồng duyệt:  Đối đãi nhau, Thiền sinh luôn luôn tâm ý vui hòa không nên cố chấp phiền hận.

          4/  Giới hòa đồng tu: Tất cả Thiền sinh trong Thiền viện đều giữ 10 giới làm căn bản và sống đúng nội qui.

          5/  Kiến hòa đồng giải: Sống chung nhau, Thiền sinh có những hiểu biết đều giải bày cùng nhau đồng hiểu đồng cảm thông, không nên có thành kiến riêng tư.

          6/  Lợi hòa đồng quân: Tất cả tài lợi trong Thiền viện là của chung của những Thiền sinh hiện có mặt, đều phải chia đồng đều nhau, không ai có quyền nhận giữ riêng một vật gì.

B.  Giữ mười giới làm căn bản :

          Phần giới luật, Thiền sinh trong Thiền viện phải giữ kỳ được 10 giới làm căn bản :

          1/    Không sát sanh

          2 /   Không trộm cắp

          3/    Không dâm dục

          4/    Không nói dối

          5/    Không uống rượu

          6/    Không dùng dầu thơm, các chất thơm xoa mình và không đeo đồ trang sức.

          7/    Không nghe ca nhạc và tự hát múa.

          8/    Không nằm giường đẹp rộng lớn

          9/    Không ăn chiều

          10/  Không giữ vàng bạc và châu báu.

C.  Tóm kết

Trong phần chánh này, Thiền sinh nếu phạm một hoặc nhiều điều, tùy nặng nhẹ hoặc phạm một lần liền mời ra khỏi Thiền viện, hoặc cảnh cáo đến ba lần mà không sửa sẽ mời ra khỏi Thiền viện.

III  PHẦN PHỤ :

       1/ Để giữ tâm hồn thanh tịnh thuần Đạo lý, Thiền sinh không được đọc báo chí, sách vở ngoài đời và dùng Radio nghe tin tức.

       2/ Để tiết kiệm tài sản của Thiền viện cũng như của tín đồ, Thiền sinh tuyệt đối không hút thuốc, không uống bia và các thứ có tánh cách xa xí.

       3/ Để tiết kiệm thì giờ tu học tu học, Thiền sinh không được tiếp khác quá 15 phút.

       4/ Để giữ được điều hòa thứ sáu, Thiền sinh tuyệt đối không được nhận tiền bạc vật dụng cúng dường riêng dù nhiều dù ít đều giao cho Quản viện chia đồng nhau (% nếu có người cúng dường).

       5/  Để tránh mọi hoài nghi của người, có việc cần đến am cốc Ni, Thiền sinh không được đi một mình.

       6/  Để giữ trật tự cho Thiền viện, tất cả khách đến và ở lại đều do Tri khách sắp đặt, không một Thiền sinh nào được quyền lo riêng dù là thân nhân của mình.

       7/ Để phù hợp với tinh thần thiền, Thiền sinh không nên dụm ba họp bảy cười nói ồn náo, chỉ được hợp bàn Đạo lý một cách êm ái.

       8/  Để tâm ý khỏi xao động, Thiền sinh hạn chế tối thiểu sự đi lại, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.

       9/  Để thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tất cả Thiền sinh phải triệt để tương trợ nhau không phân biệt thân sơ.

       10/  Để thực hiện một đời sống đơn giản, mỗi Thiền sinh chỉ được ba bộ đồ ngắn, hai áo tràng và y hậu, toàn bằng cải màu vàng.

       11/ Thư từ qua lại phải trình thầy Viện chủ xem qua.

Trong những điều phụ này nếu Thiền sinh nào phạm sẽ bị mời ra khỏi Thiền viện.
 

 MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

 1.  Nghĩ đến thân chẳng cầu không bệnh, thân không bệnh thì tham dục dễ sanh.

2.  Ở đời, chẳng mong không nạn, không nạn thì kiêu xa ắc khởi.

3.  Tham cứu tâm, chẳng cầu không chướng, tâm không chướng thì việc học không vượt bật.

4.  Lập hạnh, chẳng mong không ma, không ma thì thệ nguyện không vững.

5.  Sắp đặc việc, chẳng cầu dể thành, việc dể thành thì chí còn khinh mạn.

6.  Tình nghĩa qua lại, chẳng mong lợi mình, lợi mình thì kém tổn đạo nghĩa.

7.  Đối tiếp người, chẳng cầu nuông chiều, được nuông chiều thì tâm sanh kiêu căng.

