[Trang chủ] [Kinh sách]

THẬP NHỊ MÔN LUẬN

[Mucluc][TNML][Phần1][Phần2][Phần3][Phần4][Phần5]

[Phần6][Phần7][Phần8][Phần9][Phần10][Phần11][Phần12][VSPNTNNTNM]


VI- QUÁN NHẤT DỊ MÔN

Lại nữa, tất cả pháp không. Vì cớ sao ?

Tướng cùng với sở tướng,

Một, khác không thể được

Nếu không có một, khác

Hai thứ làm sao thành ?

Tướng và sở tướng ấy, nếu một không thể được, khác cũng không thể được; nếu một khác không thể được thì, hai thứ ắt chẳng thành, thế nên tướng sở tướng đều không. Vì tướng sở tướng không nên tất cả pháp đều không.

Hỏi: Tướng, sở tướng thường thành, tại sao chẳng thành ?

Ông nói tướng, sở tướng một, khác không thể được, nay sẽ nói: Phàm vật tướng tức là sở tướng, hoặc tướng khác sở tướng, hoặc ít phần là tướng nhiều phần là sở tướng. Như tướng thức là thức, lìa sử dụng thức lại không có thức; như tướng thọ là thọ, lìa sở dụng thọ lại không có thọ, những tướng như thế tức là sở tướng. Như Phật nói diệt ái gọi là tướng Niết bàn, ái là pháp hữu vi hữu lậu, diệt là pháp vô vi vô lậu; như người tin có ba tướng, ưa gần gũi người lành, ưa thích nghe pháp, ưa làm việc bố thí, ba việc ấy là nghiệp thân khẩu nên nhiếp thuộc ấm, tin là tâm sở nên nhiếp thuộc hành ấm, ấy gọi là tướng cùng sở tướng khác. Như chánh kiến là tướng đạo, đối với đạo là ít phần, như thế ở trong sở tướng ít phần gọi là tướng. Thế nên hoặc tướng tức sở tướng, hoặc tướng khác sở tướng, hoặc sở tướng ít phần là tướng. Ông nói một, khác chẳng thành nên tướng sở tướng chẳng thành, việc ấy không phải.

Ðáp: Ông nói hoặc tướng là sở tướng, như thức v.v... việc ấy không phải. Vì cớ sao ? Bởi vì tướng bị biết gọi là sở tướng, hay sở dụng gọi là tướng. Phàm vật không thể tự biết, như ngón tay không thể tự xúc chạm, như con mắt không thể tự thấy, thế nên ông nói thức tức là tướng, sở tướng, việc ấy không phải.

Lại nữa, nếu tướng tức là sở tướng thì, không nên phân biệt là tướng là sở tướng; nếu phân biệt là tướng là sở tướng thì, không nên nói tướng tức là sở tướng.

Lại nữa, nếu tướng tức là sở tướng thì, nhơn quả ắt là một. Vì cớ sao ? Vì tướng là nhơn sở tướng là quả, hai cái ấy ắt là một; mà thật chẳng phải một; thế nên tướng tức là sở tướng, việc ấy không phải.

Ông nói tướng khác sở tướng, ấy cũng không phải. Ông nói diệt ái là tướng Niết bàn, chẳng nói ái là tướng Niết bàn, nếu nói ái là tướng Niết bàn thì nên nói tướng sở tướng khác. Nếu nói diệt ái là tướng Niết bàn thì, không được nói tướng, sở tướng khác.

Lại ông nói người tin có ba tướng, đều chẳng khác tin, nếu không tướng thì không ba việc này, thế nên chẳng được nói tướng sở tướng khác. Lại tướng sở tướng khác, thì tướng lại nên có tướng, ắt là vô cùng. Việc ấy không phải. Thế nên tướng sở tướng chẳng được khác.

Hỏi: Như đèn hay chiếu cũng hay chiếu kia, như thế tướng hay tự tướng cũng hay làm tướng kia.

Ðáp: Ông nói dụ đèn, trong ba tướng hữu vi đã phá. Lại trái với trước nói, Ông trước nói tướng sở tướng khác, mà hay nói tướng tự hay tướng cũng hay làm tướng kia, việc ấy không phải.

Lại ông nói trong sở tướng ít phần là tướng, việc ấy không phải. Vì cớ sao ? Vì nghĩa nầy hoặc ở trong một, hoặc ở trong khác, nghĩa một khác trước đã phá, nên biết ít phần tướng cũng phá.

Như thế các thứ nhơn duyên, tướng sở tướng một không thể được, lại không có pháp thứ ba thành tướng sở tướng, thế nên tướng sở tướng đều không. Vì hai thứ không nên tất cả pháp đều không.

 

[Mucluc][TNML][Phần1][Phần2][Phần3][Phần4][Phần5]

[Phần6][Phần7][Phần8][Phần9][Phần10][Phần11][Phần12][VSPNTNNTNM]

[Trang chủ] [Kinh sách]