8.  Thi ân bố đức, chẳng mong đền đáp, mong đền đáp là ý còn mưu toan.

9.  Thấy lợi, chẳng cầu mình được, được lợi thì tâm si dễ động.

10. Bị hàm oan, chẳng cầu minh oan, minh oan thì oán hận càng sanh.

Thế nên, Thánh nhơn lập bày giáo hóa, lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm tiêu dao, lấy chướng nạn làm giải thoát, lấy chúng ma làm bạn pháp lấy khó khăn làm thành công, lấy kẻ giao hữu tệ bạc làm sự giúp ích, lấy người nghịch làm vườn đẹp, lấy bố đức làm dép rách, lấy lợi sơ sài làm giàu sang, lấy oan ức làm cửa hạnh.

Như thế ở chỗ ngại biến thành thông, mong được thông trở thành ngại. Như thế Như Lai ở trong chướng ngại được Đạo Bồ Đề.. Đến như bọn ông Ương Quật Ma La và Đề Bà Đạt Đa đều đến làm hại, mà đức Phật vẫn thọ ký cho họ sau sẽ thành Phật. Đâu không phải họ là nghịch mà ta vẫn thuận, kia là hoại mà ta lại thành.

          Song thời nay người thế tục học đạo, nếu trước không ở chỗ ngại, khi chướng ngại đến khó bề dẹp nỗi, khiến của báu Pháp Vương do đó mà mất. Đâu chẳng tiết ư ! Đâu chẳng tiết ư !

 (Bảo Vương Tam Muội Luận)

 

C.  PHƯƠNG TIỆN TIẾN TU

Thiền Tông chủ trương lấy tánh làm yếu môn nhập Đạo, không dùng những phương tiện quanh co. Song vì căn cơ người thời nay chậm lụt khó nhận được bản tánh, nên tạm dùng phương tiện hướng dẫn cho họ gọt giũa lần lần để phút giây nào đó tự họ trực ngộ. Phương tiện đó là thời khóa tu tập hằng ngày của chư Tăng tại Thiền viện.

THỜI KHÓA HẰNG NGÀY

Sáng :

04 giờ đến 06 giờ      : Tại nhà công cộng tại nhà thiền (Hô Thiền)

07 giờ                         : Tiểu thực ( ba tiếng bản nhà trù )

07 giờ 30 đến 08 giờ 45: Công tác  (3 tiếng chuông)

09 giờ 30 đến 10 giờ 30: Tọa thiền  (ba tiếng chuông)

11 giờ 30                   : Sớt cơm vào bát (ba tiếng bản nhà trù)

12 giờ                      :  Thọ trai

Chiều :

1 giờ                          : Chỉ tịnh (một hồi chuông)

2 giờ                          : Thức chúng (một hồi ba tiếng chuông)

 4 giờ đến 5 giờ        : Tọa thiền (ba tiếng chuông)

7 giờ đến 7 giờ 30   : Tụng kinh Bát nhã tại nhà Thiền (ba tiếng chuông)

8 giờ đến 10 giờ     : Tọa thiền công cộng tại nhà Thiền (Hô thiền)

 

D.  HẠN KỲ KINH LUẬN SỬ

Chủ yếu của Thiền Tông là : “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự ; trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật”. Nếu chúng ta tu thiền mà nghe kinh học luận là trái lại với chủ trương của Thiền Tông sao ?

          Song vì Phật Giáo Việt Nam thừa kế gia bảo Thiền Tông mà không khéo giữ gìn bị mất gốc. Do đó, cho nên Thiền viện Chơn Không mới chủ xướng “Thiền giáo đồng hành” nghĩa là vừa tu theo Thiền Tông vừa học kinh luận. Bởi vì hiện tình tu sĩ Việt Nam cũng có lắm người tu Thiền, nhưng không có mấy người thực tu theo Thiền Tông chánh thống. Vì thế, họ dể bị lạc lầm và ra bệnh hoạn điên cuồng. Cho nên có nhiều người nghe nói tu Thiền là đâm ra kinh sợ. Bởi vậy Thiền viện Chơn Không đề khởi tu Thiền, nếu không đem kinh luận của Phật Tổ phối hợp chặc chẽ thì không sao tránh khỏi sự nghi ngờ e sợ của đa số Tu sĩ. Đó là lý do căn bản Tăng chúng ở đây phải học kinh luận.

HẠN  KỲ  NGHE  KINH  LUẬN  SỬ  TRONG BA  NĂM

NĂM THỨ NHỨT :

 Kinh :   1/  Bát nhã tâm kinh           (Hán)

                2/  Kinh Kim Cang              (Hán)

                3/  Kinh Duy Ma Cật           (Việt)

                4/  Kinh Viên Giác              (Hán)

Luận :   1/  Qui Sơn cảnh sách          (Hán)

                2/  Nguồn Thiền                  (Việt)

               3/  Tham Thiền Yếu Chỉ       (Việt)

               4/  Luận Tối Thượng Thừa    (Việt)

               5/  Kinh Pháp Bảo Đàn        (Việt)

                     6/  Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực chỉ (Việt)

Sử :        1/  Ba mươi ba vị Tổ Ấn Hoa

                2/  Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng I

 

NĂM THỨ HAI

 Kinh :    1/  Kinh Lăng Già            (Việt)

               2/  Kinh Lăng Nghiêm      (Việt)

               3/  Kinh Pháp Hoa            (Việt)

Luận :   1/  Thiếu Thất Lục Môn                    (Việt)

              2/  Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn    (Việt)

              3/  Luận Đại Thừa Khởi Tín             ( Hán)

              4/  Luận Trung Quán                        (Hán

              5/  Thiền Quan Sách Tấn                 (Việt)

Sử :      1/   Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng II

NĂM THỨ BA

 Kinh :   1/  Kinh Niết Bàn  (Đại cương)         (Việt)

                2/  Kinh Hoa Nghiêm  (Đại cương) (Việt)

Luận :   1/  Chơn Tâm Trực Thuyết                 (Việt)

                2/  Chứng Đạo Ca                              (Hán)

                3/  Vạn Pháp Qui Tâm                       (Việt)

                4/  Tín Tâm Minh                               (Hán)

Sử :        1/  Sử Thiền Sư Việt Nam

            Những kinh, luận, sử này sẽ được nghe trong vòng sáu ngày đầu của mỗi tháng âm lịch (1- 6) đến khi nào hết số kinh... đó thì nghĩ. Nghĩa là bắt đầu mồng tám tháng tư âm lịch khai giảng, về sau từ mùng một đến mùng sáu nghe kinh đều đều như thế (trừ tháng giêng âm lịch cho nghĩ). Khi nghe kinh, thì mỗi ngày khởi đầu từ 8 giờ đến 10 giờ sáng, 2 giờ 30 đến 4 giờ 30 chiều. Thời gian nghe kinh... bớt giờ công tác sáng và giờ Tọa thiền công cộng buổi sáng, buổi chiều.

            Người nghe kinh không bắt buộc có kinh hay không chỉ cần lắng thần ngồi nghe để thâm nhập yếu lý là đủ.

 

E. CÚNG DƯỜNG CẦU NGUYỆN

I. CÚNG DƯỜNG:

Các Phật tử phát tâm cúng dường chư Tăng tại Thiền viện bằng vật thực tiền bạc, hoặc trai phạm đều được chư Tăng hoan hỷ thu nhận. Nếu tiền bạc vật thực, quí vị nên trực tiếp giao cho thầy Quản viện, hoặc gián tiếp nhờ thầy Tri Khách trao lại. Quí Phật tử tuyệt đối không nên cúng dường riêng cho một vị Tăng nào. Nếu cúng dường trai phạn cần trực tiếp với thầy Quản viện để sắp đặc việc nhà trù. Nếu hôm nào có Phật tử cúng dường trai phạn thì chư Tăng khỏi làm bếp, nhà trù trong viện giao toàn quyền cho Phật tử xử dụng.

II. CẦU NGUYỆN:

     Vì muốn giảm bớt duyên ngoài nên chư Tăng tại Thiền viện không nhận rước đi cầu an cầu siêu bất cứ nơi nào. Để đền ơn thí chủ và thể hiện tâm từ bi, chư Tăng sẵn sàng chấp nhận quí Phật tử xin cầu an cầu siêu tại Thiền viện qua hai thời sau buổi ngọ trai và thời kinh Bát Nhã lúc 7 giờ tối. Điều kiện xin, chỉ chuộng lòng khách không quí tài vật.

Chú ý :  Giờ tọa thiền công cộng, buồi sáng và buổi chiều Tăng, Ni và Cư Sĩ nam nữ bên ngoài được dự, song phải được Viện chủ cho phép.

 F.  KHÁCH ĐẾN THIỀN VIỆN         

            Chư Tăng trong Thiền viện vui vẽ đón tiếp tất cả khách đến với tinh thần tìm hiểu Phật pháp hoặc vì viếng thăm Thiền viện, nhưng phải theo điều kiện sau đây :

I. KHÁCH TĂNG :
            Khách Tăng đến viếng Thiền viện cần phải giữ nếp sống tương tợ với chúng Tăng trong Thiền viện. Nếu khách Tăng muốn lưu lại trong Thiền viện thì không quá một tuần (ngoại trừ trường hợp đặc biệt do Viện chủ cho phép) Trong thời gian lưu lại, khách Tăng phải tập sinh hoạt như tăng chúng tại Thiền viện.

II. KHÁCH CƯ SĨ NAM :
           
 Khách cư sĩ nam đến viếng Thiền viện hoàn toàn theo sự hướng dẫn và sắp đặt của thầy Tri Khách. Nếu cần lưu lại Thiền viện thì không quá 3 ngày, ngoại trừ những vị được cho phép “dự tập tọa thiền”, hoặc “dự học Phật pháp”. Trong thời gian lưu lại Thiền viện, khách nên coi mình như đang thọ “Bát quan trai” mặc dầu không làm lễ thọ. Nghĩa là khách vẫn không được nghe Radio, không đọc báo chí và không ăn phi thời (vì chư tăng chiều không nấu cơm). Đến bữa cơm, khách phải tự đến nhà trù lãnh phần cơm về phòng khách tự dùng.

III. KHÁCH NI VÀ CƯ SĨ NỮ :
            Thiền viện có dành một phòng khách riêng cho nữ phái, khách nữ và Phật tử nữ đến viếng Thiền viện nên dừng lại “nhà khách nữ”. Muốn vào Thiền viện thăm thân nhân hoặc thưa hỏi điều gì, khách nên theo thời gian ấn định tiếp khách của chư Tăng mà đến. Khách cần lưu lại nhà khách này cũng không quá 3 ngày, ngoại trừ những vị được cho phép “dư tập tọa thiền” hoặc “dự học Phật pháp” thì thời gian lưu lại không nhất định.

            Nếu Phật tử phát tâm cúng dường trai phạn cho chư Tăng nên đến nhà trù trong Thiền viện sắm soạn. Cúng dường xong trở lại “nhà khách nữ an nghĩ”.

IV.  THỜI GIAN TIẾP KHÁCH CỦA VIỆN CHỦ:
           
Viện chủ tiếp khách từ 10 đến 12 giờ buổi sáng và từ 4 giờ đến 7 giờ chiều mỗi ngày. Ngoài thời gian được ấn định, khách cần hỏi việc gì nên trực tiếp với thầy Tri Khách.

V.  THỜI GIAN TIẾP KHÁCH CỦA CHƯ TĂNG :
            Vì đem hết tâm tư vào việc tu tập, chư Tăng ở đây nếu có thân nhân hoặc thiện tín đến thăm cũng chỉ tiếp vào lúc 10 giờ 30 đến 12 giờ buổi sáng và 5 giờ đến 7 giờ buổi chiều. Mỗi khi khách đến thăm, chư Tăng chỉ được tiếp trong vòng 15 phút và lúc tiếp phải có Tri Khách ở đó. Ngoài thời gian ấn định trên, khách cần nhắn gởi chi cho chư Tăng nên trao thẳng với Tri Khách.

Nguồn: Thiền Viện Hương Hải

THIỀN TÔNG VIỆT NAM